Phát triển vùng sâm Ngọc Linh: Doanh nghiệp hồ hởi vào cuộc

HOÀNG LIÊN 23/09/2016 09:08

Nhiều doanh nghiệp đã thực sự vào cuộc theo chủ trương của Quảng Nam về việc phát triển vùng sâm Ngọc Linh. Đây là tín hiệu vui, mở ra bước ngoặt thật sự đối với loại cây dược liệu quý này.

Doanh nghiệp vào cuộc

Thời gian qua, Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư trồng và phát triển vùng sâm nguyên liệu trên địa bàn Nam Trà My. Điển hình, Nghị quyết 168/2015/NQ-HĐND quy định về cho thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh, trong đó ưu tiên các nhóm hộ, tổ chức kinh tế được thuê dịch vụ môi trường rừng trong vòng 25 năm, tức 3 chu kỳ trồng sâm, với mức giá thuê dịch vụ môi trường rừng là 200 nghìn đồng/ha/năm, mỗi doanh nghiệp được thuê tối đa 300ha.

Các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh đã đa dạng hơn trong thời gian gần đây. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh đã đa dạng hơn trong thời gian gần đây. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Theo ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, từ chính sách này, thời gian qua, có 30 doanh nghiệp đăng ký vào vùng sâm song chỉ 6 doanh nghiệp được tỉnh đồng ý thuê đất trồng sâm trên khoảng 100ha rừng. “Phải là doanh nghiệp trồng sâm thực sự, có khả năng đầu tư sản xuất các sản phẩm từ sâm, tuyệt đối không chấp nhận các doanh nghiệp lợi dụng chủ trương của tỉnh để giành đất, giành rừng. Doanh nghiệp cũng như các nhóm hộ cam kết giữ rừng, bảo vệ rừng để trồng sâm. Doanh nghiệp sẽ được bảo vệ vòng ngoài, chống thất thoát, mất cắp sâm như thời gian qua. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần đầu tư chế biến sản phẩm từ sâm, đa dạng sản phẩm, ví như làm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm từ sâm Ngọc Linh để tăng giá trị cho sâm, hướng tới xây dựng một tỉnh, một quốc gia có ngành công nghiệp dược phẩm từ cây sâm lớn trên thế giới” - ông Bửu khẳng định.

Công ty CP Thương mại dược sâm Ngọc Linh là doanh nghiệp đầu tiên được UBND tỉnh cấp phép cho thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm. Dự án trồng và sản xuất, chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh của đơn vị này khá dài hơi, vùng nguyên liệu trồng dự kiến lên tới 200ha, và giai đoạn 1 triển khai hơn 20ha. Theo ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT công ty, đây là sự hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước để doanh nghiệp có điều kiện mở rộng, tạo vùng nguyên liệu sản xuất ổn định, bền vững. “Nguyên liệu là bài toán nan giải hiện nay khi mỗi năm chúng tôi phải mua 200kg nguyên liệu trong dân để sản xuất cầm chừng, chưa thể mở rộng được” - ông Tuấn nói.

Mới đây, Tập đoàn TH cũng vừa có chuyến khảo sát tìm kiếm cơ hội đầu tư trồng sâm tại Nam Trà My. Từ sự vào cuộc của doanh nghiệp, có thể thấy, cơ hội lớn đã mở ra với vùng sâm. Cùng với đó, sự kiện Cục Sở hữu trí tuệ đã chính thức trao chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum là tin vui của người dân cũng như doanh nghiệp trồng, khai thác, chế biến sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Bởi chỉ dẫn địa lý là một hình thức bảo hộ thương hiệu sản phẩm trên phạm vi quốc gia lẫn quốc tế.

