Giải ngân không đạt kế hoạch, ai chịu trách nhiệm?

NHẬT PHONG 16/11/2016 08:38

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu vừa yêu cầu các chủ đầu tư có trách nhiệm, khẩn trương lập hồ sơ giải ngân 100% kế hoạch vốn còn lại cho các dự án (năm 2015 được kéo dài 2016) đến hết ngày 20.11.2016 và giải ngân 100% kế hoạch vốn 2016 đến hết ngày 20.12.2016.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư chủ động rà soát, đề xuất cấp thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án không có khả năng giải ngân hết vốn trong năm 2016 sang thanh toán cho các dự án khác có nhu cầu vốn thanh toán khối lượng hoàn thành trong nội ngành, lĩnh vực và nội bộ đơn vị quản lý. Các chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu các dự án không thể giải ngân hết kế hoạch năm 2016 (kể cả năm 2015 kéo dài sang năm 2016).

Năm nào cũng vậy, các chủ đầu tư đều cam kết sẽ hoàn tất giải ngân 100% kế hoạch vốn trước khi kết thúc tài khóa. Song, cho dù có ra “tối hậu thư” nhưng thời hạn cuối cùng còn lại quá ít, lại cõng thêm khối lượng công trình nhiều, nhất là những dự án có tỷ lệ giải ngân bằng 0% thì tỷ lệ giải ngân đạt đến mức tối đa là điều bất khả thi. Theo một thống kê chưa chính thức, tính đến ngày 20.10.2016, đã giải ngân đạt 62% kế hoạch, thấp hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Có một số dự án giải ngân dưới 30% và vốn kéo dài đến năm 2016 mới chỉ khoảng 72%. Chỉ mới tính đến 75 dự án khởi công mới năm 2016 (chỉ giải ngân 6%) đã có gần 40 dự án chưa giải ngân được đồng vốn nào, trong khi hạn cuối cùng chỉ còn hơn một tháng nữa. Sẽ có rất nhiều dự án bị cắt giảm, điều chuyển vốn hoặc mất vốn là điều đã được báo trước.

Không phải đến bây giờ chuyện không đạt tiến độ giải ngân hay xài không hết vốn đầu tư mới xảy ra. Chính quyền, cơ quan quản lý đã ban hành rất nhiều văn bản hướng dẫn lẫn “kêu gọi” giải ngân, kể cả những mệnh lệnh hành chính, kèm theo các chế tài cho người đứng đầu chịu trách nhiệm, nhưng nhiều năm qua vẫn không thể thay đổi. Do cơ chế hay năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu? Lý do đơn giản không gì khác hơn chính là ý thức, tự giác và sự vận động của các chủ đầu tư, ban quản lý và cơ quan giao kế hoạch. Nếu một khi tất cả cơ quan này thấy rõ được trách nhiệm trong việc xử lý vốn đầu tư hay hiệu quả của các dự án, chắc chắn thấy được quyền tự quyết giải ngân trong tay mình hay điều hành chính sách thì sẽ không còn một ai biện bạch rằng số dự án phải chờ phê duyệt quyết toán hoàn thành rồi mới thanh toán.

Không ít văn bản công bố sẽ xem xét, quyết định hình thức xử lý trách nhiệm đối với chủ đầu tư dự án bị cắt giảm vốn do không giải ngân hết kế hoạch vốn. Thế nhưng đó cũng chỉ là lý thuyết. Không thể hiểu rằng ở đâu cũng cần, ai cũng muốn có những dự án đầu tư để tạo động lực phát triển thì tại sao có dự án phê duyệt, có nguồn phân bổ mà lại không chịu “tiêu tiền”? Chưa thấy ai bị kỷ luật vì dự án không thể giải ngân được hoặc để dự án bị điều chuyển vốn? Nếu chỉ khuyến cáo, thiếu sự răn đe, chế tài, kỷ luật một ai đó làm gương thì kiểu quản lý không rõ ràng như vậy tồn tại làm vốn ngân sách “mất đi” mà không ai chịu trách nhiệm sẽ tiếp tục xảy ra và mất cả lòng tin của dân chúng về năng lực điều hành của các cơ quan công quyền!

NHẬT PHONG

NHẬT PHONG