Chặng nước rút khó khăn

TÙY PHONG 05/09/2016 09:46

Thu ngân sách gần chạm đích kế hoạch, thừa khả năng vượt thu. Mục tiêu tăng trưởng 11,5% năm 2016 sẽ đạt được, nhưng kinh tế Quảng Nam vẫn đang đứng trước áp lực trong việc tìm kế sách để làm động lực phát triển, khởi đầu từ năm đầu tiên của một nhiệm kỳ 5 năm tới.

Gia tăng ngân sách của Quảng Nam vẫn phụ thuộc vào công nghiệp ô tô.Ảnh: T.D
Gia tăng ngân sách của Quảng Nam vẫn phụ thuộc vào công nghiệp ô tô.Ảnh: T.D

Nhiều chỉ tiêu tăng trưởng

Sở KH&ĐT thông báo, mọi thống kê đều cho thấy triển vọng khá lạc quan của diễn trình kinh tế Quảng Nam trong vòng 8 tháng qua. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 26,6%. Chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo gia tăng hơn 12%. Cao nhất là sản xuất xe có động cơ tăng trên 44%, sản xuất đồ uống tăng gần 30%, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 27%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng gần 12% và doanh thu khách sạn, nhà hàng tiếp tục tăng 11%... Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đến đầu tháng 8 tăng gần 36%  so với thời điểm năm trước. Theo Sở KH&ĐT, đây là con số khá cao, nhưng không đáng lo ngại vì một số mặt hàng có tốc độ sản xuất tăng đột biến theo đơn đặt hàng nhưng chưa đến thời điểm giao hàng hoặc hàng hóa còn ở dạng bán thành phẩm và chuẩn bị cho những đơn hàng sắp được ký kết như sản phẩm điện tử, máy vi tính, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Ngay cả khi lúa vụ hè thu giảm gần 1.350ha (tổng diện tích 43.610ha) vẫn dự báo khu vực này sẽ không có nhiều biến động khi cây màu đủ sức thay thế diện tích lúa thiếu hiệu quả và nước tưới cung cấp đủ cho tất cả diện tích đất canh tác.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng nếu không quyết liệt đầu tư xây dựng cơ bản thì sẽ khó đạt kế hoạch khi thời hạn cuối cùng chỉ còn 4 tháng. Doanh nghiệp lớn chỉ mới đang xúc tiến đầu tư, chưa thấy kết quả gì và nhiều doanh nghiệp chưa thể mở rộng hay gia tăng nội lực đầu tư. Tiến độ giải ngân 43,3% là con số quá thấp. Nguy cơ mất vốn, nếu điều này xảy ra, khả năng kế hoạch đầu tư sẽ bị phá sản. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu rà soát các chương trình, kế hoạch cụ thể từng đề án, chiến lược, định kỳ phải báo cáo kết quả cụ thể, kể cả việc rà soát cải thiện môi trường đầu tư. Hiện thực hóa, không để các nghị quyết, chương trình, kế hoạch chỉ hiệu lực trên giấy.

Một thống kê khác thể hiện xuất khẩu đã bước sang trang, vượt qua nỗi ám ảnh “tăng trưởng âm” từ nhiều tháng qua khi tăng hơn 10%, từ hàng dệt may, sản phẩm gỗ, giày các loại. Nhập khẩu tăng cao trở lại. Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng đây là tín hiệu tốt cho sản xuất công nghiệp vài tháng tới khi hầu hết doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu cho việc gia tăng sản xuất, hoàn tất các hợp đồng hay cung cấp đơn hàng cho vài tháng tới... Giới ngân hàng cho hay vốn đã đổ vào nền kinh tế ngày càng nhiều hơn cho các lĩnh vực ưu tiên. Tăng trưởng tín dụng hiện đã đạt 17% với 39.617 tỷ đồng và lãi suất không còn là rào cản ngặt nghèo làm khó doanh nghiệp. Không chỉ gia tăng các dự án đầu tư (20 dự án nội địa và 7 dự án FDI), số lượng doanh nghiệp thành lập mới 711 (tăng 57 doanh nghiệp) trong khi doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh chỉ 144 doanh nghiệp và 53 doanh nghiệp giải thể cho thấy sức hút gia nhập thị trường của doanh nghiệp vẫn còn dư địa khá lớn. Những thống kê trên cho thấy kinh tế Quảng Nam đã phần nào về đích. Các chỉ tiêu kế hoạch đều đủ khả năng để trở thành hiện thực, trừ chỉ tiêu tăng xuất khẩu 15% và tất cả các khu công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải chưa thể hoàn thành ngay trong năm nay. Ấn tượng nhất là số thu ngân sách đã hơn 12.458 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước, bằng 90% dự toán năm. Riêng số thu nội địa đến 8.356 tỷ đồng, tăng hơn 47% cùng kỳ năm trước, bằng 95% dự toán năm.