Từ sự vào cuộc mạnh mẽ của Nhà nước, nhà khoa học, giá trị của sâm Việt Nam được khẳng định, quyền lợi của doanh nghiệp và người trồng sâm được bảo vệ trước vấn nạn sâm giả tràn lan hiện nay. Nói như ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH&CN thì doanh nghiệp, nhóm hộ, người dân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý phải sản xuất, kinh doanh trong vùng chỉ dẫn địa lý bảo hộ, sản phẩm tạo ra phải đảm bảo chất lượng đặc thù về hình thái, chất lượng, hàm lượng saponin, việc canh tác và khai thác phải đúng quy trình… Để được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, doanh nghiệp, người dân phải là thành viên của Hiệp hội sâm Ngọc Linh, là cá nhân, tổ chức có đóng góp lớn cho việc phát triển cây sâm Ngọc Linh…

Đa dạng sản phẩm

Công ty CP Thương mại dược sâm Ngọc Linh (tiền thân là Công ty CP Dược vật tư y tế Quảng Nam) là đơn vị trải qua mấy chục năm đồng hành với cây sâm Ngọc Linh. Bên cạnh nguồn hỗ trợ của Nhà nước, công ty đã dày công đầu tư nghiên cứu, chiết xuất nhiều sản phẩm về sâm Ngọc Linh. Ví như dòng sản phẩm ngâm thuốc, ngâm mật ong, rượu sâm, trà sâm, nước uống tăng lực… Hiện, các dòng sản phẩm trên không ngừng được cải tiến về mẫu mã, chất lượng và lượng tiêu thụ dần mở rộng trên thị trường. Gần chục dòng sản phẩm từ sâm đem về doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho công ty, được tiêu thụ qua nhiều kênh, tại các showroom, nhà hàng. Công ty cũng đã chủ động đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất, thiết bị, công cụ hiện đại hơn trước, sản xuất theo công nghệ tự động, khép kín.

Theo ông Trần Anh Tuấn, doanh nghiệp đang đề xuất Bộ KH&CN hỗ trợ đơn vị thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ sản xuất, chế biến các mặt hàng từ sâm Ngọc Linh” từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Theo đó, công ty sẽ đầu tư sản xuất thực nghiệm viên sủi sâm Ngọc Linh, viên nang mềm cho người ăn kiêng, trà cốm từ cây sâm, sản xuất theo quy trình công nghệ dược phẩm. Công ty cũng hướng tới nghiên cứu sản xuất các dòng thực phẩm chức năng từ sâm cùng với các nguồn dược liệu quý của tỉnh. “Chúng tôi nghiên cứu thành công rồi. Giờ rất mong nguồn hỗ trợ để sản xuất nhân rộng và đề xuất Bộ Y tế công nhận hợp chuẩn, hợp quy. Trong 10 dòng sản phẩm (không kể sâm Tây Giang) thì chúng tôi sản xuất được 7 dòng rồi, còn 3 dòng chuẩn bị ra đời” - ông Tuấn nói.

Công ty CP Thương mại dược sâm Ngọc Linh cũng lập bộ phận nghiên cứu, chiết xuất các hoạt chất từ sâm và các loài dược liệu khác, tích cực phối hợp với các viện, trung tâm nghiên cứu để chiết xuất hoạt chất tạo sản phẩm mới. Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất bền vững, dự án trồng sâm từ việc thuê dịch vụ môi trường rừng đang được tích cực triển khai. “Năm 2016, chúng tôi chỉ có vài chục ngàn cây sâm giống các loại, nhưng chỉ một phần sâm lớn tuổi của trại dược liệu là đảm bảo điều kiện làm nguyên liệu, còn lại phải mua từ trong dân với giá đắt, mỗi ký nguyên liệu loại 1 giá có khi lên tới 60 triệu đồng, loại 2 thì rẻ hơn, tầm 40 - 45 triệu đồng, chi phí đầu vào khá lớn và bị động nếu không chủ động nguyên liệu. Ngoài Nam Trà My, chúng tôi còn trồng sâm tại Tây Giang, tính đến cuối năm 2015 trồng được 2ha, 30.000 cây giống trong tổng số 20ha vùng dự án. Cây đã ra hoa, quả, có thể phục vụ nhân giống theo truyền thống” - ông Nguyễn Đình Triệu, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại dược sâm Ngọc Linh cho biết.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN