Ngăn ngừa lỗ hổng trong quản lý đầu tư

NHẬT PHONG 27/07/2016 08:24

Lịch sử đầu tư đã cho thấy, khi cơ quan quản lý không thẩm tra kỹ dự án, năng lực tài chính của nhà đầu tư mà dễ dàng cấp phép khiến nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh thái, du lịch có thể bị bán rẻ và tự làm suy yếu vị thế mặc cả của mình. Hệ lụy còn kéo theo là một số dự án không thể triển khai vì nhà đầu tư không đủ năng lực, đất đai bị găm trong các dự án ảo nhiều năm.

Chưa có một nghiên cứu độc lập đánh giá liệu các cộng đồng dân cư nghèo ven biển buộc phải hy sinh nhà cửa, ruộng vườn để nhường chỗ cho những dự án, có được đền bù thỏa đáng hay không? Có tìm được việc làm hậu giải tỏa hay không và có bị ảnh hưởng bởi nguy cơ ô nhiễm môi trường? Lịch sử thu hút đầu tư đã chứng minh rằng, vốn, thị trường, quá trình chuyển giao công nghệ như mong đợi từ các doanh nghiệp đã chưa xảy ra. Tất cả mới chỉ dừng lại ở mức cung cấp nhân công cho hoạt động giá rẻ và cho thuê mặt bằng là chính.

Hiện tại, Việt Nam đang được coi là công xưởng mới của thế giới. Nhiều chuyển dịch kinh tế bắt đầu để đón cơ hội phát triển nhờ TPP đem lại, kèm theo những cảnh báo khi thu hút quá nhiều dự án có nguy cơ gây ô nhiễm cao như dệt nhuộm, giấy, hóa chất, thép... Quảng Nam cũng không là biệt lệ, đã từng “buộc” phải chạy theo số lượng tăng trưởng để giải quyết công ăn việc làm, kêu gọi đầu tư, thu ngân sách… nhưng đã đến lúc phải xem chất lượng tăng trưởng là tiêu chí hàng đầu. Không thể tăng trưởng bằng mọi giá, chỉ phát triển, bảo vệ và làm lợi cho được phần mình mà dồn hết rủi ro cho con cháu mai sau thì xây dựng và phát triển để làm gì? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra lỗ hổng lớn về quản lý môi trường của các cơ quan nhà nước trong vụ khủng hoảng cá chết vừa qua. Ông yêu cầu Bộ TN&MT, các địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất gần biển, không để xảy ra tình trạng xả chất thải trái phép ra môi trường, không thể chấp nhận một cuộc khủng hoảng môi trường khác tương tự xảy ra trong tương lai. Vậy địa phương cần làm gì để có môi trường đầu tư an toàn? Thực tế việc phân cấp đầu tư rộng như hiện tại thì việc thẩm định báo cáo tác động môi trường của hầu hết dự án sẽ rất khó. Vấn đề dư luận quan tâm là các cơ quan quản lý địa phương có đủ chuyên môn và thông tin để thẩm định một cách trung thực hay không? Chính quyền có mạnh dạn bác bỏ một dự án, chấp nhận hy sinh lợi ích của địa phương để bảo vệ môi trường hay không?

Những vụ gây ô nhiễm môi trường đã và đang xảy ra như Formosa, thép Việt - Pháp (Điện Bàn), Sôda (Núi Thành)… chính là bài học quá đắt để phải nhận ra rằng cần có những thay đổi trong chính sách thu hút đầu tư. Cần thận trọng cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi chấp thuận một dự án đầu tư. Chính quyền, cơ quan quản lý không thể chỉ có mỗi việc đáp ứng yêu cầu các nhà đầu tư, mà cũng phải đưa ra những mặc cả, ngã giá với các nhà đầu tư. Cần mạnh tay loại bỏ những doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu đầu tư bởi xét cho cùng đầu tư cũng là một “cuộc chơi”, mà “cuộc chơi” nào cũng cần đến luật. Đã đến lúc yêu cầu doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện những nội dung đã cam kết trong các dự án đầu tư, nhất là đánh giá kỹ về tác động môi trường.

NHẬT PHONG

NHẬT PHONG