Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại hội nghị sơ kết 3 năm (2014 - 2016) thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và triển khai những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2016 - 2020, do UBND tỉnh tổ chức vào hôm qua 9.8. Đến dự có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng.
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, 3 năm qua nhờ tích cực rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch, đề án sản xuất nông - lâm - thủy sản và thực hiện hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nên lĩnh vực kinh tế nông nghiệp của tỉnh có bước chuyển biến rõ nét. Theo đó, đến nay toàn tỉnh đã hình thành được hơn 140 mô hình cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích khoảng 5.000ha đất. Đặc biệt, Quảng Nam đã trở thành trung tâm sản xuất giống lúa hàng hóa với gần 3.500ha đất, thu hút hàng chục doanh nghiệp lớn đến liên kết cùng nông dân canh tác và tiêu thụ sản phẩm theo hướng bao tiêu toàn bộ đầu ra. Hiện nay bình quân giá trị sản phẩm trồng trọt trên 1ha đất sản xuất đạt 75 triệu đồng, tăng 13,3% so với năm 2013. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh đã có 1.391 gia trại, 130 trang trại nuôi gia súc, gia cầm với quy mô vừa và lớn. Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay bình quân hàng năm giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tăng 4,98%...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là vấn đề bức thiết trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, đòi hỏi ngành liên quan, chính quyền các địa phương phải tiếp tục nỗ lực thực hiện để chủ trương đó mang lại hiệu quả cao. Theo đó, những năm đến cần phải ưu tiên mọi nguồn lực cho công tác này, trong đó quan trọng nhất là đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất. Đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp - nông thôn để phù hợp với tình hình thực tế. Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn việc sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Đặc biệt, phải thực hiện tốt các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo thứ tự ưu tiên nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Bên cạnh đó, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến nông, đảm bảo đủ mạnh để làm cầu nối giữa khoa học công nghệ với nông dân…
VĂN SỰ