Ứng dụng phương thức cải tiến, năng suất lúa nước ở miền núi tăng cao
Hôm qua 30.11, Sở NN&PTNT phối hợp với Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả của dự án cải thiện an ninh lương thực cho các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ ở một số địa phương miền núi trên địa bàn tỉnh trong năm 2016.
Ngoài các huyện Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang đã thực hiện trong giai đoạn 1, được sự tài trợ của Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế, năm 2016 Sở NN&PTNT tiếp tục triển khai dự án trên tại 13 thôn của 7 xã thuộc 3 địa phương khác là Bắc Trà My, Hiệp Đức, Nam Trà My. Theo đó, trong 2 vụ đông xuân và hè thu của năm nay, những đơn vị liên quan đã tiến hành tập huấn hướng dẫn quy trình sản xuất cho 673 hộ dân (chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số) ở 3 huyện vừa nêu để xây dựng 24 mô hình canh tác lúa nước cải tiến theo gói kỹ thuật SRI. Thực tế cho thấy, nhờ nông dân áp dụng bài bản phương pháp cấy mạ non với mật độ thưa, bón bổ sung phân hữu cơ, quản lý hiệu quả dịch hại tổng hợp, tưới nước tiết kiệm bằng phương thức ướt - khô xen kẽ nên hầu hết ruộng lúa của những mô hình SRI đều sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị nhiễm các loại sâu bệnh nguy hiểm. Theo thống kê, năm 2016 năng suất lúa bình quân của 24 mô hình SRI tại Bắc Trà My, Hiệp Đức, Nam Trà My đạt 53 - 61 tạ/ha, trong khi đó những ruộng sản xuất đại trà theo cách truyền thống chỉ đạt 33 - 39 tạ/ha.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc năng suất tăng mạnh thì mô hình canh tác lúa nước theo gói kỹ thuật SRI còn giúp nông dân tiết kiệm được một khoản chi phí đầu tư tương đối lớn nhờ giảm đáng kể lượng giống, phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, đa số đại biểu đề nghị ngành nông nghiệp tỉnh cùng chính quyền các địa phương thuộc khu vực miền núi trong thời gian tới cần tập trung hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình này, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ…
VĂN SỰ