Chuyển động hạ tầng dịch vụ phía nam

VĨNH LỘC 29/06/2016 08:14

Nhiều cơ sở du lịch được khánh thành đi vào hoạt động trong thời gian gần đây đã tạo cơ sở để du lịch phía nam phát triển, tuy nhiên nhìn chung việc phát triển hạ tầng du lịch ở khu vực này chỉ đang ở giai đoạn khởi động…

Phát triển cơ sở lưu trú

Gần đây nhiều khách sạn cao cấp được xây dựng trên địa bàn TP.Tam Kỳ. Có thể kể đến khách sạn Bàn Thạch (98 phòng, 7 villa cao cấp), khách sạn Mường Thanh (230 phòng) và mới đây nhất là khu du lịch biển Tam Thanh với quy mô 16 phòng tiêu chuẩn biệt thự cùng hệ thống dịch vụ hạ tầng cao cấp. Sự ra đời của khu du lịch biển Tam Thanh đã bổ sung thêm một cơ sở lưu trú hiện đại vào hệ thống khách sạn trên địa bàn thành phố, nâng tổng số cơ sở lưu trú hiện có lên con số 16 cơ sở (2 khách sạn 4 sao, 2 khách sạn 3 sao, 5 khách sạn 2 sao, 1 khách sạn 1 sao, còn lại là những cơ sở đạt chuẩn) với gần 700 phòng. Có thể nhận thấy, sự ra đời của nhiều cơ sở lưu trú tại Tam Kỳ đã chứng tỏ mối quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư du lịch đối với tiềm năng vùng đất này nhằm đón đầu một lượng khách du lịch sẽ đổ về đây khi tuyến đường ven biển từ Đà Nẵng vào đến Chu Lai, Dung Quất được thông suốt.

Khu vực phía nam sở hữu nhiều tiềm năng du lịch chưa được khai thác tương xứng.Ảnh: VĨNH LỘC
Khu vực phía nam sở hữu nhiều tiềm năng du lịch chưa được khai thác tương xứng.Ảnh: VĨNH LỘC

Cùng với việc hoàn thiện hệ thống lưu trú, nhiều sản phẩm dịch vụ điểm đến cũng đang từng bước được quy hoạch, đầu tư hợp lý. Ngoài các điểm như hồ Phú Ninh, biển Tam Thanh hay biển Rạng (Núi Thành) thì sự ra đời của công trình tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng đã tạo nên điểm nhấn thu hút du khách và các nhà đầu tư. Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL, việc hình thành những khách sạn tại Tam Kỳ thời gian qua sẽ tạo cơ sở quan trọng thúc đẩy du lịch phía nam phát triển. “Về cơ sở vật chất, hạ tầng thì Tam Kỳ tốt rồi nhưng một số nơi khác như Núi Thành vẫn chưa hoàn thiện hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu khách. Tuy nhiên, có một tín hiệu vui là hiện nay hầu hết chính quyền các nơi đều đã có những nhận thức tích cực về phát triển du lịch” - ông Hài nói.

Cũng theo ông Hài, việc xây dựng nhiều cơ sở du lịch thời gian gần đây đã giúp khu vực phía nam có sự chuyển động, nhất là Tam Kỳ. Thống kê 6 tháng đầu năm đã có gần 100 nghìn khách đến tham quan công trình tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Số khách này hứa hẹn sẽ tăng cao hơn khi bảo tàng mẹ Việt Nam anh hùng và một số khu vực, tuyến điểm xung quanh được đầu tư phát triển (nhà vệ sinh, bãi đỗ xe, nhà trưng bày, nhà đón tiếp…).

