Vì thương hiệu sản phẩm bản địa
Đông Giang vừa phê duyệt đề án Hỗ trợ xây dựng và đăng ký thương hiệu sản phẩm cho một số đơn vị, nhằm mục tiêu góp sức đưa đặc sản quê hương thâm nhập thị trường bên ngoài.
“Cần phải có động thái để đồng hành với cơ sở sản xuất kinh doanh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn” từng là trăn trở của Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Đông Giang - ông Nguyễn Tấn Tuân. ông Tuân cho rằng, có như vậy chính quyền mới động viên, khuyến khích các chủ cơ sở sản xuất tâm huyết với sản phẩm mình làm ra, nhất là nguyên liệu có xuất xứ ở địa phương. Và sau một thời gian tham mưu, đề án Hỗ trợ xây dựng và đăng ký thương hiệu sản phẩm cho các cơ sở sản xuất kinh doanh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã được Chủ tịch UBND huyện Đông Giang phê duyệt. Kinh phí sẽ sử dụng bằng nguồn sự nghiệp kinh tế khuyến công năm 2016, vốn ngân sách huyện và đơn vị thụ hưởng tham gia.
Khách hàng tìm mua sản phẩm rượu tại cơ sở Hoàng Oanh. Ảnh: C.TÚ |
Ba cơ sở được hỗ trợ lần này, gồm có Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Ma Cooih, thuộc xã Ma Cooih (nổi tiếng với sản phẩm ớt a riêu); Tổ hợp tác chè dây Ra Zéh, ở xã Tư; Cơ sở sản xuất rượu Hoàng Oanh, đóng tại thị trấn P’rao. Đây là cơ sở đã và đang nỗ lực khai thác, chế biến đặc sản của quê hương Đông Giang thành sản phẩm đặc trưng và bán ra thị trường ngoài huyện. “Chúng tôi hỗ trợ thiết kế nhãn hiệu, lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu sở hữu tập thể chè dây Ra Zéh cho Tổ hợp tác chè dây Ra Zéh. Huyện hướng tới xây dựng được các phương tiện, điều kiện quảng bá, khai thác, vận hành nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu độc quyền. Ngoài ra, định hướng phải xây dựng cho được hệ thống quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu độc quyền nhằm nâng cao giá trị, danh tiếng cho sản phẩm đặc trưng của địa phương. Riêng đối với Cơ sở sản xuất rượu Hoàng Oanh, chúng tôi sẽ hỗ trợ 50% kinh phí cải tiến mẫu mã, bao bì rượu ka kun, rượu sâm K7, rượu sâm ba kích” - ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết.
Trong số 3 đơn vị được hỗ trợ, Cơ sở sản xuất rượu Hoàng Oanh (trụ sở tại thôn Ba, thị trấn P’rao) là đơn vị duy nhất thuộc sở hữu cá nhân. Hoàng Oanh sẽ được hỗ trợ 10,2 triệu đồng cho khâu thiết kế và in bao bì sản phẩm. Dù mức hỗ trợ không nhiều, song chủ cơ sở là chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh vẫn rất phấn khởi. Theo chị, sự quan tâm của lãnh đạo UBND huyện và ngành chức năng sẽ tiếp thêm động lực cho mình đầu tư cho ra sản phẩm rượu chất lượng, đặc biệt là ka kun có củ sinh trưởng từ đất mẹ Đông Giang.
Nhân đây cũng nói thêm về cái duyên của gia đình chị Oanh đối với sản phẩm rượu truyền thống này. Cách đây 3 năm, chồng chị Oanh được cho củ ka kun (còn gọi thổ phục linh), bèn đem về chà sạch vỏ, thái nhỏ phơi khô rồi ngâm với rượu gạo. Mỗi khi có khách quý đến nhà, vợ chồng mang rượu ka kun mời nhâm nhi thì ai nấy trầm trồ khen dễ uống, hương thơm tự nhiên và không gây nhức đầu. Sau này tìm hiểu, vợ chồng chị oanh còn biết thêm loại rượu ngâm này còn có tác dụng chữa thấp khớp, huyết áp cao, mát gan… Từ đó chị Oanh tìm đầu mối cung cấp củ ka kun về ngâm rượu bán. Khách hàng hay tin tìm đến mua sản phẩm, họ còn đề xuất gia đình cung cấp để bán ra thị trường. Năm 2015, Cơ sở sản xuất rượu Hoàng Oanh ra đời. Năm đầu tiên có địa chỉ giao dịch, Hoàng Oanh ngâm được khoảng 800 lít. Qua một số hội chợ thương mại hàng tiêu dùng, do bận việc, chị Oanh nhờ anh Phạm Cường - chuyên viên Phòng Kinh tế và hạ tầng Đông Giang mang đi “tiếp thị” giúp. Dần dà, thương hiệu của rượu ka kun đã được nhiều khách hàng biết đến.
Trao đổi với chúng tôi, chị Oanh cho hay, rượu ka kun là sản phẩm chủ lực của Cơ sở sản xuất rượu Hoàng Oanh, bên cạnh rượu sâm K7, rượu sâm ba kích. Chị Oanh chia sẻ, củ ka kun dùng để ngâm rượu phải là củ đẹp, nghĩa là săn chắc và đỏ; giá mua sỉ từ đầu mối vào khoảng 35.000 đồng/kg. Ở miền núi Đông Giang, củ ka kun sinh trưởng tại xã Ba là đẹp nhất. Chị Oanh cũng cho hay, củ chất lượng thôi là chưa đủ, mà loại rượu gạo dùng để ngâm ka kun phải được nấu bằng hình thức lên men tự nhiên, đặt hàng tại địa chỉ uy tín. Mới đây, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Quảng Nam đã kiểm tra, xác nhận công bố sản phẩm rượu ka kun của Cơ sở sản xuất rượu Hoàng Oanh phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Nhằm giữ chữ tín với khách hàng, định kỳ 6 tháng một lần, chủ cơ sở lại gửi mẫu cho Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh kiểm định. Và để có nguồn cung, Hoàng Oanh đã ngâm được 2.000 hũ rượu cho cả 3 loại... Vấn đề chị Oanh lo lắng hiện nay là nguồn cung cấp củ ka kun sau này sẽ thiếu hụt nếu người dân khai thác ồ ạt. Về điều này, ông Nguyễn Tấn Tuân chia sẻ: “Việc khai thác quá mức sẽ khiến loại cây quý hiếm này cạn kiệt. Chính vì vậy, địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân khai thác cây lớn, cây già và khoanh vùng cây non để nó phát triển; đồng thời tính toán nhân giống trên địa bàn”.
CÔNG TÚ