Quỹ tín dụng nhân dân Tây Điện Bàn: Thêm nguồn lực cho nông dân

CÔNG TÚ 21/10/2016 09:09

Từ một hội sở, đến nay Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) Tây Điện Bàn đã phát triển thêm 4 phòng giao dịch với nguồn vốn tăng lên đáng kể, góp phần tạo thêm nguồn lực để giúp nhân dân mở rộng sản xuất.

Hình trình gian khó

Thực hiện chủ trương của Nhà nước về phát triển kinh tế hợp tác, trong đó có tổ chức tín dụng, năm 1993, Quỹ TDND Tây Điện Bàn (khi ấy là Quỹ TDND xã Điện Thọ) là một trong 2 đơn vị được tổ chức thành lập thí điểm tại địa bàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) trong bối cảnh hàng loạt hợp tác xã đổ vỡ. Ông Phan Phụng Đường - Chủ tịch HĐQT Quỹ TDND Tây Điện Bàn nhớ lại, tháng 5.1996, xã Điện Thọ hình thành Ban vận động tiến hành công tác tuyên truyền vận động thành lập quỹ. Lúc ấy có 26 người là đại diện doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình hưởng ứng với tư cách là thành viên sáng lập, góp đủ vốn điều lệ theo pháp định. Gần cuối tháng 10 năm đó, quỹ chính thức khai trương đi vào hoạt động, từng bước phát huy tinh thần tương trợ cộng đồng, khai thác nội lực về vốn, đáp ứng nhu cầu tín dụng nhỏ ở địa bàn nông thôn. Để đáp ứng nhu cầu vay vốn, gửi tiền của nhân dân trong khu vực các xã phía tây, năm 2002 quỹ mở rộng địa bàn ra 2 xã Điện Phước, Điện Hồng (lúc này đổi tên thành Quỹ TDND liên xã Điện Thọ). Bốn năm sau, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam tiếp tục cho phép mở rộng hoạt động tín dụng ra thêm 2 xã là Điện Tiến và Điện Hòa (đổi tên gọi Quỹ TDND Tây Điện Bàn).

Nông dân được tạo điều kiện thuận lợi khi đến giao dịch tín dụng tại Quỹ tín dụng nhân dân Tây Điện Bàn. Ảnh: C.T
Nông dân được tạo điều kiện thuận lợi khi đến giao dịch tín dụng tại Quỹ tín dụng nhân dân Tây Điện Bàn. Ảnh: C.T

Sau gần 20 năm hoạt động, Quỹ TDND Tây Điện Bàn hiện đã có 4 phòng giao dịch tại 4 xã phía tây của thị xã. Để tạo lập quy mô như hiện nay, đơn vị phải đối mặt với bao trở ngại. Giám đốc Quỹ TDND Tây Điện Bàn - ông Phan Tấn Quân cho biết, vốn góp ban đầu cho vay chỉ vỏn vẹn 73,3 triệu đồng, trụ sở và trang thiết bị không có, cán bộ thì chưa được đào tạo, niềm tin trong cán bộ và nhân dân về tín dụng hợp tác chưa nhiều. Nhưng bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ nên các chỉ tiêu hoạt động tăng trưởng theo chiều hướng tích cực và hiệu quả qua từng năm. Thành viên lần lượt xin gia nhập vào quỹ ngày càng tăng (hiện có 5.501 người), người đến gửi tiền ngày một nhiều. Đặc biệt, đơn vị xác lập được niềm tin trong cán bộ và nhân dân là động lực để quy mô hoạt động mở rộng khắp vùng tây Điện Bàn. “Chúng tôi khai thác nội lực về nguồn vốn tại chỗ, huy động được một lượng lớn tiền tiết kiệm với lãi suất cao hơn các tổ chức tín dụng khác đang hoạt động cùng trên địa bàn. Cạnh đó, suốt quá trình kinh doanh, quỹ luôn đảm bảo an toàn, bảo mật và thanh toán kịp thời, chính xác cho người gửi tiền. Tiền gửi của họ được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bảo hiểm và Quỹ đảm bảo an toàn hệ thống Quỹ TDND bảo đảm” - ông Quân nói.

Nguồn tài chính tin cậy

Nhiệm kỳ 2012 - 2017, Quỹ TDND Tây Điện Bàn đã quyết định đầu tư hơn 500 triệu đồng để mở phòng giao dịch tại xã Điện Tiến. Từ chỗ chỉ có 30m2 trụ sở giao dịch ban đầu, đến nay quỹ sở hữu 550m2 nhà làm việc (1 trụ sở chính 2 tầng, 4 phòng giao dịch) và gần 100m2 đất thổ cư. Tổng số cán bộ nhân viên hiện có 24 người (11 tốt nghiệp đại học). Với những kết quả đạt được, Quỹ TDND Tây Điện Bàn được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, UBND tỉnh tặng thưởng nhiều Cờ đơn vị thi đua xuất sắc, đạt danh hiệu “Bông lúa vàng” năm 2006 và năm 2009 của Hiệp hội Quỹ TDND Việt Nam, đạt doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh Quảng Nam năm 2014.

Trong lúc loay hoay chưa biết tìm đâu ra nguồn kinh phí để đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp, lão nông Phan Đấu (thôn Đức Ký Nam, xã Điện Thọ) đã được “mách nước” và tìm đến Quỹ TDND Tây Điện Bàn. Nhờ nguồn vốn vay từ quỹ tín dụng này, gia đình ông đã mua sắm 1 máy cày đất lớn, rồi tiếp tục đầu tư 2 máy gặt đập liên hợp phục vụ sản xuất nông nghiệp và đang ăn nên làm ra với “cơ nghiệp” này. Ở Điện Bàn, trường hợp như ông Đấu không phải là ít. Hiện nhiều cá nhân, tổ chức đã tìm đến nguồn vốn của quỹ và được giải ngân kịp thời.

Theo thống kê, tổng nguồn vốn của Quỹ TDND Tây Điện Bàn tính đến ngày 30.6.2016 hơn 148,3 tỷ đồng, tổng nguồn vốn tự có hơn 5,1 tỷ đồng, tổng dư nợ đến cuối tháng 9.2016 là 78,5 tỷ đồng. Lãnh đạo Quỹ TDND Tây Điện Bàn cho biết thêm, đơn vị giải quyết cho các thành viên và khách hàng vay vốn để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống (sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 85% tổng dư nợ). Nguồn tín dụng được họ đầu tư nuôi dê, nuôi hươu, nuôi bò lai, nuôi heo siêu nạc, nuôi cá nước ngọt, trồng bông, trồng thuốc lá, sản xuất  lúa lai, bắp lai... Ngành nghề tiểu thủ nông nghiệp, như dệt vải, mây tre, gia công chế biến cá xuất khẩu, cơ khí gò hàn trỗi dậy mạnh mẽ. Có hộ còn sắm máy móc nông cụ, phương tiện vận tải phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.

Có thể nói rằng, hiệu quả kinh tế mà Quỹ TDND Tây Điện Bàn đạt được là không lớn, song tác động tích cực về mặt xã hội xứng đáng được ghi nhận. Bởi thông qua hoạt động tín dụng, đơn vị góp phần giải quyết tệ nạn cho vay nặng lãi và tình trạng bán sản phẩm non tại địa phương, tạo ra một kênh tài chính đủ sức tác động thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Quỹ trở thành chỗ  dựa, người bạn đồng hành của thành viên, của nông dân trong quá trình phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo tại các địa phương. “Thành quả lớn nhất là chúng tôi tạo dựng được sự tin tưởng từ khách hàng, như thế người dân mới đem đồng tiền để dành, tích góp của họ đến gửi. Ngược lại, quỹ có tin người vay tiền thì mới đầu tư cho vay” - ông Phan Phụng Đường đúc kết.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