Hợp tác xã Vận tải và kinh doanh tổng hợp TP.Tam Kỳ: Ưu tiên chất lượng dịch vụ

CÔNG TÚ 20/10/2016 08:42

Chịu sự cạnh tranh quyết liệt của doanh nghiệp cùng ngành nghề, Hợp tác xã Vận tải và kinh doanh tổng hợp (VT&KDTH) TP.Tam Kỳ vẫn chứng tỏ được hiệu quả hoạt động của mô hình kinh tế tập thể thông qua dịch vụ vận chuyển đường bộ.

Tạo đà phát triển

Năm 2014, Hợp tác xã VT&KDTH TP.Tam Kỳ khai trương tuyến xe buýt Tam Kỳ - Bắc Trà My và ngược lại. Đây là tuyến xe buýt 2 chiều đầu tiên mà toàn bộ phương tiện đều do hợp tác xã đầu tư khai thác. Trước đó, đơn vị tham gia trên 2 tuyến xe buýt 2 chiều Tam Kỳ - Đà Nẵng, Tam Kỳ - Núi Thành cùng với các doanh nghiệp, hợp tác xã khác. “Sự kiện trên là bước ngoặt mới trong chiến lược kinh doanh vận tải hành khách bằng đường bộ, chứng tỏ đơn vị đã ngày một trưởng thành” - nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT), ông Trương Văn Cận đánh giá. Ngoài xe buýt 2 chiều Tam Kỳ - Đà Nẵng, Tam Kỳ - Núi Thành, giai đoạn 2008 - 2012, trên huyết mạch giao thông tỏa ra các huyện Nam Trà My, Nông Sơn, Nam Giang hay các tỉnh, TP.Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Kon Tum, Đắc Nông đều xuất hiện bóng dáng phương tiện của Hợp tác xã VT&KDTH TP.Tam Kỳ vận chuyển hành khách cố định.
Tuân thủ theo Luật Hợp tác xã năm 2012, tháng 7.2013, Đại hội thành viên hợp tác xã nhiệm kỳ VII (2013 - 2018) chính thức được tiến hành và đã bầu ra HĐQT cùng ban kiểm soát.

Xe buýt 2 chiều Tam Kỳ - Bắc Trà My phục vụ hiệu quả nhân dân và cán bộ  đi lại trên tuyến. Ảnh: C.T
Xe buýt 2 chiều Tam Kỳ - Bắc Trà My phục vụ hiệu quả nhân dân và cán bộ đi lại trên tuyến. Ảnh: C.T

Nhiều mục tiêu cần phấn đấu cho nhiệm kỳ mới được đề ra như: gửi văn bản đến UBND TP.Tam Kỳ xin cấp đất để xây dựng bãi đỗ xe, đồng thời trình thủ tục lên Sở GTVT cho phép mở tuyến xe buýt Tam Kỳ - Bắc Trà My và ngược lại. Năm 2014, bên cạnh tuyến xe buýt kể trên đưa vào phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, đơn vị còn đầu tư xây dựng hoàn thành bãi đỗ xe khách và xe tải ở địa chỉ 954 Phan Châu Trinh (phường An Sơn, TP.Tam Kỳ) có diện tích 3.000m2. Nhờ đó, trạm xe buýt Tam Kỳ - Đà Nẵng trước đây đặt tại khu vực cây xăng dầu Hòa Hương gây mất an toàn giao thông (ATGT), ảnh hưởng mỹ quan đô thị và dễ xảy ra cháy nổ chính thức bị xóa sổ. Một số luồng tuyến vận tải hành khách cố định từ Tam Kỳ đi Tiên Phước, Phước Sơn, Gia Lai, Quảng Trị tiếp tục được mở. Xã viên Đinh Minh Thuận (phường An Xuân, TP.Tam Kỳ) cho hay, hộ ông tham gia hợp tác xã gồm 6 ô tô (xe loại 16 chỗ ngồi) để kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định. Được ban giám đốc tạo thuận lợi, hoạt động của phương tiện đều ổn định khi khai thác các luồng tuyến: Tam Kỳ - Đà Nẵng (4 xe), Tam Kỳ - TP.Huế, Thừa Thiên Huế (1 xe), Tam Kỳ - TP.Đông Hà, Quảng Trị (1 xe).

Tiếp tục đầu tư phương tiện

Phó Giám đốc Hợp tác xã VT&KDTH TP.Tam Kỳ - ông Bùi Văn Lợi cho hay, đến thời điểm này, đơn vị có tổng cộng 37 xe vận tải hành khách tuyến cố định, 36 xe vận tải khách theo hợp đồng, 30 xe buýt và 22 xe vận tải hàng hóa. Hầu hết phương tiện đều đạt chuẩn. Xã viên thuộc hợp tác xã là 110 người, hơn 200 lao động gồm tài xế và nhân viên phục vụ trên xe. Theo nhận xét của hành khách, hợp tác xã thời gian qua đã phục vụ tương đối tốt nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa của nhân dân; ngành chức năng thì đánh giá là mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu thuộc lĩnh vực vận tải của tỉnh. Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã VT&KDTH TP. Tam Kỳ - ông Hồ Tấn Ba nói: “Đa số hợp tác xã cùng ngành nghề trong địa bàn tỉnh chỉ làm dịch vụ hỗ trợ, vì vậy kinh phí hoạt động đều phụ thuộc phương tiện của xã viên. Chúng tôi hoạt động theo mô hình dịch vụ hỗ trợ, có tài sản đa sở hữu. Có nghĩa là, hợp tác xã vừa có tài sản, phương tiện sở hữu chung của tập thể, vừa có phương tiện sở hữu riêng của từng xã viên đăng ký tham gia trong tổ chức. Cho nên, tài chính phục vụ kinh doanh luôn ổn định, có hướng phát triển khả quan hơn nhiều”. Nhờ có nền tảng tài chính cơ bản và kinh doanh hiệu quả, hợp tác xã trả xong số tiền vay 4 tỷ đồng để mua sắm xe buýt phục vụ tuyến Tam Kỳ - Bắc Trà My trước thời hạn 2 năm.

Thời gian qua, hợp tác xã quan tâm phổ biến các chủ trương, chính sách của cấp trên về công tác đảm bảo ATGT qua các buổi sinh hoạt, hội họp. Xe nào gây va chạm, lãnh đạo đơn vị triệu tập xã viên và tài xế để phân tích, mổ xẻ nguyên nhân, hướng khắc phục và yêu cầu chấn chỉnh sai phạm, nghiêm túc rút kinh nghiệm. “Ban quản trị thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra chặt chẽ giấy tờ xe, giấy phép lái xe trước khi cấp giấy đi đường cho xe phục vụ vận tải. Phương tiện đều gắn thiết bị giám sát hành trình, tạo thuận lợi cho người có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của tài xế, qua đó kiềm chế xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ, góp phần đảm bảo trật tự ATGT” - một xã viên cho hay.

Nhờ sự năng động, đổi mới kinh doanh và quyết liệt trong điều hành, năm 2015, Hợp tác xã VT&KDTH TP.Tam Kỳ đạt sản lượng vận tải hành khách gần 2 triệu lượt người; nộp thuế 751 triệu đồng; lãi ròng 725,1 triệu đồng. Không những là “bà đỡ” hiệu quả cho hộ xã viên, đơn vị được nhìn nhận là tham gia tích cực công tác xã hội từ thiện, phòng chống lụt bão. Ban giám đốc cho biết, cuối tháng 10 năm nay sẽ có 2 xe giường nằm chất lượng cao tham gia vận tải hành khách tuyến Tam Kỳ - TP.Hồ Chí Minh. Vừa qua, hợp tác xã cùng 2 đơn vị khai thác tuyến xe buýt 2 chiều Tam Kỳ - Núi Thành đã gửi văn bản cho Sở GTVT xin phép đi theo lộ trình Tam Kỳ - quốc lộ 1 - sân bay Chu Lai - chạy ra Kỳ Hà và ngược lại. Được biết, năm 2017 UBND tỉnh sẽ không hỗ trợ toàn bộ chi phí vận chuyển khách đi máy bay như thời gian qua. Nếu được cho phép, hành khách đi máy bay có thể sử dụng xe buýt, còn Nhà nước tiết kiệm mỗi tháng 180 triệu đồng. Hợp tác xã còn dự kiến sẽ khảo sát, làm các thủ tục xin mở tuyến xe buýt 2 chiều Tam Kỳ - Đà Nẵng, lộ trình từ Tam Kỳ đi theo đường ven biển qua cầu Cửa Đại, ra Đà Nẵng.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