Ấn tượng thu ngân sách
Lần đầu tiên trong gần 20 năm qua, thu ngân sách Quảng Nam đã đạt đến con số 14.300 tỷ đồng chỉ trong 9 tháng. Khả năng sẽ vượt thu khá nhiều. Sẽ có một vài chỉ tiêu (môi trường, xuất khẩu) không thể đạt kế hoạch nhưng không phải là điều để lo lắng…
Tăng trưởng nhờ phát triển sản xuất, kinh doanh
Tính đến ngày 28.9, tổng thu ngân sách trên địa bàn Quảng Nam gần 14.300 tỷ đồng (tăng 44%, bằng 103% dự toán), thu nội địa gần 9.630 tỷ đồng (tăng hơn 51%, gần bằng 110% dự toán) và thu xuất nhập khẩu gần 4.400 tỷ đồng (gần bằng 97% dự toán, tăng 31%). Ông Hồ Văn Hiền - Phó Giám đốc phụ trách Kho bạc Nhà nước Quảng Nam nói đây là số liệu thực. Gần 20 năm qua, đây là lần đầu tiên chỉ 9 tháng đã đạt được con số “kỷ lục”.
Kết quả thu ngân sách quá “ấn tượng” này cho thấy năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã được cải thiện. Theo thống kê, tính đến cuối tháng 9, chỉ số công nghiệp tăng hơn 25% so với cùng kỳ, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng hơn 34%, xử lý nước thải tăng hơn 14%. Ngành chế biến, chế tạo tăng chủ yếu ở nhóm sản xuất có động cơ, tăng hơn 43%. Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng hơn 27%. Chế biến gỗ tăng 15%, sản xuất đồ uống tăng gần 25% và sản xuất sản phẩm giày da tăng gần 5%. Chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo tăng hơn 17%, cao nhất thuộc về sản xuất xe có động cơ (hơn 44%), đồ uống (gần 25%), chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ (hơn 22%). Chỉ số sử dụng lao động toàn ngành công nghiệp đã tăng gần 7%. Ngoài ra, giá trị xuất khẩu cũng đạt hơn 469 triệu USD, tăng hơn 14%, gần bằng 72% kế hoạch với hàng dệt may tăng gần 40%, gỗ tăng 11%, sản phẩm từ sắt thép hơn 13%.
Tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất và tiêu thụ ô tô.Ảnh: T.DŨNG |
Theo phân tích của ông Đinh Văn Đào - Cục trưởng Cục Thống kê, nếu xét trong tương quan so sánh thì tăng trưởng này tích cực và khả quan. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng từ 25% trở lên hiện tại chỉ có Thái Nguyên và Quảng Nam đạt được. Cơ cấu tăng trưởng được cải thiện khá nhiều. Cụ thể, ngành khí khoáng phi kim loại mấy năm liền âm hoặc tăng trưởng chậm, nay tăng đến 25%, ô tô tăng đến 44% liên tục hai năm gần đây cho thấy tăng trưởng mạnh. Ngành sản xuất đồ gỗ tăng nhờ vào các doanh nghiệp phía tây của tỉnh. Xuất khẩu có cải thiện, tăng 14% khi tốc độ tăng cả nước chỉ 6,7% là rất cao. Nông nghiệp thấp hơn nhưng vẫn cao hơn mức bình quân cả nước. Tăng trưởng kinh tế Quảng Nam có khá nhiều chỉ dấu để lạc quan.
Lượng hóa đầu tư, tăng trưởng kinh tế
Thu ngân sách nội địa đã vượt 10%. Ba tháng còn lại của năm 2016 mới xác định nguồn vượt thu, nhưng chắc chắn không nhỏ. Tuy nhiên, theo các nhà quản lý, nền kinh tế địa phương còn không ít điều dở dang, cần phải hoàn thiện. Ông Đào cho hay thực tế sản xuất công nghiệp chỉ tăng ở một số nhóm ngành chủ yếu như sản xuất ô tô, sản phẩm từ khoáng phi kim, sản xuất đồ uống. Tất cả tăng trưởng này đều nhờ phụ thuộc vào lợi thế cơ chế. Còn lại đều ít có dấu hiệu tăng trưởng. Độ bền tăng trưởng của các ngành không cao, sẽ gặp khó khăn. Dự báo cuối năm tăng trưởng sẽ chậm lại. Tỷ trọng xuất khẩu có cải thiện, tương đối đều hơn, nhưng sẽ ít khả năng đạt kế hoạch! Ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính nói vượt thu lớn, nhưng từ ô tô vẫn là chủ yếu. Không phải tất cả lĩnh vực đều tăng. Hiện vẫn còn 5 huyện có tốc độ thu ngân sách thấp.
UBND tỉnh nhận định tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 55% kế hoạch là khá thấp. Nóng nhất trong điều hành hiện tại là thiếu hụt quá lớn nguồn nhân lực và thiếu mặt bằng để triển khai các dự án đầu tư. Ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TN&MT nói kể từ ngày 30.8.2016 đến nay vùng phía đông vẫn chưa có gì mới mẻ. Chuyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân ở Tam Kỳ, Thăng Bình, Duy Xuyên vẫn chưa có tiến triển đáng kể. Tại Tam Kỳ hiện còn tồn đọng 7.000 hồ sơ. Lý do là thiếu người và thiếu cả thời gian lẫn sự “bận rộn” của quan chức cấp huyện, xã nên tiến trình cấp giấy rất trì trệ. Trước những thông tin vừa đề cập, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói không chỉ lo cho sản xuất mà cần phải lo cho nhiều dự án đắp chiếu không thể đi vào sản xuất. Hàng loạt dự án không thể giải ngân được. Tiền đầu tư của doanh nghiệp không giải ngân được còn lớn hơn nhiều so với tiền ngân sách đầu tư. Nếu doanh nghiệp không giải ngân được thì lấy gì tăng trưởng tổng vốn đầu tư xã hội. Cuộc gặp nào doanh nghiệp cũng đều nói đến chuyện thiếu hụt nhân lực. Quảng Nam không còn dồi dào nhân lực nữa. Tự mỗi ngành phải lo nhân lực cho từng ngành mình quản lý, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp đi vào sản xuất ngay năm 2017, theo đúng tinh thần “phục vụ”, “kiến tạo”.
Một trong những động thái kiên quyết là Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý… không bán hồ sơ thiết kế. Từ nay tới cuối năm chỉ lo mỗi việc giải phóng mặt bằng cho các dự án mới năm 2016,2017. Lấy tiền ra giải phóng mặt bằng. Không phê duyệt đấu thầu, xây lắp. Nếu quý I.2017 giải phóng mặt bằng hoàn tất thì đấu thầu xây lắp cũng không muộn. UBND tỉnh đã quyết định giao nhiệm vụ cho chủ đầu tư giải phóng mặt bằng cho địa phương kể từ ngày 31.10.2016. Cần tập trung nhân lực chuyên môn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vùng đông. Không thể cứ hứa hẹn miết được. Nhất định phải giải ngân hoàn tất cho các công trình, dự án, không thể để mất vốn…
TRỊNH DŨNG