Nỗi lo căng kéo ngân sách
Quảng Nam đã thuộc nhóm tỉnh thành phải điều tiết ngân sách về trung ương. “Vinh dự” được làm “người nhà giàu” lại kéo theo nỗi lo căng kéo ngân sách địa phương…
Lạc quan
Theo thống kê của các cơ quan tài chính Quảng Nam, tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm hơn 7.650 tỷ đồng, đạt 55% dự toán năm, tăng hơn 20% so cùng kỳ. Các lĩnh vực thu đều đạt và vượt kế hoạch. Thu nội địa chiếm hơn 5.200 tỷ đồng, đạt hơn 59% dự toán, tăng 28% so cùng kỳ. Thu xuất nhập khẩu hơn 2.300 tỷ đồng, bằng 50% dự toán, tăng 6% so cùng kỳ. Số thuế thu được này dù không đồng đều khi có đến 5 huyện có tỷ lệ thấp (Quế Sơn, Hiệp Đức, Phước Sơn, Đông Giang và Tây Giang) nhưng chắc chắn sẽ vượt dự toán thu nội địa đã được ấn định là 8.795 tỷ đồng (kể cả số thu sử dụng đất). Thậm chí số thuế thực thu năm 2016 khả năng cũng sẽ vượt 20,8 - 22,8% so với năm 2015. Sự lạc quan này đều dựa vào cam kết mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Quảng Nam khi giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng qua đã tăng 12,4%, chiếm gần 33,9% cơ cấu kinh tế, ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm đến 92,5%, tăng 11% so cùng kỳ và nhập khẩu linh kiện ô tô tăng hơn 38%, máy móc thiết bị tăng hơn 7 lần, nguyên phụ liệu may mặc tăng hơn 8%...
Nguồn thu ngân sách của Quảng Nam chủ yếu dựa vào Thaco. Trong ảnh: Khu hậu cần cảng Tam Hiệp. Ảnh: T.D |
Năm 2016, Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) dự kiến sẽ bán ra thị trường gần 100.000 xe các loại, doanh thu khoảng 65.000 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 15.000 tỷ đồng. Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải đặt kế hoạch sản xuất, lắp ráp 99.800 xe, tăng 36% so năm 2015. Dự kiến sẽ nộp ngân sách 14.000 tỷ đồng, riêng nộp tại Quảng Nam 12.280 tỷ đồng, trong đó 6.850 tỷ đồng thuế nội địa và 5.430 tỷ đồng thuế xuất, nhập khẩu. Số thuế đã nộp trong vòng mấy tháng qua đã xấp xỉ 70%. Nếu Thaco tăng trưởng như dự kiến thì kế hoạch thu nội địa chỉ còn khoảng 1.445 tỷ đồng và không cần các doanh nghiệp khác cũng đã vượt thu đến 830 tỷ đồng từ số thuế xuất, nhập khẩu. Chỉ riêng Thaco cũng sẽ vượt con số 610 tỷ đồng khi ấn định thu nội địa cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh năm 2016 chỉ khoảng 6.240 tỷ đồng.
Không chỉ Thaco hay các doanh nghiệp công nghiệp tăng trưởng mạnh, trong một cuộc khảo sát mới đây của cơ quan thuế, khá nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục duy trì, phát triển, mở rộng sản xuất, kéo theo số thuế nộp sẽ gia tăng. Ông Byung Tae Kim - Giám đốc Sedo Vinako ở Đông Yên (Duy Trinh, Duy Xuyên) - doanh nghiệp FDI, xuất khẩu 100% mặt hàng lều, bạt, túi xách… cho biết doanh nghiệp đang triển khai mở rộng dự án đầu tư giai đoạn 2, thu hút thêm 1.500 lao động, nâng số lao động làm việc tại công ty lên khoảng 4.500 người và khả năng số thuế nộp ngân sách sẽ không dừng ở vài tỷ đồng như hiện tại.
Ứng xử thu - chi
Việc lọt vào danh sách 13/63 tỉnh, thành cả nước phải điều tiết nguồn thu về trung ương kể từ năm 2017 là điều không quá bất ngờ với Quảng Nam. Chỉ năm 2012 bị hụt thu, còn lại, tăng thu ngân sách hằng năm đều khá cao, vượt trên cả dự báo và kế hoạch, từng lọt vào nhóm 20/63 tỉnh, thành có số thu ngân sách cao nhất nước và gia nhập vào câu lạc bộ có số thu nội địa trên 5.000 tỷ đồng. Nhưng, “vinh dự” trở thành “người nhà giàu” mang chút ít niềm vui lại trở thành nỗi lo ngân sách bị căng kéo. Kế hoạch thu, chi sẽ được đưa ra, nhưng khó có thể dự lường được năng lực sản xuất, tiêu thụ thị trường.
Ngân sách Quảng Nam từ nhiều năm nay đang “dựa dẫm” chủ yếu vào các doanh nghiệp lớn, nhất là Thaco. Tuy nhiên, lệ thuộc quá nhiều vào năng lực của Thaco chưa hẳn là điều tốt. Việc tháo nút từ khu vực sản xuất, nơi tạo ra của cải cho nền kinh tế chính là mấu chốt phát triển nhưng hiện tại chưa có chính sách hiệu quả rõ rệt để gia tăng đều ở khu vực này. Những dự án lớn như khí điện đạm, sân bay Chu Lai dự báo đầy cơ hội, nhưng hiện thực còn xa. Các dự án ở Khu công nghiệp Tam Thăng hay Nam Hội An cũng chỉ mới khởi đầu. Còn doanh nghiệp Quảng Nam với 95% nhỏ bé, yếu ớt phải bước vào một thời kỳ hội nhập, không dễ đương đầu với những cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường nên nguồn thu thay thế, chia sẻ gánh nặng ngân sách với Thaco là điều không dễ thực hiện trong một vài năm tới.
Quảng Nam sẽ làm gì là điều đã được đặt ra giữa các cơ quan công quyền trong các cuộc họp bàn tài chính, ngân sách gần đây. Gần như tất cả địa phương đều có nhu cầu bức thiết để đầu tư phát triển nhưng nguồn lực lại dường như không thể. Cách duy nhất là phân bổ các khoản chi ngân sách hiệu quả, tái cơ cấu các khoản chi thường xuyên, chuyển nguồn lực sang đầu tư phát triển. Ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính cho hay, theo định mức chi năm 2017 (thời kỳ ổn định ngân sách mới) lại rất thấp so với năm 2016. Nếu không bảo vệ được dự toán số thu, chi sẽ rất khó khăn cân đối năm 2017 và những năm sau đó. “Ngoài việc bảo vệ số thu hợp tình, hợp lý chấp nhận được thì nhiệm vụ chi là cực kỳ quan trọng. UBND tỉnh cần chỉ đạo cơ quan quản lý vốn ODA vay theo các hiệp định cho năm 2017 - 2020 có kế hoạch trả nợ là bao nhiêu? Phải tính toán thật kỹ về 14 nội dung chi thường xuyên. Ngành tài chính không thể bao quát hết chuyện chi tiêu của các ngành, địa phương được nên cần một bảng báo cáo cụ thể tổng hợp kinh phí chi tiêu của địa phương để bảo vệ và có thể điều tiết về trung ương ở mức thấp nhất” - ông Chín nói.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng kể từ năm 2017 phải điều tiết nguồn thu về trung ương, chấm dứt 19 năm nhận trợ cấp ngân sách, Quảng Nam thực sự bước vào một cuộc chiến mới. Sản xuất công nghiệp thuộc nhóm số 1 Việt Nam nhưng nguồn thu chủ yếu là ô tô (70%). Liệu có giữ được số tăng trưởng này đến năm 2018 hay không thì vẫn chưa tính toán được. Tập trung nguồn thu vào một đơn vị (Thaco) là điều không dễ dàng. “Ưu tiên số 1 vẫn là hỗ trợ sản xuất, giải quyết nhanh mặt bằng cho các dự án, tháo gỡ khó khăn để năm 2017 doanh nghiệp có thể đi vào sản xuất. Các ngành phải thực sự chủ động rà soát nguồn lực tài chính, ngân sách, nhất là dành chi cho những sự kiện 20 năm chia tách tỉnh. Cần phải chấn chỉnh ngay kỷ cương việc lập, phê duyệt các dự án đầu tư. Những phát sinh bất ngờ sẽ khiến ngân sách bị căng kéo và không nguồn lực nào có thể chủ động để giải quyết hết” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói.
TRỊNH DŨNG