Chạy nước rút

Thu ngân sách nội địa đã đạt đến 95%. Chỉ còn 5% nữa cho 4 tháng cuối cùng của năm 2016, chắc chắn dễ dàng thực hiện và khả năng vượt thu nằm trong tầm tay của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, tăng trưởng này cũng chủ yếu phụ thuộc vào ô tô thì thành quả cũng vẫn quá mong manh. Thống kê dễ thấy nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng hơn 36% nhưng chỉ chủ yếu ở nhóm sản xuất có động cơ (tăng hơn 45%), sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng gần 30%, chế biến gỗ tăng gần 15%, đồ uống tăng hơn 26%, sản phẩm giày da tăng gần 8%. Còn lại các ngành sản xuất khác đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Giảm mạnh nhất ở nhóm giường tủ, bàn ghế (giảm 34%), sản xuất, chế biến thực phẩm tiếp tục giảm (27%), sản xuất trang phục, chíp điện tử giảm gần 12%. Ngoài ra, chỉ số tiêu thụ các ngành sản xuất chế biến thực phẩm (giảm hơn 28%), sản xuất trang phục (giảm 12%), sản xuất giày da (giảm trên 65%), sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (giảm 18%). Làm sao để đẩy mạnh sức tiêu thụ các mặt hàng này vẫn là câu hỏi đang để ngỏ? Giới doanh nghiệp cho hay không còn cách nào là phải chờ vào lực đẩy của thị trường.

Khu vực đầu tư xây dựng cơ bản cũng không khá hơn. Mặc dù đã phân bổ 99% kế hoạch vốn với tổng nguồn ngân sách xây dựng cơ bản địa phương quản lý hơn 5.260 tỷ đồng, nhưng giải ngân trong vòng 8 tháng qua chỉ đạt 43,3% kế hoạch, thấp hơn 17% so với cùng kỳ, dù có rất nhiều công văn, chỉ thị yêu cầu gia tăng tỷ lệ giải ngân đã được ban hành. Khối lượng xây dựng cơ bản tập trung chủ yếu ở các dự án: cầu Giao Thủy và đường dẫn, tuyến đường ven biển, đường nối khu dân cư Duy Hải đến cầu Trường Giang, tuyến kè bảo vệ phố cổ Hội An. Còn các dự án khởi công mới 2016 hiện mới chỉ hoàn chỉnh thủ tục đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc tổ chức khởi công. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho hay những tồn tại, vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm (đường cao tốc, đường Trường Sơn Đông, đường Điện Biên Phủ - Tam Kỳ, các dự án du lịch ven biển Điện Bàn – Hội An) đã được tập trung giải quyết dứt điểm. UBND tỉnh sẽ làm việc với Tổng Công ty đường cao tốc Việt Nam và các địa phương để rà soát, kiểm tra lại toàn bộ cống chui, cầu dân sinh, đường thoát lũ, mái ta luy đông, tây… Nếu bất hợp lý sẽ điều chỉnh thiết kế, quy hoạch, đảo đảm yêu cầu đi lại, sinh hoạt của dân chúng. Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã giải phóng mặt bằng gần 98% (hiện còn 73 hộ chưa bàn giao mặt bằng, tập trung ở 2 huyện Phú Ninh và Núi Thành). Chính quyền sẽ kiên quyết cưỡng chế với những cá nhân chây ì. Hy vọng đến ngày 30.9.2016 sẽ bàn giao mặt bằng cho Tổng Công ty đường cao tốc Việt Nam thi công hoàn tất công trình.

TÙY PHONG

TÙY PHONG