Chọn thực phẩm sạch
Thực phẩm bẩn, thực phẩm ngậm hóa chất, thực phẩm giả được bày bán trôi nổi, tràn lan trên thị trường đang là nỗi ám ảnh, nỗi lo thường trực của người tiêu dùng. Để đảm bảo bữa ăn an toàn, các bà nội trợ dần hình thành thói quen săn tìm những thức quê, quà quê và tự trồng rau, củ quả sạch tại nhà.
Quà quê lên phố
Từ khi lập gia đình và định cư tại TP.Tam Kỳ thì chị Lê Châu (nhân viên văn phòng, quê gốc Đại Lộc) luôn giữ thói quen cuối tuần về thăm quê và mỗi khi lên lại thành phố, chị được người thân đùm túm từng trái ớt, chai dầu phụng, vài ký gạo đến dăm ba trái chanh, vài mớ rau… Đến nay, cũng đã hơn 10 năm, thói quen ấy giúp chị yên tâm về chất lượng giữa “vòng vây” thực phẩm kém an toàn. Vì có con nhỏ, chị Lê Châu càng chú trọng hơn đến vấn đề ăn uống. Tới mùa, chị mua cá cơm về tự muối lấy nước mắm; dầu mè, dầu đậu phụng chị tự mua ở quê từ bà con, người quen… Hầu hết thực phẩm và đồ dùng thiết yếu cho gia đình, chị đều lấy từ quê. Tuy không được phong phú như ở phố, cũng không bắt mắt, mướt mát như nhiều hàng rau vẫn bày bán và nhiều lúc muốn mua cũng phải dặn trước với người quen, nhưng chị luôn hài lòng, yên tâm về sự lựa chọn những món quà quê, thức quê của mình. Chị Châu chia sẻ: “Bây giờ, thông tin về thực phẩm bẩn tràn lan trên các phương tiện thông tin truyền thông. Nó trở thành nỗi ám ảnh chung cho các bà nội trợ như mình. Dần dần không dám mua đồ ăn ở chợ nữa, mà cứ chọn những món rau củ, có nguồn gốc rõ ràng ở quê nhà để dùng cho đảm bảo”.
Tận dụng những mảnh đất trống để trồng rau đang là lựa chọn của nhiều bà nội trợ. Ảnh: L.N |
Không chỉ riêng gia đình chị Lê Châu, mà càng ngày các bà nội trợ càng rỉ tai cho nhau “bí quyết” săn tìm đồ quê ngon, bổ, rẻ. Nhiều gia đình phải vất vả, khó khăn lắm mới tìm mua được, có gia đình quê gốc ở phố thì cũng gắng nhờ bạn bè đồng nghiệp liên hệ, tìm mua giúp. Chị Nguyễn Thị Long (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) tâm sự: “Là người nội trợ, lo cho sức khỏe gia đình nên khi đọc được các thông tin về thực phẩm bẩn, tôi chuyển sang chọn mua đồ ăn có nguồn gốc từ các vùng quê. Rau, quả, thịt thì nhờ người thân ở quê mua chuyển lên rồi trữ dùng dần. Riêng hải sản thì phải gửi mua ở biển ngang Tam Tiến, hoặc cảng Kỳ Hà, cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi). Mỗi thức mỗi nơi, vất vả hơn nhiều so với mua đồ sẵn có ở chợ, nhưng chắc chắn là đỡ lo hơn những loại thực phẩm bày bán tràn lan ở ngoài chợ, không rõ chất lượng, xuất xứ như hiện nay”.
Tự trồng rau sạch tại nhà
Bên cạnh việc săn tìm thức quê, nhiều gia đình tự trồng rau sạch tại nhà, vừa tiết kiệm được chi phí, vừa góp phần làm phong phú hơn cho bữa cơm “sạch” của gia đình. Với không gian chật hẹp ở phố, những khoảnh sân vườn nhỏ, hoặc bãi đất trống cạnh nhà, sân thượng… đều có thể trở thành chỗ lý tưởng để trồng vài khoảnh rau nhỏ, đủ cung cấp cho gia đình. Đó trở thành một thói quen, cũng vừa là thú vui của nhiều gia đình ở phố. Như chị Phan Thị Sách (phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ), tận dụng khu đất trống bên nhà hàng xóm để gieo trồng “vườn rau mini” với đủ các loại như bí, mướp, cà tím, chùm ngây, cải, mồng tơi… Theo chị Sách, trồng rau ít tốn kém, chỉ cần chịu khó bỏ công sức, tỉ mẩn một tí thì có thức ăn vừa ngon, vừa bổ rẻ cho gia đình. “Mùa nào tôi trồng thức ấy, không dùng chất kích thích và thuốc bảo vệ thực vật, lại có sẵn trong vườn, ăn quanh năm, làm vừa là một thú vui, vừa có nguồn thức ăn sạch đảm bảo cho gia đình” - chị Sách nói.
Ngoài các loại rau, củ, một số gia đình ở TP.Tam Kỳ vẫn giữ lại một mảnh ruộng để tự canh tác lúa, lấy gạo ăn theo mùa. Nhà ở khối phố Mỹ Thạch Đông (phường Tân Thạnh), nhưng cứ đến mùa ông Nguyễn Lạch (66 tuổi) vẫn tự trồng lúa, xay gạo để dành ăn trong gia đình từ hơn mười năm nay. “Mỗi năm 2 vụ, gạo đủ ăn quanh năm, dư ra tôi còn chia cho con cháu, gạo do mình làm không chỉ đảm bảo “sạch” mà còn rất thơm ngon” - ông Lạch nói. Vợ chồng ông còn chăm bẵm, tỉ mỉ trồng rau xanh trong vườn, tận dụng luôn phân hữu cơ từ việc nuôi heo để chăm sóc rau xanh. Theo ông Lạch, nhờ thói quen đó mà dù tuổi đã cao nhưng sức khỏe của hai ông bà vẫn rất tốt, ít bị ốm đau, bệnh tật như nhiều người cao tuổi khác trong khu phố.
Trồng rau sạch, chọn mua thực phẩm ở quê dần trở thành một trào lưu cho nhiều gia đình ở phố. Một số bà nội trợ còn chia sẻ cho đồng nghiệp, bạn bè mỗi khi có nguồn thực phẩm sạch như một cách hỗ trợ nhau có thêm lựa chọn an toàn cho sức khỏe gia đình. Đó cũng là cách để tự bảo vệ mình trước cơn lốc thực phẩm bẩn đang hiện hữu tràn lan.
LY NGUYỄN