Rủi ro khi mua hàng trực tuyến
Bán hàng online trở thành kênh phân phối quan trọng hiện nay, nhưng nếu không cẩn trọng khách hàng có thể mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng trong khi dịch vụ chăm sóc khách hàng như đổi, trả… rất phức tạp.
FACEBOOK Ho Lan Chi (ở Vĩnh Điện) rao bán hàng gia dụng như thố thủy tinh đựng thức ăn, vớ dành cho nam và nữ, áo đi mưa… với giá rẻ hơn các facebook khác từ 10.000 - 30.000 đồng. Khi rao bán, người bán hàng trên mạng thường chia sẻ là do bán online không chịu phí mặt bằng, không chịu thuế nên giá cả rẻ hơn. Đọc thông tin quảng cáo, chị Nguyễn Thị Bích Lan (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn, đang làm việc ở Đà Nẵng) cũng đặt mua thố thủy tinh đựng thức ăn với giá 60.000 đồng/bộ gồm 5 cái lớn nhỏ. Khi nhận hàng, chị Lan mới tá hỏa vì hàng mình mua sản xuất tại Trung Quốc. “Cũng là thiếu sót của mình, thấy rẻ nên đặt mua vì nghĩ hàng thanh lý hay bán online nên rẻ chứ quên mất câu mà nhiều người hay cảnh báo: muốn rẻ chỉ có hàng Trung Quốc” - chị Lan chia sẻ.
Chọn các cửa hàng uy tín là cách bảo vệ quyền lợi của chính người tiêu dùng. Ảnh: C.T.A |
Cũng có khách hàng cẩn thận nghi ngờ giá cả rẻ nên hỏi lý do thì được bảo là hàng xuất khẩu nhưng bị lỗi, hư phải bán tháo thu hồi vốn. Tuy nhiên sự thật hoàn toàn không phải như vậy. Trong khi đó, chị Lê Thị Thanh Thúy (đường Điện Biên Phủ, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên), chia sẻ: “Thấy hình ảnh bộ váy khá bắt mắt trên mạng với giá vừa phải nên tôi quyết định đặt hàng, chuyển khoản 500.000 đồng. Sau đó, tôi phát hiện một người bạn mua chiếc váy giống hệt nhưng chất liệu, màu sắc tốt hơn giá chỉ 200.000 đồng”. Thậm chí, nhiều địa chỉ trên mạng xã hội rao bán sản phẩm kẹp mũi silicon được quảng cáo là hàng Nhật Bản, có giá 300.000 đồng nhưng kỳ thực khi giao hàng chỉ là miếng nhựa với giá 20.000 đồng.
Đánh trúng vào tâm lý ham rẻ của nhiều người, các trang thương mại điện tử lợi dụng điều này để bán hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Ham rẻ nên thông qua trang facebook cá nhân của người bán hàng quen biết, chị Ánh Nguyệt (thôn 2, xã Tiên Lộc, huyện Tiên Phước) đặt mua một chiếc điện thoại Samsung Note với giá 4 triệu đồng, giá thấp hơn gần 40% so với giá niêm yết ở các hệ thống phân phối bán hàng. Dùng chưa đầy 2 tháng, điện thoại của chị Nguyệt đã không thể trượt, lướt vì màn hình cảm ứng gần như bị đơ hoàn toàn. Máy phải khởi động lại liên tục, loa chất lượng kém. Đem máy đi kiểm tra thì phát hiện máy là hàng nhái do Trung Quốc sản xuất và khó sửa chữa do linh kiện kém chất lượng. Nơi bán thì từ chối nhận máy, phủ nhận thông tin hàng kém chất lượng và nại lý do “lỗi của khách hàng, dùng không cẩn thận”.
“Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế tại một số hội thảo thương mại, tại Việt Nam trong vòng 5 năm tới, thị trường thương mại điện tử sẽ bùng nổ mạnh, hạ tầng cho thương mại điện tử phát triển nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ tội phạm sử dụng công nghệ tấn công. Điều này rất đáng lo ngại nếu không kiểm soát được và tiếp diễn như hiện nay” - ông Lê Cần - Phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, nói. Được biết, trong năm 2015, Cục QLTT và các chi cục QLTT Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An… phát hiện và xử lý hơn 150 trường hợp vi phạm về thương mại điện tử, bán hàng giả, hàng kém chất lượng với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng, trong đó có 4 sàn giao dịch thương mại điện tử. Tại Quảng Nam dù chưa phát hiện nhưng vẫn không loại trừ nguy cơ, bởi nếu không cẩn trọng, tỉnh táo người tiêu dùng vẫn có thể mắc bẫy các trang quảng cáo bán hàng lừa đảo.
CHIÊU THỤC ANH