Lợi thế vùng ven đô

CHIÊU THỤC ANH 20/09/2016 08:59

Đề án phát triển thương mại - dịch vụ (TMDV) của huyện Phú Ninh từ nay đến năm 2025 với 5 vùng trọng điểm trên địa bàn là tiền đề để địa phương thay đổi tỷ trọng TMDV trong nền kinh tế.

Quy hoạch các vùng trọng điểm

Những năm qua, Phú Ninh được cấp trên quan tâm đầu tư nguồn lực nên tốc độ tăng trưởng kinh tế khá. Cơ cấu kinh tế có chuyển dịch theo hướng tích cực, đến cuối năm 2015, ngành TMDV đạt 33,5%. Tuy nhiên, hoạt động TMDV của huyện chỉ tập trung ở các khu trung tâm xã Tam Dân, Tam Phước, Tam Đàn, Tam An. Đây là những xã được đầu tư xây dựng chợ nông thôn mới, nhờ thế phần nào đó đã đẩy mạnh giao thương hàng hóa, những mặt hàng thiết yếu luôn được tăng cường, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kích cầu. Các xã còn lại, tuy có phát triển, diện mạo TMDV có thay đổi nhưng không đáng kể. “Nhìn chung, thị trường nông thôn bước đầu phát triển, cơ sở hạ tầng có cải thiện nhưng so với yêu cầu phát triển còn chậm, dịch vụ nông nghiệp còn nhỏ lẻ, hạn chế, thiếu tính kết nối. Ngành nghề phát triển chưa đa dạng, chưa tạo được nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, huyện đã ra nghị quyết về phát triển TMDV các vùng trọng điểm đến năm 2025 và định hướng những năm tiếp theo”, ông Nguyễn Cảnh - Bí thư Huyện ủy Phú Ninh, cho biết.

Bên cạnh phát triển TM-DV, huyện Phú Ninh cũng chú trọng phát triển các cụm công nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.  Ảnh: C.T.A
Bên cạnh phát triển TM-DV, huyện Phú Ninh cũng chú trọng phát triển các cụm công nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Ảnh: C.T.A

Dựa trên tình hình thực tế, huyện Phú Ninh xác định TMDV là yếu tố quyết định, khâu đột phá thúc đẩy phát triển KT-XH, là yếu tố quyết định chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ các vùng TMDV trọng điểm sẽ tạo sự lan tỏa ra các địa phương khác trong huyện. “Phú Ninh phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng ngành dịch vụ sẽ chiếm 40,6% trong cơ cấu kinh tế, trong đó giá trị TMDV các vùng trọng điểm chiếm hơn 80% giá trị toàn ngành và đến năm 2025 chiếm trên 90%”, ông Trịnh Ngọc An - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện, nói. Theo đề án phát triển TMDV, huyện Phú Ninh sẽ có 5 khu vực TMDV trọng điểm. Đó là khu vực dọc QL1 từ Kỳ Lý đến An Thiện và khu vực chung quanh chợ Chiên Đàn, tổng doanh thu thương mại và dịch vụ năm 2015 đạt 267 tỷ đồng. Khu vực TMDV Cây Sanh và trung tâm xã Tam Dân có 130 cơ sở hoạt động và đạt 210 tỷ đồng năm 2015. Khu vực thị trấn Phú Thịnh và dọc hai bên đường Tam Kỳ - Tam Vinh cũng là trung tâm huyện nhưng do dân cư ít, sức mua thấp nên kinh doanh còn tự phát, nhỏ lẻ chỉ đạt gần 77 tỷ đồng năm 2015. Khu vực du lịch hồ Phú Ninh và vùng phụ cận năm qua cũng đã thu hút 20.000 lượt khách nhưng sản phẩm và chất lượng du lịch chưa cao nên chưa đem lại hiệu quả cao. Khu vực cuối cùng dọc ĐT615 nối từ xã Tam An đến Tam Phước hiện có 115 cơ sở hoạt động kinh doanh, đạt 147 tỷ đồng năm 2015.

Nguồn lực và giải pháp phát triển

Hội nghị Huyện ủy Phú Ninh lần thứ 12 vừa qua đã phân tích những điểm mạnh, điểm yếu cũng như cơ hội, thách thức cần tập trung phát triển các vùng trọng điểm TMDV. Theo đó, các ý kiến đều nhìn nhận rằng, Phú Ninh có vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển TMDV, là nhân tố quan trọng cho kế hoạch phát triển du lịch phía nam của tỉnh với nhiều cảnh quan thiên nhiên và văn hóa nổi tiếng, lại có ưu thế là gần sát TP.Tam Kỳ vốn là trung tâm du lịch, TMDV của tỉnh. “Tuy nhiên, sự thiếu gắn kết giữa các ngành TMDV, mối liên hệ lỏng lẻo giữa các chuỗi giá trị kinh tế địa phương là những yếu tố gây trở ngại cho các hoạt động cải thiện đời sống cũng như triển vọng phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong huyện” - ông Trịnh Ngọc An cho hay. Ngoài ra, Phú Ninh cũng sẽ gặp khó khi huy động nguồn lực vào TMDV, do lâu nay vẫn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, sự liên kết giữa khu vực kinh tế công và tư còn rất hạn chế. Không những thế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong huyện chiếm số lượng lớn, kéo theo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng có nhiều hạn chế khi bước vào cuộc đua của chính mình.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá và dự báo tình hình, Huyện ủy Phú Ninh đã có nghị quyết chuyên đề về phát triển TMDV và được UBND huyện cụ thể hóa bằng đề án phát triển TMDV trên địa bàn. Triển khai thực hiện một cách đồng bộ như mục tiêu đề ra, sau 5 năm nữa, tức là đến năm 2020 tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 40,6% trong cơ cấu kinh tế. Trong đó giá trị TMDV các cùng trọng điểm chiếm trên 80% giá trị TMDV toàn ngành và đạt hơn 4.000 tỷ đồng (chiếm 90%) vào năm 2025. “Để đảm bảo thực hiện đạt mục tiêu phát triển các vùng trọng điểm TMDV, huyện sẽ tập trung thực hiện các giải pháp về quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng, giải tỏa quy hoạch đất đai, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về TMDV và cuối cùng là phát triển nguồn nhân lực chất lượng dựa trên việc khảo sát lực lượng lao động địa phương” - ông Nguyễn Phi Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho hay.

CHIÊU THỤC ANH

CHIÊU THỤC ANH