Hợp tác xã Vận tải thủy bộ và du lịch Hội An: Tìm hướng đi riêng
Hợp tác xã (HTX) Vận tải thủy bộ và du lịch Hội An đã không ngừng nỗ lực vươn lên khẳng định chỗ đứng vững chắc, trở thành một trong những HTX tiêu biểu nhiều năm liền của tỉnh.
NHỚ lại những tháng ngày đã qua, ông Hoàng Văn Thùy - Giám đốc HTX Vận tải thủy bộ và du lịch Hội An trầm ngâm: “Cũng khó khăn lắm chứ, nhưng để tồn tại không còn cách nào khác phải nỗ lực tự xoay xở tìm hướng đi riêng”. Hướng đi của HTX chính là vừa đảm nhận vai trò nhiệm vụ chính trị xã hội địa phương nhưng cũng phải tổ chức kinh doanh hiệu quả để có nguồn thu duy trì bộ máy hoạt động.
Vai trò “bà đỡ”
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, HTX Vận tải thủy bộ và du lịch Hội An đã tổ chức quản lý, điều hành kinh doanh và hỗ trợ chuyên ngành vận tải cho hơn 150 ô tô, tàu thuyền (gồm gần 200 xã viên) hoạt động trên các lĩnh vực với 6 tuyến vận chuyển gồm: tuyến xe buýt (Hội An – Đà Nẵng, Hội An – Tam Kỳ); tuyến cố định đường bộ nội tỉnh và liên tỉnh; tuyến cố định đường thủy; vận chuyển khách du lịch đường bộ theo hợp đồng; vận chuyển khách đường thủy và biển đảo. Trong đó, đã tổ chức được đội xe vận chuyển khách du lịch với khoảng 100 phương tiện đường bộ và đội tàu, thuyền phục vụ khách tham quan sông nước và biển đảo Cù Lao Chàm. Tham gia HTX, thành viên được hưởng những quyền lợi về pháp lý, cơ chế như được phân luồng tuyến, phiên thứ…. Riêng thành viên thuộc mảng du lịch, HTX có trách nhiệm liên hệ với các công ty du lịch, lữ hành và phân bổ nguồn khách cho xã viên hoạt động. Ngược lại, xã viên phải có nghĩa vụ đóng góp phí theo quy định để HTX đủ chi phí trong ban quản trị. “Nói chung, xã viên tham gia tự do, tự nguyện còn HTX chỉ đóng vai trò như bà đỡ, nghĩa là làm tất cả nhiệm vụ hỗ trợ về vận tải mà thành viên yêu cầu” - ông Thùy chia sẻ.
Một số tuyến đường thủy như Hội An - Cù Lao Chàm và Hội An - Cẩm Kim trước đây đều được HTX ưu đãi giá. Ảnh: V.L |
Không chỉ chăm lo bảo đảm quyền lợi xã viên, việc chia sẻ lợi ích cộng đồng thông qua mức trợ giá vận chuyển khách hoặc miễn phí một số đối tượng khách khó khăn trên các tuyến đường thủy Hội An - Cù Lao Chàm và trước đây là Hội An - Cẩm Kim, ước tính mỗi năm số tiền hỗ trợ HTX bỏ ra gần 300 triệu đồng, dù việc này gây khó khăn cho HTX trong việc tái đầu tư và nâng cấp phương tiện. Để đảm bảo hoạt động, HTX chủ yếu điều chuyển nguồn lợi từ các hoạt động, luồng tuyến khác bổ sung lẫn nhau, tuy vậy hiệu quả kinh doanh của đơn vị vẫn đạt được kết quả khả quan. Chỉ trong 3 năm trở lại đây, doanh thu HTX luôn tăng trưởng cao qua mỗi năm, từ 60,7 tỷ đồng (năm 2013) tăng lên hơn 80 tỷ đồng (2015); lợi nhuận trước thuế cũng tăng từ hơn 3,7 tỷ đồng (2013) lên 4,6 tỷ đồng (2015), bình quân thu nhập lao động hàng tháng khoảng 5 triệu đồng/người.
Mở rộng quy mô
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong kinh doanh cũng như hoạt động xã hội nhưng khó khăn của HTX vẫn còn nhiều, kể cả trong việc chăm lo quyền lợi xã viên. Ông Nguyễn Quang Thịnh, thành viên đội xe buýt tuyến Hội An – Đà Nẵng nhìn nhận, so với những năm trước, hiện tại công việc làm ăn gặp khó khăn hơn do vắng khách, và điều này thì HTX khó có thể giúp đỡ được. “HTX cũng quan tâm, tạo điều kiện nhiều cho xã viên nhưng thực tình hoạt động vận chuyển của đội xe thời gian này chỉ cầm chừng do sinh viên các trường cao đẳng ở Hội An đang ít dần, chủ yếu nhờ chở khách du lịch. Trừ tiền bến bãi, chi phí đóng góp… mỗi ngày chạy còn được vài trăm nghìn, vì chúng tôi tự hạch toán kinh doanh nên cũng khá vất vả” - ông Thịnh chia sẻ. Tuy nhiên, điều khiến HTX hiện còn “áy náy” chính là giải quyết, bố trí việc làm mới cho đội thuyền vận chuyển tuyến Hội An – Cẩm Kim sau khi cầu Cẩm Kim hoàn thành năm 2015. “HTX đã làm việc với UBND thành phố, phối hợp với chính quyền các xã, phường để chuyển đổi ngành nghề cho anh em. Ngoài một số người chuyển sang thuyền du lịch hoặc thuyền cao tốc, số còn lại được thành phố phân về các địa phương theo kiểu người ở nơi nào phường đó phải có trách nhiệm nắm và tạo điều kiện việc làm, hộ nào bức xúc cấp bách thì giải quyết trước. Đến nay, về mặt kết quả chỉ mới cơ bản nhưng về mặt tư tưởng tâm lý anh em cũng đã ổn rồi” - ông Hoàng Văn Thùy cho biết.
Ông Thùy cũng cho rằng, vấn đề quan tâm nhất hiện nay là Nhà nước vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể cho HTX, chủ yếu đơn vị tự thân vận động, xoay xở trong khi sự cạnh tranh gay gắt của thị trường cũng như yêu cầu phát triển của xã hội ngày càng cao. “Nói chung, các chính sách của trung ương đọc thì nghe sướng lắm nhưng đi vào thực tiễn để hỗ trợ cho loại hình kinh tế HTX thì mình không đón nhận được gì. Ngay cả cơ chế vay vốn từ quỹ hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh là cái quỹ gần gũi với mình nhất nhưng khi làm đề án vay, thủ tục… cũng rất khó khăn” - ông Thùy dẫn chứng. Tuy vậy, ông Thùy vẫn tin tưởng với sự quyết tâm dám nghĩ dám làm, HTX sẽ từng bước tháo gỡ khó khăn, củng cố lại các tổ chức, các đội xe, đội tàu thuyền, vận động và bảo lãnh thành viên vay vốn đầu tư, sắm mới phương tiện, khai thác thêm nguồn hàng và nguồn khách du lịch… HTX sẽ vững vàng và phát triển ổn định. “So với các mô hình HTX khác thì mô hình HTX vận tải hiện vẫn còn có nhu cầu nên chúng tôi có thể hoạt động được. Sắp tới HTX sẽ tiếp tục đầu tư mở thêm 2 tuyến xe buýt nữa là tuyến nội thành Hội An – bãi biển Cửa Đại hoặc bến đi Cù Lao Chàm và Hội An – Mỹ Sơn. Đồng thời cũng đầu tư thêm tàu vận chuyển khách công cộng và cao tốc tuyến du lịch biển Hội An – Cù Lao Chàm. Về lâu dài, khi đường ven biển thông sẽ đầu tư mở tuyến xe buýt Hội An – Đà Nẵng và tuyến Hội An - Tam Kỳ - Núi Thành - Quảng Ngãi theo đường ven biển” - ông Thùy nói.
VĨNH LỘC