Nghĩ gì về hàng tồn kho?

NHẬT PHONG 12/10/2016 09:18

UBND tỉnh công bố chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng qua đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước, nhưng cũng cho thấy chỉ số tồn kho của ngành này lại tăng hơn 46% so với thời điểm năm trước. Lượng tồn kho nhiều nhất thuộc về sản xuất chế biến thực phẩm, khoáng phi kim loại, sản xuất ô tô các loại và sản xuất giường tủ bàn ghế.

Nhận định chung của các cơ quan quản lý thì chỉ số tồn kho tăng do một số mặt hàng có tốc độ sản xuất tăng theo đơn đặt hàng nhưng lại chưa đến thời điểm giao hàng. Hầu hết doanh nghiệp cho rằng cơ bản hàng tồn kho là một phần trong quá trình sản xuất của họ. Sự tồn kho là bình thường. Hàng tồn kho mang đậm nét ngành nghề kinh doanh nên không phải cứ mức tồn kho thấp là tốt, mức tồn kho cao là xấu. Không thể nói tổng quát chung của nền kinh tế tồn kho bao nhiêu là vừa và bao nhiêu là cao hoặc quá thấp. Các doanh nghiệp thường giữ một lượng hàng tồn kho cần thiết, đủ để đáp ứng các hoạt động thường xuyên và dự phòng cho những phát sinh bất thường. Doanh nghiệp không giữ quá nhiều hoặc quá ít hàng tồn kho.

Nếu nhiều thì chịu chi phí vốn (trả lãi vay), bảo quản, lưu kho, hao hụt, mất mát, sự lỗi thời của sản phẩm... Nếu quá ít hàng tồn kho sẽ dẫn đến những tổn thất về doanh thu, nếu không đáp ứng kịp nhu cầu thị trường. Việc kiểm soát hàng tồn kho thường được tính toán thông qua hệ số quay vòng hàng tồn và mức hàng tồn kho tối ưu. Hệ số quay vòng hàng tồn kho càng cao thì cho thấy doanh nghiệp bán hàng nhanh và hàng tồn kho không bị ứ đọng nhiều. Có nghĩa doanh nghiệp sẽ ít rủi ro hơn nếu khoản mục hàng tồn kho trong báo cáo tài chính có giảm. Hệ số quá cao cũng không tốt (quay vòng nhanh) vì như vậy có nghĩa là lượng hàng dự trữ trong kho không nhiều. Nếu nhu cầu thị trường tăng đột ngột thì rất có khả năng doanh nghiệp bị đối thủ cạnh tranh giành thị phần.

Đó là cách lý giải đơn giản về “hiện tượng tồn kho”, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nợ xấu và tồn kho chính là hai điểm nghẽn của nền kinh tế, cần được tháo gỡ. Chính quyền và cơ quan quản lý nói sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng ít thấy ai nói đến chuyện giải phóng hàng tồn kho cho doanh nghiệp. Vì thế, không ít người đã hoài nghi về lượng tồn kho trên các báo cáo đúng đến cỡ nào và cách giải quyết làm sao để gỡ rốt ráo nút thắt khó gỡ này. Ông Hồ Văn Hiền - Phó Giám đốc phụ trách Kho bạc Nhà nước Quảng Nam cho rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng để đạt kế hoạch tăng trưởng năm 2016 là giải quyết độ lưu thông hàng hóa và hàng tồn kho. Cần một bản phân tích, xử lý hàng tồn kho. Vấn đề quan trọng là tồn kho có ảnh hưởng đến nền kinh tế hay không. Thực tế nếu tăng quá nóng thì sẽ khó khăn khi không thể dự báo được chỉ số tiêu thụ của thị trường.

Hàng tồn kho có phải là nút thắt của nền kinh tế hay không cần phải có những nghiên cứu và số liệu sâu sát hơn. Có lẽ, con số này cần được phân tích với những thống kê cụ thể hơn là chỉ đề cập một cách chung chung trong các báo cáo thường kỳ của các cơ quan quản lý!

NHẬT PHONG

NHẬT PHONG