Khó giải ngân hết vốn đầu tư

TRỊNH DŨNG 03/08/2016 09:43

Tỷ lệ giải ngân hiện chỉ đạt 39,3%, thấp hơn 14% so với cùng kỳ năm 2015. Theo nhận định của các nhà hoạch định chính sách, rất khó giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư năm 2016 theo dự định.

Ì ạch…

Ngày 27.7.2016, Sở KH&ĐT công bố trước Đoàn công tác liên ngành trung ương do Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu dẫn đầu, tỷ lệ giải ngân vốn năm 2016 của Quảng Nam tính đến ngày 15.7.2016 chỉ mới đạt 39,3% kế hoạch, thấp hơn 14% so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, nguồn vốn ngân sách địa phương 1.453 tỷ đồng, đạt 38,7% kế hoạch, bao gồm: ngân sách tỉnh giải ngân 25%, ngân sách huyện, thị, thành phố 42%, ngân sách xã, phường giải ngân 73%. Vốn kéo dài kế hoạch năm trước và tồn ngân đạt 40%. Nguồn vốn chương trình mục tiêu đạt 44%. Nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân, chỉ phân bổ cho các dự án thanh toán khối lượng và chuyển tiếp số tiền hơn 100,6 tỷ đồng từ chương trình giảm nghèo bền vững để các địa phương thực hiện. Nguồn vốn trái phiếu chính phủ giải ngân 37%, nhiều nhất là giao thông 47%, thủy lợi 21%, y tế 34% và giáo dục chưa giải ngân do chưa hoàn chỉnh thủ tục để phân bổ. Chương trình nông thôn mới giải ngân 0 đồng/133 tỷ đồng do các bộ, ngành trung ương vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về phân bổ cho các dự án từ nguồn vốn này.

Tiến độ thi công công trình tác động lớn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Ảnh: T.D
Tiến độ thi công công trình tác động lớn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Ảnh: T.D

Theo ông Trương Quang Dũng - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, nguồn vốn giải ngân đến nay chủ yếu là cho các công trình chuyển tiếp và thanh toán khối lượng. Vướng mắc lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế, chính sách thay đổi, điều chỉnh, thiếu hướng dẫn phân bổ vốn đầu tư, khó khăn bồi thường giải phóng mặt bằng, việc thẩm định các dự án lớn của các cơ quan chuyên ngành chậm. Hầu hết dự án mới chưa khởi công, vẫn trong giai đoạn đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. Ngoài ra, phải kể đến là việc rà soát, sắp xếp, thành lập các ban quản lý chuyên ngành mất đến 5 tháng mới ổn định tổ chức, các bộ, ngành trung ương phân bổ vốn đầu tư quá chậm (đến cuối ngày 14.5.2016 mới phân bổ hết thông qua 6 đợt phân bổ) đã làm chậm tiến độ triển khai công trình hoặc việc chuẩn bị các hồ sơ thủ tục của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án quá chậm trễ và thiếu sự phối hợp với các cơ quan chuyên ngành để giải trình, bổ sung kịp thời các hồ sơ trong quá trình thẩm định. “Thủ tục đầu tư phức tạp, cái gì cũng phải mang ra trung ương thẩm định thì chỉ với chương trình nông thôn mới cũng phải mất một xe tải mới chuyển hết hồ sơ, quản lý đất đai chưa nghiêm, không xác định được nguồn, không hướng dẫn phân bổ nguồn lực thì làm sao giải ngân?” - ông Dũng nói.

Chung quan điểm này, ông Nguyễn Bá Nghĩa - Phó Giám đốc Sở GTVT nói nguyên nhân cơ bản của giải ngân chậm chính là sự thay đổi các ban quản lý từ quan hệ hành chính sang quan hệ hợp đồng, nên thiếu sức mạnh điều hành để đẩy nhanh tiến trình giải phóng mặt bằng. Còn thủ tục đầu tư, thẩm định dự án quá rườm rà, dự án nhỏ lớn gì cũng phải đấu thầu, chuyển lòng vòng qua các sở chuyên ngành. “Chỉ làm một con đường cho dân đi có thể hoàn thành trong một tuần lại phải mất 3 tháng làm thủ tục đấu thầu, phê duyệt mới xong. Không rõ cách tính toán khoa học gì mà lại đẩy lùi sự phát triển…” - ông Nghĩa nói.

Khó đạt tỷ lệ 100%

Các chủ đầu tư đều cam kết sẽ giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2016. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế giải ngân thì điều này chỉ tồn tại trên lý thuyết khi chỉ mới tính đến 75 dự án khởi công mới (giải ngân 6%) đã có hơn 40 dự án chưa giải ngân được đồng vốn nào, trong khi chỉ còn hơn 4 tháng nữa là kết thúc năm tài chính. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu nói tỷ lệ giải ngân Quảng Nam cao hơn mức bình quân cả nước, nhưng có đến 2 chương trình chưa giao vốn. Quảng Nam cần lập tổ công tác giải ngân vốn đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm. Địa phương nên tập trung giải ngân vốn cho các dự án chuyển tiếp chứ theo các dự án mới thì sẽ khó khăn hơn.

Đứng trước “mệnh lệnh giải ngân” công bố từ trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã ký một văn bản (ngày 28.7.2016) như một “tối hậu thư” yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công và sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình, nhất là công trình trọng điểm của tỉnh, tổ chức nghiệm thu, lập thủ tục giải ngân vốn đầu tư và quyết toán dự án hoàn thành theo đúng thời gian quy định. Kiên quyết sẽ không gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng xây dựng đối với các dự án do chậm giải phóng mặt bằng. Cụ thể, với kế hoạch vốn năm 2015 được phép kéo dài sang 2016, phấn đấu giải ngân 100% trong tháng 8.2016. Tất cả phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong trường hợp để trung ương thu hồi vốn do không giải ngân hết. Trong tháng 9.2016, tham mưu điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án đến ngày 30.8.2016 không giải ngân hết vốn. Các dự án khởi công mới khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định, tổ chức đấu thầu thi công xây dựng. Đến cuối tháng 8.2016, tất cả dự án đều phải khởi công xây dựng. Quá thời hạn trên, các dự án chưa được phê duyệt kết quả đấu thầu sẽ kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn năm 2016 cho các dự án khác. Phấn đấu đến trước ngày 30.9.2016 giải ngân trên 50% kế hoạch và đến trước ngày 20.12.2016 giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2016. Những dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng phấn đấu đến trước ngày 30.9.206 giải ngân trên 80% kế hoạch và đến trước 30.11.2016 giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2016. Trong tháng 9.2016, tham mưu điều chuyển kế hoạch vốn đối với các đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 60% và không bố trí kế hoạch vốn năm 2017 đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50% hoặc chưa phê duyệt kết quả đấu thầu.

Hy vọng nếu thực hiện nghiêm túc quy định này, sẽ hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ giải ngân thấp hay bị thu hồi, cắt vốn đầu tư.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG