Tại cơ chế, chính sách hay năng lực?

TÙY PHONG 03/08/2016 09:25

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư năm 2016 thấp hơn đến 14% so với cùng kỳ năm 2015. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư năm 2016 thấp được viện dẫn chính là do cơ chế, chính sách quá nhiều thay đổi, sự thiếu hướng dẫn từ các bộ, ngành trung ương hay phân bổ vốn chậm luôn là điều đã từng xảy ra trong bất cứ diễn trình đầu tư nào qua các năm. Và năm 2016 lại là năm đầu tiên thực hiện các Luật Đầu tư công, Xây dựng, Đấu thầu cùng các nghị định khác… đã khiến địa phương lúng túng khi triển khai thực hiện, khiến tốc độ giải ngân chậm hơn dự kiến.

Chính Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đào Quang Thu cũng đồng tình khi cho rằng Quốc hội ban hành nhiều đạo luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, quản lý ngân sách, đấu thầu… nhưng thực tế vận hành quá nhiều bất cập, cản trở tiến trình phát triển. Dự kiến các cuộc kiểm tra, giám sát do Bộ KH&ĐT đang thực hiện sẽ có một cái nhìn rõ nét hơn, tổng hợp trình Quốc hội sửa luật. Tuy nhiên, kiến nghị của Quảng Nam hay các tỉnh, thành duyên hải miền Trung về sự thay đổi Nghị quyết 60 của Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công đã được Thứ trưởng Đào Quang Thu cho rằng sẽ có cơ chế đặc thù hai chương trình mục tiêu quốc gia và ủy quyền cho địa phương phê duyệt, thẩm định dự án đầu tư, nhưng hiện thời khó có thể nới lỏng hay sửa đổi Nghị định 60 được, nên các địa phương buộc phải thực hiện theo quy định là điều tất nhiên.

Cứ cho là những quy định ngặt nghèo của cơ chế, chính sách đã góp phần không nhỏ hạn chế tốc độ giải ngân tồn tại nhiều năm chưa được các bộ, ngành trung ương thay đổi thì một chuyện đáng phải bàn tới là tại sao tình trạng không xài hết vốn đầu tư năm nào cũng xảy ra, trong khi chuyện đầu tư không phải là lần đầu tiên được các chủ đầu tư thực hiện. Chính “sự cố” năm nào cũng xuất hiện khiến không thể không đặt lên bàn nghị sự câu hỏi là tại cơ chế, chính sách hay năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu? Tại sao địa phương nào cũng muốn có những dự án đầu tư để làm vốn mồi, kích thích doanh nghiệp vào đầu tư hay những dự án phát triển hạ tầng an sinh xã hội để tạo động lực phát triển, nhưng khi dự án được phê duyệt, thẩm định nguồn và khuyến cáo nhanh chóng khởi công để giải ngân thì lại không chịu xài tiền. Chưa có một con số chính thức, nhưng chắc chắn với tỷ lệ giải ngân thấp như hiện tại thì sẽ chỉ có khoảng một số ít dự án đạt tỷ lệ giải ngân 100%, còn lại sẽ có nhiều dự án bị điều chuyển vốn.

Thực tế, những lý do dẫn đến giải ngân chậm đều nằm trong tay điều hành của chính con người và khả năng điều hành chính sách của cơ quan quản lý. Công luận không mong quy trách nhiệm cá nhân để “kỷ luật” một ai đó vì để xảy ra chuyện bị cắt vốn mà vấn đề là chấn chỉnh bộ máy (bởi chủ đầu tư, ban quản lý dự án, không ai ngoài các sở, ban, ngành chính quyền địa phương), không cần đến sự can thiệp của chính quyền vào quy trình vận hành bình thường của nó! Vậy, những người chủ đầu tư (tức lãnh đạo của địa phương, sở, ban, ngành) sẽ nghĩ gì và sự ứng xử của mình như thế nào trước đơn vị mình điều hành bị điều chuyển hay để bị thu hồi vốn, đồng nghĩa với không có vốn để xây dựng những dự án đầu tư, góp phần phát triển địa phương. Nếu một khi thấy rõ được trách nhiệm trong việc xử lý vốn đầu tư hay hiệu quả của các dự án, chắc chắn sẽ không còn một ai biện bạch với đủ lý do cho chuyện không thể giải ngân…

TÙY PHONG

TÙY PHONG