Tuổi trẻ lập nghiệp
Tìm hướng phát triển nghề cá, 7 thanh niên ở xã Bình Minh (Thăng Bình) hợp sức với nhau để thành lập Hợp tác xã Ngư nghiệp thanh niên Bình Minh (gọi tắt là HTX Thanh niên). Ý tưởng táo bạo này nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo huyện Thăng Bình.
Xây dựng thương hiệu
Võ Văn Nhất (thôn Hà Bình, xã Bình Minh) sinh năm 1992, đầy nhiệt huyết và là một trong 7 thành viên sáng lập HTX Thanh niên. Mặc dù còn rất trẻ nhưng Nhất đã có kinh nghiệm 10 năm thu mua, chế biến và bán lại các loại hải sản cho các đối tác trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm, cơ sở do Nhất điều hành cung cấp hàng trăm tấn hải sản vào TP.Hồ Chí Minh và nhận được những lời khen ngợi của bạn hàng về thương hiệu cá, mực vùng bãi ngang Bình Minh. Mặc dù đã thu được nhiều thành quả nhưng Nhất thừa nhận rằng, công việc chế biến hải sản của mình vẫn còn nhỏ lẻ. “Với quyết tâm phát triển mạnh nghề chế biến hải sản, đáp ứng nhu cầu ngày một khắt khe hơn của khách hàng, tôi vận động và nhận được sự đồng lòng hợp tác của những người bạn cùng quê về việc thành lập HTX Thanh niên. Đi vào hoạt động, công việc của chúng tôi sẽ trôi chảy hơn mà ngư dân cũng bán được hải sản với giá ổn định hơn, thuận tiện đôi đường” - Nhất nói.
Các thành viên sáng lập HTX Thanh niên bên các sản phẩm hải sản Bình Minh.Ảnh: V.QUANG |
Võ Văn Ngọc sinh năm 1986, cũng ở thôn Hà Bình, kinh doanh chế biến hải sản từ hơn 10 năm nay. Hải sản ngư dân Bình Minh đánh bắt, được thanh niên này thu mua, chế biến và tỏa đi bán khắp các miền trong cả nước. Với mong muốn giúp ngư dân ổn định đầu ra hải sản cũng như mở rộng phát triển nghề nghiệp, Ngọc cùng Nhất và các bạn thành lập HTX Thanh niên. “Thời gian qua, cơ sở kinh doanh của tôi hoạt động còn nhỏ lẻ do không huy động được nguồn vốn lớn. Trong khi đó, mặc dù hợp tác với ngư dân nhưng nhiều khi tôi phải chứng kiến họ bán hải sản với giá rất thấp. Chuyện chẳng đặng đừng đó sẽ được giải quyết khi tôi và các bạn đưa HTX Thanh niên đi vào hoạt động, khẳng định thương hiệu hải sản Bình Minh” - Ngọc nói.
Xã Bình Minh có 9km đường biển, hơn 8 nghìn nhân khẩu lao động nghề biển. Mỗi năm, sản lượng khai thác hải sản ở địa phương thu được hơn 10 nghìn tấn. Tuy nhiên, đầu ra hải sản còn bấp bênh vì một số cơ sở thu mua tại địa phương còn hoạt động cầm chừng, trong khi đó việc thu mua từ các đầu nậu ở địa phương khác thì bị o ép giá. Ông Trương Công Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho rằng, sự ra đời của HTX Thanh niên rất có ý nghĩa, ổn định đầu ra cho hải sản của ngư dân và là một thành phần kinh tế quan trọng để góp phần phát triển quê hương.
Địa phương sẽ tạo mọi điều kiện
Hiện tại, trên địa bàn xã Bình Minh có hoạt động của nhiều mô hình kinh tế tập thể là Tổ hợp tác gia công ngư lưới cụ (thôn Hà Bình), Tổ hợp tác sản xuất nước đá (Hà Bình), Tổ hợp tác thu mua, chế biến hải sản (Tân An), Tổ hợp tác cung cấp xăng dầu (Hà Bình)... Ngoài ra còn có sự hoạt động của các mô hình chế biến cá bò ướp tẩm và nhiều cơ sở chế biến hải sản nhỏ lẻ khác, giải quyết việc làm cho 350 lao động nữ. Mới đây, khi tham gia hội chợ quảng bá sản phẩm nông nghiệp Quảng Nam, sản phẩm của các tổ hợp tác, cơ sở chế biến hải sản trên địa bàn xã Bình Minh được khen ngợi về chất lượng sản phẩm. |
Sau quá trình tất bật chuẩn bị, mọi công đoạn để thành lập HTX Thanh niên đã hoàn thành. Các thành viên sáng lập chỉ chờ chữ ký quyết định từ Liên minh HTX Quảng Nam là sẽ ra mắt, dự kiến vào đầu tháng tới. Đáng chú ý là phương thức sản xuất kinh doanh của HTX Thanh niên giàu tính khả thi, được lãnh đạo huyện Thăng Bình đánh giá cao. Số vốn điều lệ của HTX Thanh niên là 1,5 tỷ đồng, vốn hoạt động là 3,5 tỷ đồng. Các thành viên sáng lập đã dự tính thu mua hải sản đánh bắt được của ngư dân địa phương, chế biến và bán lại cho các đối tác. “Vấn đề đầu ra không khó khăn gì. Trước đây, các đối tác yêu cầu chúng tôi cung cấp thêm lượng hàng nhưng do sản xuất nhỏ, chúng tôi không đáp ứng được. Bây giờ có cả HTX hoạt động thì sẽ cung cấp tối đa theo yêu cầu của thị trường” - anh Trần Công Tâm (thôn Tân An), một trong 7 thành viên sáng lập HTX Thanh niên nói. Các thành viên sáng lập còn lại là Đinh Văn Đạo (thôn Hà Bình), Trần Văn Điện (thôn Tân An), Nguyễn Thị Y Phụng (thôn Hà Bình) và Trần Văn Thông (thôn Tân An). Phương thức hoạt động của HTX Thanh niên là sẽ cho các thành viên ra tận bến cá Tân An chở hải sản vừa được ngư dân khai thác về tập kết, làm sạch, kiểm định và đưa vào 2 hệ thống kho đông lạnh rồi sau đó chuyển ra chế biến và chuyển đi cung cấp cho khách hàng.
Ông Trần Công Minh - Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, sản lượng khai thác hải sản của ngư dân địa phương không ngừng tăng lên trong vài năm trở lại đây. Hiện tại, nhiều tàu vỏ thép và tàu vỏ gỗ công suất lớn được đóng mới từ các nguồn vốn vay ưu đãi đã đi vào hoạt động trong các vùng biển xa sẽ giúp địa phương tăng thêm sản lượng trong thời gian tới. Trong khi đó, lượng thu mua hải sản trước đây rất bị động, sản xuất khó khăn. Vì thế sự hoạt động của HTX Thanh niên sẽ là “bà đỡ”, giúp ngư dân địa phương yên tâm, vươn khơi khai thác hải sản thật đạt.
Tại buổi làm việc của UBND huyện Thăng Bình với 7 thành viên sáng lập HTX Thanh niên, ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho rằng, nỗ lực, sự quyết tâm, đồng thuận, đoàn kết của 7 thanh niên trẻ là rất đáng ghi nhận. Mọi thủ tục thành lập HTX Thanh niên thì không phải bận tâm. Vấn đề quan trọng nhất là cần hoạt động sao cho hiệu quả. Theo ông Hương, trong điều kiện cạnh tranh thị trường ngày một gay gắt thì chỉ có khẳng định thương hiệu, chất lượng mới tồn tại được và phát triển. Theo đó, HTX Thanh niên phải tổ chức hoạt động thật bài bản trong mọi khâu. Việc giao tiếp, đàm phán, thực hiện hợp đồng cung cấp hải sản phải được HTX Thanh niên triển khai thật chu đáo. Về các cơ chế hỗ trợ vận hành của HTX Thanh niên, ông Hương cho rằng, sẽ vận dụng thật linh hoạt các cơ chế của huyện, tỉnh và Trung ương, tạo điều kiện thuận lợi nhất để HTX hoạt động hiệu quả nhất có thể.
VIỆT QUANG