Hướng đến sự chuyên nghiệp

Dù có những tín hiệu tích cực nhưng phát triển dịch vụ du lịch phía nam vẫn chưa đi vào chuyên nghiệp. Một số cơ sở lưu trú cũng như điểm đến, trình độ, kỹ năng nghề của đội ngũ lao động còn thấp do môi trường cạnh tranh chưa cao. Nhiều khách sạn tại Tam Kỳ dù được xếp hạng từ 1 - 2 sao nhưng cơ sở vật chất cũ kỹ, xuống cấp. Thực tế, các điểm phía nam, kể cả Tam Kỳ mới chỉ là điểm dừng chân chứ chưa phải là điểm đến du lịch. Con số 800 phòng của khoảng 20 cơ sở lưu trú khu vực phía nam thoạt trông có vẻ nhiều nhưng lại quá ít ỏi nếu so với gần 7.900 phòng của 370 cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh (chủ yếu Hội An và Điện Bàn).

Trong kế hoạch phát triển du lịch TP.Tam Kỳ giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 đã chỉ ra những hạn chế khi nhìn nhận, phát triển của du lịch thành phố còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có và lợi thế của một đô thị tỉnh lỵ; chưa có những sản phẩm du lịch thu hút, ít sản phẩm dịch vụ chất lượng cao. Quy mô hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng... hầu hết là vừa và nhỏ, trang thiết bị nội thất chưa đồng bộ. Hoạt động lữ hành tuy có cải thiện nhưng thị trường còn nhỏ lẻ. Công tác vệ sinh, môi trường tại các điểm du lịch còn nhiều tồn tại. Hạn chế cơ bản của du lịch Tam Kỳ là chưa thu hút được các dự án tiềm năng, việc đầu tư và triển khai các dự án đầu tư vào các khu, điểm du lịch đã được phê duyệt còn chậm, còn gặp khó khăn nhiều về nguồn vốn. Trong khi nguồn nhân lực trên lĩnh vực du lịch còn quá mỏng và chưa được đào tạo cơ bản; chưa có những điểm vui chơi giải trí và những lễ hội, sự kiện ấn tượng để tạo sức hấp dẫn khách. Vì vậy, doanh thu từ du lịch còn chiếm tỷ trọng thấp so với tổng doanh thu trên địa bàn.

Tương tự, tại Núi Thành dù có những động thái tích cực nhưng hầu hết còn nằm trên giấy. Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành thừa nhận, tất cả mới chỉ bắt đầu. Hiện nay, huyện thực hiện đầu tư một số tuyến điểm du lịch như Bàn Than, Bãi Rạng, Hố Giang Thơm. Đặc biệt, đang hình thành ban quản lý bãi tắm Bãi Rạng và ban hành quy chế hoạt động của bãi tắm Bãi Rạng. “Nói chung là đang tập trung làm, cụ thể là đang xúc tiến đầu tư cơ sở lưu trú homestay tại Tam Hải cũng như khôi phục, phát triển một số sản phẩm làng nghề truyền thống như nghề làm nước mắm, dừa và sản phẩm liên quan đến nghề biển để hướng đến phục vụ du lịch” - ông An cho biết.

Theo ông Đinh Hài, hạn chế của du lịch phía nam là sản phẩm chưa đồng bộ, chưa tạo ra chuỗi liên hoàn để khách có thể thích thú hoặc đi trọn vẹn tour. Ngoài công trình tượng Mẹ Việt Nam anh hùng thì một số nơi khác chưa đủ điều kiện để thu hút khách do hạn chế về hạ tầng, dịch vụ, kể cả tại địa đạo Kỳ Anh (nhà vệ sinh, khu vực tiếp đón, bãi đỗ xe khách chưa có). Đối với khu vực biển Rạng, Tam Hải thì chưa có bến tàu, bến cảng. Trong đó, nổi cộm là khâu vệ sinh môi trường còn nhiều điều bất cập cần phải tập trung giải quyết. “Thời gian qua ngành du lịch đã làm việc với các địa phương cũng như xây dựng các chương trình, kế hoạch thúc đẩy về đầu tư hạ tầng. Ngoài ra, từ đây đến cuối năm cũng sẽ tổ chức các đoàn tour famtrip và có lẽ đến năm 2017 sẽ hoàn thiện các công việc này để sẵn sàng đón khách” - ông Hài khẳng định.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC