Phát triển công nghiệp vùng đông: Tạo mặt bằng sạch, lựa chọn nhà đầu tư

TRẦN HỮU 03/09/2016 10:43

Rất nhiều nhà đầu tư chiến lược đến vùng ven biển của tỉnh “chọn mặt gửi vàng” đã tạo ra làn sóng đầu tư mới. Trong bối cảnh đó, chính quyền lẫn chủ đầu tư tập trung lo dọn sạch mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút những dự án chất lượng...

Biết từ chối đúng lúc

Từ một “sa mạc” khó nghèo bủa vây, Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) bây giờ nổi lên như một vùng đất phát triển năng động bởi sự có mặt của khu công nghiệp (KCN). Tốc độ đầu tư xây dựng, đưa lao động vào nhà máy làm việc của các doanh nghiệp FDI vào đây thuộc loại nhanh nhất tỉnh. Chỉ sau một năm đưa vào khai thác, KCN Tam Thăng đã lấp đầy khoảng 70% diện tích. Đây là con số mơ ước ở các KCN trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhà đầu tư FDI cân nhắc địa điểm đầu tư. Vậy sức hấp dẫn của KCN Tam Thăng nằm ở đâu? Theo Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (đơn vị quản lý KCN Tam Thăng) thì có 3 điểm lợi thế chính. Một là KCN này bàn giao nhanh mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Thứ hai, giá cho thuê đất rẻ hơn chỗ khác với 15USD/m2/50 năm, trong khi đó các KCN khác 29 - 30USD/m2/50 năm. Ba là, đầu tư vào KCN Tam Thăng, doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo, với thuế suất 10% trong 15 năm đầu; trong khi đó các khu khác mức miễn, giảm dưới 5 năm, thuế suất trên 20%.

Tạo mặt bằng sạch, giải quyết dứt điểm mặt bằng rồi mới thu hút đầu tư là sự lựa chọn sáng suốt cho vùng đông nam của tỉnh.Ảnh: TRẦN HỮU
Tạo mặt bằng sạch, giải quyết dứt điểm mặt bằng rồi mới thu hút đầu tư là sự lựa chọn sáng suốt cho vùng đông nam của tỉnh.Ảnh: TRẦN HỮU

Ông Nguyễn Văn Chúng - Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Ban Quản lý KCN Tam Thăng khẳng định, đơn vị chưa dám nhận lời một số doanh nghiệp FDI vì muốn thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình. Một khi mặt bằng chưa đảm bảo thì ít nhiều ảnh hưởng đến tiến độ, hoạt động kinh doanh, sản xuất của nhà đầu tư. Tắc trách hiện nay ở chỗ, tại KCN này còn 20ha có mật độ dân cư sinh sống dày đặc nên chậm giải phóng mặt bằng. “Nếu nhận lời nhà đầu tư mà mình chưa chắc chắn thời hạn bàn giao mặt bằng sạch, như thế là mất uy tín. Vừa rồi có một tập đoàn lớn của Nhật Bản đi cùng nhiều doanh nghiệp ngành dệt may và phụ trợ đến tìm kiếm cơ hội đầu tư nhưng chúng tôi buộc phải hẹn họ hợp tác làm ăn vào thời điểm thích hợp hơn” - ông Chúng nói.

Hiện, Ban Quản lý KCN Tam Thăng đang khảo sát mở rộng diện tích 250ha, mời gọi doanh nghiệp vào liên kết đầu tư theo hình thức xã hội hóa.  Doanh nghiệp khi tham gia sẽ được phép thu hút đầu tư.  Theo đó, Ban Quản lý KCN Tam Thăng sẽ ký hợp đồng thuê đất với nhà đầu tư hạ tầng, đổi lại nhà đầu tư hạ tầng hưởng phần lợi nhuận của mình. Doanh nghiệp tìm kiếm thị trường đầu tư để đón đầu TPP. Ông Chúng thông tin, quyết định cho chính sách thu hút đầu tư thành công tại các KCN Tam Thăng là ngay từ đầu có nhà đầu tư chiến lược từ  Tập đoàn Panko của Hàn Quốc. Chủ trương mở rộng mặt bằng để thu hút lĩnh vực công nghiệp sạch, công nghệ cao, sử dụng ít lao động nhằm tăng chuỗi giá trị sản xuất.

