Dự án phát triển tiềm lực nông thôn dựa vào cộng đồng: Thúc đẩy phát triển nông thôn

VĨNH LỘC 01/11/2016 09:45

Với mục tiêu thiết lập mô hình xúc tiến phát triển nông thôn toàn diện, dự án “Phát triển tiềm lực nông thôn dựa vào sự chủ động của cộng đồng bà con dân tộc thiểu số huyện Nam Giang” hứa hẹn mang đến những cơ hội mới cho cộng đồng người dân địa phương.

Nâng cao chuỗi giá trị nông, lâm sản

Dự án “Phát triển tiềm lực nông thôn dựa vào sự chủ động của cộng đồng bà con dân tộc thiểu số huyện Nam Giang” do Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế (FIDR) phối hợp với UBND huyện Nam Giang triển khai, có thời gian kéo dài 4 năm (8.2016 - 8.2020), kinh phí 11,5 tỷ đồng. Đối tượng hưởng lợi gồm 6 xã huyện cho phép và 6 xã vệ tinh vùng cao của huyện. Mục đích dự án là thiết lập được mô hình xúc tiến phát triển nông thôn toàn diện với sự chủ động của cộng đồng. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, dự án tập trung vào phát triển con người, tổ chức cộng đồng; phát triển các sản phẩm mang thương hiệu Nam Giang do chính người dân nơi đây sản xuất, quảng bá, bán ra thị trường thông qua con đường du lịch. Qua đó, khơi dậy những tiềm năng về nông sản, nông sản chế biến, lâm sản ngoài gỗ, thủ công mỹ nghệ, các đặc sản… còn tiềm ẩn của địa phương trên cơ sở tận dụng 2 tiềm năng đã được đánh thức là nghề dệt thổ cẩm và du lịch dựa vào cộng đồng nhằm tạo thương hiệu riêng cho địa phương.

Thông qua các dự án dựa vào cộng đồng ở Nam Giang, nhiều sản phẩm địa phương được tiếp cận với thị trường. Ảnh: V.L
Thông qua các dự án dựa vào cộng đồng ở Nam Giang, nhiều sản phẩm địa phương được tiếp cận với thị trường. Ảnh: V.L

Theo ông A Viết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, dự án này là sự tiếp nối dựa trên nền tảng thành công của dự án “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu - Nam Giang” do FIDR phối hợp với UBND huyện Nam Giang triển khai từ năm 2012 - 2016, và là dự án thứ 4 liên tiếp của FIDR hỗ trợ huyện Nam Giang từ năm 2001 đến nay. Qua 16 năm triển khai, kết quả từ các dự án mang lại khá tích cực. Riêng dự án “Phát triển cộng đồng huyện Nam Giang”, hiện một số mô hình vẫn còn được triển khai và áp dụng như: mô hình nuôi heo địa phương vườn chuồng, mô hình đào hố rác vệ sinh cộng đồng; hỗ trợ xây dựng trụ sở trạm y tế các xã; mở các lớp xóa mù chữ cho phụ nữ 2 xã Cà Dy, Ta Bhing. Với dự án “Hỗ trợ phát triển dệt thổ cẩm truyền thống Cơ Tu - Nam Giang” đã góp phần phục hồi và phát triển làng dệt thổ cẩm Zara (Ta Bhing) trở nên nổi tiếng và mang lại thu nhập cho một bộ phận phụ nữ trong làng. Đặc biệt, thành công nhất chính là dự án “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu - Nam Giang”, là sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp, tour du lịch Cơ Tu - Nam Giang đã trở thành sản phẩm hấp dẫn của du khách châu Âu và Nhật Bản. Qua 4 năm triển khai đã có hơn 1.140 lượt khách ghé thăm, doanh thu gần 800 triệu đồng. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống Cơ Tu được gìn giữ phát huy hiệu quả.

Lo nguồn nguyên liệu

Dù mục tiêu hướng đến khá thiết thực và mang nhiều ý nghĩa dân sinh, nhưng nhiều người vẫn băn khoăn về tính hiệu quả của dự án này. Tại hội thảo khởi động dự án này vừa tổ chức mới đây tại Nam Giang có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ NN&PTNT cùng các Sở VH-TT&DL; Ngoại vụ, NN&PTNT…, nhiều đại biểu đã bày tỏ băn khoăn về mục tiêu xây dựng các sản phẩm nông sản phục vụ du lịch. Theo ông Nguyễn Đình Hồng - Phó chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), bên cạnh mặt tích cực của dự án là giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng, chung tay giải quyết vấn đề xóa đói giảm nghèo… thì một hạn chế hiện nay chính là sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện hiện còn đơn điệu và manh mún, chưa được sắp xếp quy hoạch thành các vùng chuyên canh tập trung. “Phải xác định sản phẩm từ rừng, sản phẩm nông nghiệp chủ lực là cái gì, chứ manh mún như hiện nay thì không ổn. Đơn cử, như tiêu rừng, mật ong, kể cả lúa gạo rẫy… thì khó nói có thể khai thác được bao nhiêu trong tự nhiên để đáp ứng được yêu cầu của khách như một sản phẩm hàng hóa” - ông Hồng nói.

Cùng quan điểm trên, ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ cho rằng, dường như dự án vẫn chưa đánh giá hết những tác động về văn hóa, kinh tế, xã hội tại địa phương. Do vậy, nếu đặt mục tiêu cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập người dân… như các dự án đã thực hiện thời gian qua thì mục tiêu vẫn chưa đạt được, mà mới chỉ dừng ở việc thay đổi nhận thức người dân trong việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa. Theo ông Sơn, hầu hết dự án dựa vào cộng đồng mà không thành công thì nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ kinh tế. Khi người dân cảm thấy có lợi ích sẽ tích cực tham gia và ngược lại. Do vậy, thay vì phát triển nhân rộng ra thì nên tập trung củng cố các dự án trước đây như Zara (dù số người hưởng lợi rất ít, thu nhập cũng không cao) và coi đó như một dự án điểm nông lâm kết hợp với văn hóa truyền thống để tránh trường hợp chúng ta đưa ra một mục tiêu quá lớn mà không có mục tiêu cụ thể. “Nam Giang nằm trong hành lang kinh tế Đông Tây, khi cửa khẩu mở sẽ có nhiều thay đổi về vấn đề đi lại, du lịch, quản lý… và điều này thì vượt quá khả năng so với phạm vi của một huyện, nhưng dự án không đề cập. Ngoài ra, ai sẽ là người đưa sản phẩm nông sản ra ngoài nếu không phải là doanh nghiệp. Trong khi chúng ta chưa xây dựng được doanh nghiệp địa phương đủ mạnh để có thể hạn chế những thất thoát trung gian, nhưng tôi vẫn chưa thấy có bóng dáng doanh nghiệp trong dự án này” - ông Sơn phân tích.

Theo bà Nobuko Otsuki - Trưởng đại diện FIDR tại Việt Nam, hiệu quả các dự án mang lại 16 năm qua là đáng tự hào, nhất là trong việc đánh thức những kho báu của cộng đồng. Đó là những kinh nghiệm quý để không chỉ phát triển ở Ta Bhing mà còn mở rộng ra toàn huyện. “Năm 2004 khi tôi đến Nam Giang tôi không thể tưởng tượng được 10 năm sau du khách sẽ đến đây thưởng thức những kho báu của cộng đồng. Nên chúng tôi tin tưởng nếu có sự phối hợp, hỗ trợ của các ngành liên quan và sự nỗ lực của người dân chắc chắn chúng ta sẽ làm được và đạt được thành công” - bà Nobuko Otsuki nói.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC