Nan giải đầu tư cơ sở hạ tầng

TRỊNH DŨNG 21/09/2016 08:57

Nguồn lực đầu tư ngày càng khó khăn, hạn hẹp khiến việc đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối liên vùng thông suốt… vẫn là chuyện thực sự nan giải trong hiện tại.

Lúng túng kế hoạch đầu tư

Sau sự kiện thông tuyến cầu Cửa Đại bắc ngang sông Thu Bồn theo đường 129 kết nối hai đầu nam – bắc, hứa hẹn biến vùng đất miệt đông Quảng Nam nghèo khó lâu đời trở thành khu vực kinh tế năng động bậc nhất tương lai, thì chuyển động đầu tư hạ tầng Quảng Nam không có gì đáng kể. Chính quyền cho hay Quảng Nam phải cần đến 130.000 tỷ đồng – 135.000 để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 90% cơ cấu kinh tế và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 10 – 10,5%/năm cho đến năm 2020. Kế hoạch hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng đồng độ, kết nối giao thông liên vùng Đông – Tây, giữa đô thị - nông thôn, đường ven biển, nạo vét cảng Kỳ Hà cho tàu 30.000 tấn hoạt động, nạo vét sông Cổ Cò, Trường Giang, hoàn thành đường Đông Trường Sơn, phát triển cảng hàng không Chu Lai… sẽ được ưu tiên đầu tư. Không chỉ vậy, hạ tầng đô thị, nông nghiệp (âu thuyền, đê biển, kè sông, biển…), giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới…cũng sẽ không nằm ngoài các lĩnh vực ưu tiên. Tất cả dự án đầu tư này đều cấp thiết, có khả năng tạo dựng nền tảng tăng trưởng kinh tế dài hạn hay phúc lợi xã hội, nhưng “tham vọng” đầu tư vẫn đang “giẫm chân tại chỗ”.

Theo UBND tỉnh, tính đến cuối tháng 8.2016, đã có hơn 2.200 tỷ đồng vốn ngân sách đổ vào đầu tư, tăng hơn 8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên chính là khối lượng xây dựng cơ bản chỉ tập trung chủ yếu ở các dự án như cầu Giao Thủy và đường dẫn, tuyến đường ven biển, dự án đường nối khu dân cư Duy Hải đến cầu Trường Giang, tuyến kè bảo vệ phố cổ Hội An đi qua phường Minh An (Hội An), tuyến ĐT 609 (km8 – km13), dự án trồng và phục hồi rừng dừa nước Cẩm Thanh... Còn tất cả dự án khởi công mới năm 2016, từ các công trình trọng điểm đến các công trình thiết yếu hay dân sinh chỉ mới hoàn chỉnh thủ tục đầu tư, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và một số ít vừa mới được khởi công... Ông Lê Phước Hoài Bảo – Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay tốc độ đầu tư hạ tầng hiện tại vẫn không mạnh vì thiếu nguồn lực đầu tư. Công trình thiếu vốn, điều chỉnh quy mô dự án ngày càng có xu hướng gia tăng và tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng, tạm ứng xây dựng cơ bản ngày càng khó kiểm soát. Thiếu hướng dẫn phân bổ vốn, chính sách thay đổi hay việc phân bổ vốn đầu tư quá chậm hoặc sự chậm trễ hồ sơ, thủ tục của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án… đã làm chậm tiến độ thi công xây dựng công trình, dự án.

Cầu Cửa Đại và tuyến đường 129 là chỉ dấu sinh động nhất trong bức tranh đầu tư chưa tiến triển nhiều của năm 2016. Ảnh: P.THẢO - T.DŨNG
Cầu Cửa Đại và tuyến đường 129 là chỉ dấu sinh động nhất trong bức tranh đầu tư chưa tiến triển nhiều của năm 2016. Ảnh: P.THẢO - T.DŨNG

Không thể trì hoãn

Chính quyền Quảng Nam khẳng định phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ sẽ được ưu tiên phân bổ nguồn lực đầu tư 2016 – 2020, nhưng hiện vẫn phải loay hoay, lúng túng với kế hoạch đầu tư khi chưa thể xác định danh mục dự án và nguồn vốn công trình. Tỉnh đã phân bổ hơn 99% kế hoạch vốn của hơn 5.260 tỷ đồng tổng nguồn ngân sách xây dựng cơ bản địa phương quản lý, nhưng hiện tại chỉ giải ngân khoảng 43,3% kế hoạch, thấp hơn 17% so với cùng kỳ, thậm chí có đến 40/75 dự án khởi công mới chưa giải ngân được đồng vốn nào. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công và sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình, nhưng tiến độ giải ngân quá thấp như vậy thì chưa tạo ra chuyển biến gì. Điều này đồng nghĩa với dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Quảng Nam năm 2016 sẽ không tiến triển đúng như mong muốn.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, con số 20 dự án đầu tư nội địa với tổng vốn đăng ký hơn 2.795 tỷ đồng và 7 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 100 triệu USD được cấp phép trong gần 9 tháng qua không phải khá nhiều. Hồi tháng 6.2016, tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào Quảng Nam, Tổng hiệp hội thương mại Đài Loan và 150 nhà đầu tư, quản lý đã liên tục đặt câu hỏi vì sao vùng Quảng Nam hấp dẫn vẫn chưa thể thu hút được vốn đầu tư như các tỉnh, thành khác ở hai đầu đất nước. Ông Tạ Minh Huy – Tổng hội trưởng Tổng hội thương mại Đài Loan cho rằng cải thiện môi trường đầu tư, hạ tầng, chính sách không phải là phép cộng đơn giản.

Sự hấp dẫn của đầu tư Quảng Nam thể hiện từ việc nhà đầu tư được quyền lựa chọn và quyết định thực hiện dự án theo hình thức đầu tư phù hợp, đơn giá thuê đất có kết cấu hạ tầng trong các khu công nghiệp bằng 1/3 so với các khu vực khác. Hay thủ tục đầu tư được giải quyết theo cơ chế “một cửa liên thông” tại cơ quan đầu mối duy nhất. Thời gian rút ngắn tối đa so với quy định chung. Nhà đầu tư không phải nộp bất kỳ chi phí dịch vụ nào trừ những khoản lệ phí theo quy định của Chính phủ… vẫn chưa đủ. Mối quan tâm của các nhà đầu tư chính là quy hoạch đường cao tốc, hệ thống giao thông đã có những dự án mới nào chưa? Liệu có được mở rộng hay việc cung ứng điện, nước sạch có đủ cho các nhà đầu tư? Đặc biệt, vận tải đường biển từ các cảng Quảng Nam có đủ đáp ứng cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa sang các  nước Âu Mỹ…

Mối quan tâm của các nhà đầu tư Đài Loan cũng chính là yêu cầu của các nhà đầu tư FDI khác. Với các nhà đầu tư này vấn đề được quan tâm số một chính là sự cải thiện cơ sở hạ tầng. Đó chính là lý do và đồng thời là sức ép lớn nhất của khối này khi thương thảo với chính quyền trước khi quyết định có mở rộng đầu tư hay không. Như vậy, chỉ cần giải quyết bài toán hạ tầng, Quảng Nam chắc sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn nữa. Kế hoạch này không thể trì hoãn dù ngân sách luôn nằm trong trạng thái thiếu hụt là điều cần phải được đặt lên hàng đầu!

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG