Có thể thu được nợ tạm ứng?

TRỊNH DŨNG 29/06/2016 09:30

Đã có nhiều cuộc họp bàn, thậm chí chính quyền và cơ quan quản lý của tỉnh đã ra “tối hậu thư” nhưng việc thu hồi nợ đọng xây dựng cơ bản từ năm 2010 trở về trước vẫn còn gặp không ít ách tắc.

Chuyện thu hồi nợ đọng tạm ứng của các nhà thầu từ năm 2010 trở về trước một lần nữa lại đặt lên bàn nghị sự. Ngày 28.6.2016, UBND tỉnh đã mở một cuộc họp để Sở KH&ĐT, các ngành báo cáo tiến độ, giải pháp cụ thể thu hồi nợ đọng tạm ứng của các chủ đầu tư, nhà thầu từ năm 2010 trở về trước. Chưa có một thông tin chính thống từ cuộc họp “kín”, nhưng dư luận đang hy vọng chính quyền và cơ quan quản lý sẽ tìm ra phương thức hữu hiệu để giải quyết tồn đọng này. Nói cách khác là cần giải tỏa “ám ảnh nợ đọng tạm ứng”.

Nợ vẫn treo trong báo cáo

Không ít cuộc họp bàn đã diễn ra buộc các chủ đầu tư, nhà thầu phải hoàn ứng, thậm chí chính quyền và cơ quan quản lý từng tuyên bố nếu nhà thầu không hợp tác sẽ chuyển các cơ quan chức năng xử lý. Thế nhưng đã 6 năm qua, số nợ đọng lưu cữu này vẫn chưa được nhiều “con nợ” hoàn trả. Hiện có khoảng hơn 34 tỷ đồng nợ đọng vẫn chưa thể thu hồi. Nhiều gói thầu đã ngừng triển khai thi công, tuy nhiên vẫn còn treo số dư tạm ứng như dự án nạo vét thoát lũ khẩn cấp sông Trường Giang, dự án đường ô tô đến trung tâm xã Trà Tập… Lời giải thích lâu nay của chủ đầu tư hay ban quản lý là số nợ đọng này thuộc về các dự án, gói thầu đã ngừng thi công, một số đơn vị tư vấn, nhà thầu đã giải thể… không thể tìm ra địa chỉ. Ngay những bản án đã được thi hành vẫn không thể xác định được tài sản và không biết kêu ai tới tòa. Nhiều chủ đầu tư đã gửi đơn xin xóa nợ các nhà thầu, tư vấn đã giải thể, nhưng không ai đủ thẩm quyền để xử lý và cũng không một ai chịu trách nhiệm, cho dù nhiều người hiểu rằng “sự cố” này thực sự là khoảng trống của việc lỏng tay trong quản lý ngân sách.

Nạo vét sông Trường Giang là một trong những dự án nợ đọng tạm ứng kéo dài chưa thể hoàn ứng. Trong ảnh: “Công trường” của dự án này bị bỏ hoang giữa sông. Ảnh: T.DŨNG
Nạo vét sông Trường Giang là một trong những dự án nợ đọng tạm ứng kéo dài chưa thể hoàn ứng. Trong ảnh: “Công trường” của dự án này bị bỏ hoang giữa sông. Ảnh: T.DŨNG

Kho bạc Nhà nước Quảng Nam cho hay không ít hồ sơ đã chuyển cho cơ quan thi hành án để thu nợ, nhưng cơ quan pháp luật này đã ra quyết định trả lại đơn yêu cầu vì không thể xác định được tài sản bởi công ty đã giải thể hoặc bán lại cho đơn vị khác. Không còn cách nào khác, cơ quan này chỉ còn biết quản lý, giám sát chặt chẽ số dư tạm ứng các hợp đồng còn hiệu lực, buộc các chủ đầu tư, nhà thầu nhanh chóng thi công, nghiệm thu công trình và hoàn ứng đúng thời hạn. Hạn chế thấp nhất việc phát sinh số dư tạm ứng tồn đọng khi hợp đồng đã hết hiệu lực. Còn con số dư tạm ứng xây dựng cơ bản từ năm 2010 trở về trước vẫn cứ mãi treo trong các báo cáo của Kho bạc Nhà nước, không có cách gì xử lý, thậm chí còn dự báo “bi quan” là số nợ đọng này là không thể thu hồi.

Quyết liệt thu hồi nợ đọng

Nợ tạm ứng của các nhà thầu là câu chuyện luôn được nhắc tới trong các kỳ họp HĐND, các chương trình phát triển đầu tư. Tuyên bố giám sát chặt chẽ của các chủ đầu tư hay sự kiên quyết của cơ quan quản lý khi tính lãi trên số dư nợ đọng chỉ có tác động đến những nhà thầu thiện chí, còn các doanh nghiệp cố tình lảng tránh hay chây ì hiện vẫn chưa thể có cách giải quyết hữu hiệu. Một trong những vấn đề quan trọng được dư luận quan tâm là việc cần làm rõ các sai phạm, quy trách nhiệm cho các chủ dự án, nhà thầu không chịu hoàn ứng, trả nợ và có biện pháp hữu hiệu xử lý triệt để những ai làm thất thoát. Không thể chấp nhận kiểu quản lý không rõ ràng, minh bạch như vậy tồn tại khiến vốn ngân sách mất đi mà không một ai chịu trách nhiệm. Chuyện này không xử lý rốt ráo, hợp lý sẽ mất cả lòng tin của dân chúng về năng lực điều hành của các cơ quan công quyền trong kế hoạch đầu tư công.

UBND tỉnh đã quyết định thành lập một tổ công tác xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Động thái này hàm nghĩa chính quyền và cơ quan quản lý đã không còn đủ kiên nhẫn để chờ đợi “thiện chí” hoàn ứng hay trả nợ từ các chủ đầu tư, nhà thầu và buộc lòng phải siết chặt quản lý, tìm cách thu hồi nợ. Ông Hồ Văn Hiền - Phó Giám đốc phụ trách Kho bạc Nhà nước Quảng Nam cho biết nỗ lực hướng dẫn các thủ tục hoàn ứng, kiên quyết thu hồi lẫn áp dụng các biện pháp chế tài, tính lãi trên số dư tạm ứng còn tồn đọng của chính quyền và các cơ quan quản lý đã mang lại sự thay đổi lớn trong việc xử lý nợ tạm ứng đầu tư từ năm 2010 trở về trước. Trong vòng mấy tháng qua, sự năng nổ của tổ công tác xử lý nợ đọng này đã giúp thu hồi khoảng 1,8 tỷ đồng. Con số này chưa đáng kể nhưng đã cho thấy dấu hiệu các chủ đầu tư, nhà thầu không thể thoái thác trách nhiệm, buộc phải xử lý để hoàn trả cho ngân sách. Trong những ngày tới, số nợ đọng này sẽ được thu hồi với tốc độ nhanh hơn và con số lớn hơn.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG