Thương hiệu giữa thương trường

KHÁNH LINH 09/07/2016 08:52

Với chủ trương đẩy mạnh, khuyến khích phát triển làng nghề gắn với du lịch và ngành nghề nông thôn, thời gian qua một số làng nghề truyền thống ở Điện Bàn đã được khôi phục, phát triển ổn định, tuy nhiên vẫn còn đó nhiều khó khăn chưa thể giải quyết.

Nhiều cách hỗ trợ

Theo báo cáo thống kê của Phòng Kinh tế Điện Bàn, tính đến năm 2015  toàn thị xã có 2.007 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngoài khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Trong đó, có 6 làng nghề được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp gồm: làng nghề đúc đồng Phước Kiều, làng nghề chiếu chẻ Triêm Tây, làng nghề bánh tráng Phú Triêm (Điện Phương); làng nghề nước mắm Hà Quảng (Điện Dương); làng nghề dệt Nông Sơn (Điện Phước) và làng nghề mây tre (Điện Thắng Nam). Tuy nhiên, đến nay chỉ 4 làng nghề là còn hoạt động với 166 hộ, 320 lao động tham gia, tổng doanh thu một năm khoảng 32 tỷ đồng (2 làng nghề dệt Nông Sơn và mây tre Điện Thắng Nam đã mai một). Ngoài 4 làng nghề truyền thống trên, một số cơ sở tiểu thủ công nghiệp vẫn duy trì hoạt động tốt như HTX Thương mại Điện Thọ, HTX Phú Bông (Điện Phong); Cơ sở mây tre Lê Viết Tới (Điện An); Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc; Công ty TNHH Mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp; Gốm Lê Đức Hạ (Điện Phương)… với tổng doanh thu mỗi năm lên đến vài chục tỷ đồng.

Làng nước mắm Hà Quảng vẫn chưa có thương hiệu hoặc giấy chứng nhận làng nghề.Ảnh: K.LINH
Làng nước mắm Hà Quảng vẫn chưa có thương hiệu hoặc giấy chứng nhận làng nghề.Ảnh: K.LINH

Có thể nói, đạt được kết quả trên, ngoài nỗ lực của cơ sở, làng nghề thì còn có sự hỗ trợ rất lớn từ các cấp ban ngành của tỉnh và thị xã. Thông qua các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia triển lãm sản phẩm công nghiệp nông thôn, tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh…. đã giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông thôn giải quyết hàng tồn kho, tìm đầu ra cho sản phẩm. Đặc biệt, từ chương trình khuyến công và đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mỗi năm đã có hàng trăm lao động được hướng dẫn, đào tạo nghề nghiệp. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2016, Phòng Kinh tế Điện Bàn đã phối hợp mở 13 lớp đào tạo cho khoảng 400 lượt học viên với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn, việc hỗ trợ các làng nghề từ nguồn kinh phí khuyến công đã khẳng định được vai trò, vị thế của cộng đồng, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, từ đó góp phần khôi phục và mở rộng quy mô làng nghề. “Thông qua các chương trình hỗ trợ, số cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã không ngừng tăng trưởng về số lượng, chất lượng và tay nghề, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động khu vực nông thôn theo hướng tích cực, tăng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành” - ông Chơi khẳng định.

Tìm hướng đi mới

Dù đạt được những kết quả nhất định nhưng hoạt động của những cơ sở, làng nghề Điện Bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn do phần lớn có quy mô nhỏ, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao; sản phẩm chưa phong phú; sức cạnh tranh hàng hóa yếu. Trình độ công nghệ và năng lực tiếp nhận chuyển giao công nghệ còn lạc hậu. Các nguồn lực quan trọng như vốn, nhân lực đáp ứng cho phát triển sản xuất và phát triển du lịch hạn chế. Năng suất lao động thấp, chi phí trong sản xuất cao, đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển  làng nghề còn ở mức thấp; tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề chưa được khắc phục…. Đơn cử, tại làng nước mắm Hà Quảng, dù có thương hiệu hàng trăm năm nhưng đến nay sản phẩm chủ yếu vẫn mang tính tự cung tự cấp hoặc chở đi bán dạo. Thậm chí bán thô cho các cơ sở nước mắm, mắm ruốc tại Đà Nẵng và Huế mua về đóng nhãn mác khác để đưa ra thị trường.

Theo ông Đinh Hùng Liên - Chủ tịch UBND phường Điện Dương,  hoạt động sản xuất của làng nước mắm Hà Quảng mang tính nhỏ lẻ với khoảng 20 hộ còn duy trì sản xuất. Đặc biệt, vẫn chưa có thương hiệu hoặc giấy chứng nhận làng nghề. Tuy nhiên, để phát triển mở rộng quy mô  cũng là vấn đề khiến địa phương lúng túng do liên quan đến môi trường. “Hiện nay chiến lược phát triển của Điện Dương là du lịch dịch vụ, do đó những hoạt động sản xuất gây ảnh hưởng đến môi trường phải hết sức hạn chế, thật sự chúng tôi rất lúng túng. Nên dù có muốn phát triển thương hiệu nước mắm Hà Quảng cũng không dám mở rộng quy mô lớn hơn được” - ông Liên chia sẻ.

Ông Mai Phước Thứ - Phó Giám đốc phụ trách sản xuất, HTX Thương mại mây tre Điện Thọ cho rằng, nỗi lo của doanh nghiệp chính là nguồn lao động tại chỗ. Hoạt động từ năm 2001, tuy mỗi năm xuất ra thị trường hàng nghìn sản phẩm, mang lại doanh thu gần 2 tỷ đồng nhưng HTX vẫn rất dè dặt trong phát triển mở rộng quy mô do thiếu hụt nguồn lao động vì hầu hết nhân công là người địa phương làm việc theo mùa vụ, tính ổn định không cao. “Đôi khi có nhiều đơn đặt hàng cũng ham nhưng chúng tôi không dám nhận vì không có người làm” - ông Thứ nói.

Ông Nguyễn Đức Chơi cho rằng, hầu hết cơ sở, làng nghề hiện nay đều  gặp những khó khăn nhất định. Trong đó, ngoài thị trường tiêu thụ thì khó khăn nhất chính là vốn và công nghệ để giúp nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, dù địa phương thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo lao động nhưng do thu nhập của lao động làng nghề thấp hơn so với những công việc khác nên khó thu hút nhân công, chủ yếu vẫn là những người lớn tuổi. “Ngoài một số cơ sở thủ công mỹ nghệ hoạt động tốt thì đa số làng nghề truyền thống Điện Bàn chỉ mang tính nhỏ lẻ nên gặp khó khăn về thị trường. Chúng tôi đang làm thủ tục, hồ sơ gửi Cục Sở hữu trí tuệ đề xuất công nhận sở hữu trí tuệ cho 2 sản phẩm là bê thui Cầu Mống và bánh tráng Phú Triêm. Đặc biệt, sẽ khôi phục và phát triển các làng nghề gắn với phát triển du lịch. Trước mắt, thị xã sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng và khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất đủ điều kiện di dời vào Cụm làng nghề tiểu thủ công mỹ nghệ Đông Khương để xây dựng các trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hướng đến xây dựng cụm Đông Khương có đủ điều kiện để làm điểm tham quan làng nghề cho khách du lịch trong thời gian tới” - ông Chơi cho biết.

KHÁNH LINH

KHÁNH LINH