Vay tiền công ty tài chính, có nên không?
Nhu cầu mua sắm luôn tăng cao, nhưng vì không tiếp cận được với các gói vay ngân hàng nên nhiều người đã chọn các chương trình kích cầu tiêu dùng, do doanh nghiệp hợp tác với các công ty tài chính thông qua phương thức bán hàng trả góp. Khá nhiều khách hàng đã chọn kênh này để sở hữu những vật dụng tại các cửa hàng điện máy, siêu thị… Kênh bán lẻ thông qua hình thức này đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho doanh nghiệp và công ty tài chính rộng đường phát triển.
Những người tiêu dùng cần gấp những khoản vay để mua hàng đều có thể nằm trong “tầm ngắm” của chương trình vay kích cầu tiêu dùng. Việc xét duyệt các khoản vay theo chương trình này không quá phức tạp như các ngân hàng, chỉ cần chứng minh nhân dân, bằng lái xe thì chỉ trong 10 phút đã có thể nhận được khoản vay nhỏ. Hay chỉ cần xác định người vay có đi làm, ở đúng địa chỉ công bố thì tổng thời gian tư vấn, thẩm định, ký hợp đồng chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Có thể thấy sự xuất hiện của các công ty tài chính này đã “cứu một bàn thua trông thấy” cho những người có nhu cầu, cần tiền xử lý gấp những công việc cần thiết.
Tuy nhiên, không có cái gì quá dễ, quá nhanh lại không mang thêm nhiều hệ lụy kèm theo sau đó. Mức lãi suất này cũng đã ngang mức lãi suất tín dụng đen. Các công ty này đã vận dụng nhiều chiêu thức kỹ thuật tính toán, đẩy lãi suất cho vay lên đến 70 - 90%/năm, gấp nhiều lần so với lãi suất của ngân hàng thương mại. Có thể coi như một dạng “cho vay nặng lãi”. Biện minh cho lãi suất quá cao, các công ty này nói họ khác với tín dụng đen vì hoạt động theo luật pháp và phương thức thu nợ cũng khác với những người cung cấp tín dụng đen. Hoạt động của các công ty tài chính này được điều chỉnh bởi luật các tổ chức tín dụng và cũng như ngân hàng, lãi suất mà các công ty này được cho phép vay dựa trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng. Mức lãi suất sẽ phụ thuộc vào mức độ rủi ro của khách hàng.
Không ít nhà kinh tế cho rằng đây là hiện tượng bất thường, nhưng không được nhìn nhận, xử lý, hướng luật hóa để bảo vệ chính đáng quyền lợi của người dân. Thực tế, lãi suất cho vay phổ biến của ngân hàng thương mại chiếm tỷ trọng nhiều nhất trong tổng dư nợ nền kinh tế, kể cả vay tiêu dùng tín chấp cũng chưa có hiện tượng vượt rào (không vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay), nhưng lãi suất ấn định phù hợp cho các công ty tài chính hoạt động hợp pháp trên thị trường gần như để mặc cho thị trường tự do quyết định. Đây là điều khó hiểu. Vì vậy, cần có hướng xử lý, ban hành mức lãi suất, ổn định thị trường cho vay “khác biệt” này. Về phía người tiêu dùng, phải tự bảo vệ mình trước sức hấp dẫn của nhu cầu chi tiêu, mua sắm. Nếu một khi không có nhu cầu sử dụng chi tiêu quá bức thiết thì không nên vay. Còn quá bức thiết thì cần khảo sát, tính toán phương thức, kỳ hạn vay hợp lý… trước khi đặt bút ký vay tiền để khỏi lâm vào tình trạng gánh lãi cao ngất ngưởng!
NHẬT PHONG