Tiếp tục tạo mặt bằng sạch

Hàng loạt dự án chiến lược có khả năng tạo đột phá cho vùng đông thời gian qua như dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An; Tập đoàn Panko đầu tư vào KCN Tam Thăng; liên doanh Công ty CP Ô tô Trường Hải với các tập đoàn  Mazda (Nhật Bản), Hyundai (Hàn Quốc). Tập đoàn Peugeot (Pháp) đang triển khai đầu tư dự án sản xuất ô tô và công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô tại KCN cơ khí đa dụng và hỗ trợ sản xuất ô tô Tam Hiệp. Tập đoàn ExxonMobil (Mỹ) liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã quyết định chọn địa điểm đầu tư dự án nhà máy xử lý khí và nhà máy điện khí tại KCN khí - điện ở xã Tam Quang, Núi Thành. Công ty Đại Dương Xanh đang nghiên cứu triển khai khu cảng cá kết hợp dịch vụ hậu cần nghề cá tại xã Tam Quang... Tuy nhiên, với nhiều dự án triển khai trong cùng một thời điểm cũng đặt ra cho vùng đông nam nhiều thách thức trong giải phóng mặt bằng, quản lý hiện trạng.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Việt Cường, chỉ có con đường phát triển du lịch, công nghiệp mới làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo vùng đông. Cho nên để kêu gọi và giữ chân nhà đầu tư chiến lược, các địa phương phải quản lý được hiện trạng, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ ngay các vướng mắc về tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Đến nay, một số dự án có tiềm lực tài chính tốt nhưng vẫn án binh bất động do doanh nghiệp chưa thể đàm phán được với người dân về giá cả bồi thường. Tại một số vị trí ven biển thuộc xã Bình Dương, Bình Minh (Thăng Bình), người dân “hô” giá bồi thường đất lên đến 4 triệu đồng/m2. Ông Hồng Quốc Cường - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình xác nhận, một số dự án vùng đông “đứng bánh” do người dân đẩy giá đất cao gấp nhiều lần so với thị trường. Tình trạng chuyển nhượng đất cho các đối tượng ngoài địa phương thông qua hình thức công chứng tư vượt tầm kiểm soát của địa phương. “Chính quyền kiến nghị ngành chức năng đôn đốc các đơn vị thi công tăng cường thêm lực lượng để xác định ranh giới, mốc giới thửa đất ngoài thực địa, đo đạc đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” - ông Cường đề xuất.

Ông Lê Phước Hoài Bảo, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cho rằng, giải phóng mặt bằng là một trong những yếu tố then chốt quyết định đầu tư hiện nay. Cho nên, sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh cương quyết cắt, hoặc điều chỉnh vốn sang địa bàn khác nếu địa phương không hoàn thành nhiệm vụ giải phóng mặt bằng.  “Nói gì thì nói, chính quyền sở tại phải quản lý được hiện trạng và thực hiện đúng quy hoạch. Giải phóng mặt bằng là trách nhiệm của Nhà nước” - ông Bảo khẳng định. Còn ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai cho biết, chính vì không bàn giao mặt bằng đúng hạn cho nhà đầu tư nên bất đắc dĩ phải điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thực tế thời gian qua Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đã đưa ra ngoài ranh giới một số xã thuộc huyện Núi Thành không còn phù hợp với lộ trình đầu tư phát triển, ngược lại mở rộng thêm diện tích một số xã thuộc huyện Thăng Bình.  

Nhiều giải pháp trước mắt lẫn lâu dài để tăng thêm lực hút cho “đất lành” vùng đông, trong đó nhiệm vụ tạo mặt bằng sạch luôn được ưu tiên hàng đầu. Tại nhiều cuộc họp với các địa phương vùng đông để giải quyết vướng mắc về đất đai gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu luôn đưa ra “tối hậu thư” về chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai các xã vùng đông nam thuộc các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Quế Sơn và TP.Tam Kỳ trong năm 2016.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU