Thành công từ mô hình kinh tế hợp tác
Xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế hợp tác đang là hướng đi hiệu quả ở Nông Sơn và giúp cho hàng trăm lao động địa phương có thu nhập ổn định.
Dẫn chúng tôi đi thăm cơ sở sản xuất nước uống đóng chai của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Quế Lộc (Nông Sơn), ông Đồng Vĩnh Long - Giám đốc HTX vui vẻ nói về quá trình hình thành và phát triển của đơn vị: “Sau 5 năm đầu hoạt động có hiệu quả, chúng tôi quyết định mở rộng hoạt động kinh doanh của HTX. Năm 2009, chúng tôi quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất nước uống đóng chai với kinh phí đầu tư hơn 230 triệu đồng. Bình quân mỗi ngày sản xuất khoảng 5.000 lít nước uống để đóng chai và phân phối trên địa bàn huyện Nông Sơn. Khi mới thành lập vào tháng 5.2004, HTX chỉ có 3 người quản lý và khoảng 10 lao động thường xuyên. Nhờ làm ăn có hiệu quả nên quy mô của HTX đã phát triển với 25 xã viên và hơn 40 lao động hợp đồng. Và cũng nhờ làm ăn uy tín, bà con tin tưởng nên hoạt động kinh doanh của HTX luôn được duy trì tốt”.
Mô hình kinh tế hợp tác ở Nông Sơn đang cho hiệu quả kinh tế khả quan. TRONG ẢNH: Cơ sở sản xuất nước uống đóng chai của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Quế Lộc có quy mô sản xuất 5.000 lít/ngày. Ảnh: Đ.Đ |
Hiện nay, ngoài việc sản xuất nước uống đóng chai, HTX Dịch vụ nông nghiệp Quế Lộc còn cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân ở Quế Lộc và các xã lân cận. Ngoài ra, HTX cũng quản lý, vận hành 7 đập dâng, 2 hồ chứa để cấp nước cho 334ha đất lúa, hoa màu cho 2 xã Quế Lộc, Sơn Viên. HTX Dịch vụ nông nghiệp Quế Lộc luôn đạt doanh thu hằng năm khoảng 900 triệu đồng, mỗi lao động của HTX có mức thu nhập ổn định 3 - 4 triệu đồng/tháng. “Dù đã đầu tư bê tông hóa gần 3.000m kênh mương thủy lợi nhưng để phục vụ tốt hơn cho bà con nông dân, chúng tôi sẽ tiếp tục bê tông hóa thêm một số đoạn kênh mương trên địa bàn Sơn Viên và Quế Lộc. Đồng thời để tạo thêm nguồn thu nhập và nâng cao đời sống xã viên, người lao động của HTX, chúng tôi sẽ đầu tư mở rộng quy mô của xưởng sản xuất nước uống đóng chai” - ông Long nói về hướng phát triển của HTX.
Ở Nông Sơn, không chỉ có các HTX mà các tổ hợp tác (THT) sản xuất cũng đang làm ăn hiệu quả, tạo hướng phát triển từ mô hình sản xuất, kinh doanh hộ cá thể sang kinh doanh, sản xuất nhóm hộ. Ông Võ Hai - Tổ trưởng THT làm đất thôn Trung Nam (xã Quế Trung), chia sẻ: “Lâu nay, dịch vụ làm đất ở địa phương cũng có nhưng chủ yếu là các hộ làm dịch vụ riêng lẻ. Nhận thấy làm ăn cá thể sẽ khó về vốn, nhân lực nên tôi và 2 hộ nữa trong thôn quyết định cùng thành lập THT làm đất vào năm 2013. Đến cuối năm 2013, chúng tôi đầu tư mua 2 máy làm đất, 1 máy cày tay. Nhờ đó mà chúng tôi chủ động toàn bộ khâu làm đất cho nhiều cánh đồng sản xuất lúa trên địa bàn xã Quế Trung”. Bình quân mỗi vụ lúa, THT làm đất thôn Trung Nam hợp đồng với khoảng 100 hộ dân để làm đất nông nghiệp. Bên cạnh khâu làm đất, THT còn nhận vận chuyển nông sản như lúa, hoa màu, rơm rạ, phân bón, trung chuyển keo… Theo ông Hai, nhờ sự liên kết làm ăn này mà mỗi năm THT thu lãi khoảng 60 triệu đồng.
Tương tự, cũng từ mô hình liên kết nhóm hộ để làm kinh tế, THT Ươm giống và dịch vụ trồng rừng của ông Nguyễn Đình Tiến (thôn Tân Phong, xã Quế Lộc) đang trên đà phát triển mạnh. Theo ông Tiến, khi mới thành lập, THT chỉ có 3 thành viên cùng ở Quế Lộc tham gia với tổng diện tích sản xuất khoảng 3ha. “Đến nay, THT của chúng tôi hình thành thêm các cơ sở sản xuất ở các xã khác nâng quy mô ươm cây giống keo tai tượng, xà cừ lên 4 - 5 triệu cây mỗi năm. Sau khi trừ các khoản chi phí, THT thu về 350 triệu đồng/năm. Đồng thời khoảng 100 lao động trong THT cũng có được thu nhập bình quân từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng” - ông Tiến nói.
Theo ông Nguyễn Đình Sử - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nông Sơn, toàn huyện có 6 HTX và 14 THT đang hoạt động có hiệu quả. Hiện nay, chỉ có xã Quế Phước là chưa có HTX và mỗi xã đều có từ 1 đến 4 THT. “Các HTX, THT trên địa bàn huyện chủ yếu hoạt động trên lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp. Điều đáng mừng là hướng làm kinh tế của các HTX, THT đang đi đúng hướng, làm ăn có lãi. Huyện vẫn đang khuyến khích 100% xã hình thành các HTX và các nhóm hộ cùng liên kết tạo THT sản xuất với chủ trương vẫn tập trung vào dịch vụ, sản xuất nông - lâm nghiệp. Ngoài việc tạo nên mô hình kinh tế hiệu quả thì các HTX, THT đang góp phần thay đổi thói quen, quy mô sản xuất và nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho bà con. Ngoài ra, việc hình thành cũng giúp các xã đạt tiêu chí số 13 trong xây dựng nông thôn mới” - ông Nguyễn Đình Sử nhìn nhận.
ĐOÀN ĐẠO