Đông Giang: Tiếp sức cho công nghiệp nông thôn

CÔNG TÚ 24/06/2016 10:47

Hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư trang thiết bị, xây dựng và đăng ký thương hiệu sản phẩm… là những hoạt động khuyến công mà huyện Đông Giang đang triển khai để phát triển công nghiệp nông thôn, tiếp sức cho các cơ sở sản xuất.

Khuyến công trọng tâm

Những năm gần đây, thị trường cạnh tranh mặt hàng chè diễn ra rất gay gắt, đặc biệt là ngày càng có nhiều sản phẩm chè đa dạng, đạt chất lượng cao. Để “đua” với các đơn vị cùng ngành nghề, Công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp Quyết Thắng (đóng tại xã Ba, Đông Giang) ngoài việc hướng tới trồng chè mới phù hợp với tiêu chuẩn và thị hiếu người tiêu dùng đã quyết tâm sản xuất chè xanh hạt viên. Việc chú trọng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm từ chè xanh nhằm tạo ra công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào miền núi. Song, muốn biến điều đó thành hiện thực, Quyết Thắng rất cần sự trợ lực từ phía chính quyền địa phương. Theo ông Phạm Cườm - chuyên viên Phòng Kinh tế và hạ tầng Đông Giang, địa phương đã hỗ trợ 145 triệu đồng bằng nguồn khuyến công cho đầu tư dây chuyền sản xuất chè xanh dạng hạt viên và xây dựng mô hình trình diễn phù hợp. Nhờ đó, doanh nghiệp có điều kiện mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm để tiếp cận với thị trường trong và ngoài tỉnh.

Hỗ trợ máy may cho Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đhrôồng. Ảnh: C.T
Hỗ trợ máy may cho Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đhrôồng. Ảnh: C.T

Trước đây đồng bào Cơ Tu tham gia dệt thổ cẩm tại thôn Đhrôồng (xã Tà Lu) chủ yếu sản xuất thủ công rồi đem ra trao đổi, buôn bán nên lợi nhuận thấp. Trong khi đó, Đhrôồng trở thành làng du lịch nên rất cần những mặt hàng lưu niệm đặc trưng, đáp ứng nhu cầu của du khách, có thể mang lại thu nhập khá hơn cho người dân địa phương. Vậy nên, Đông Giang đã dành nguồn lực tổ chức các đợt tập huấn, đào tạo nâng cao tay nghề cắt may cho chị em thuộc Tổ hợp tác dệt thổ cẩm thôn Đhrôồng. Cạnh đó, huyện còn trang bị một số máy may, máy vắt sổ cho chị em. Nhờ vậy, các thành viên tổ hợp tác có thể tạo ra hàng chục loại sản phẩm thổ cẩm với đầy đủ hoa văn, màu sắc, đường nét, kích cỡ khác nhau. Trích từ nguồn khuyến công, năm vừa qua, Đông Giang tiếp tục hỗ trợ 40 triệu đồng mở lớp đào tạo nâng cao tay nghề cắt may cho các thành viên nhằm đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm thổ cẩm, phù hợp nhu cầu tiêu dùng của khách hàng ở nhiều điểm du lịch tại các địa bàn ngoài huyện. Nỗ lực của địa phương cũng được đền đáp, khi năm 2015 Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Đhrôồng, mẫu nhãn hiệu “COTU YAYA DHROONG” cho 4 nhóm sản phẩm thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu. Đó là điều kiện căn bản để tăng sức cạnh tranh trên thương trường, tránh tình trạng hàng nhái gây ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu.

Tiếp tục hỗ trợ

Năm 2015, Đông Giang đã tổ chức hội thi bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp huyện. Sau đó, địa phương hỗ trợ cho 3 sản phẩm tiêu biểu đạt giải tham gia bình chọn công nghiệp nông thôn cấp tỉnh. Được biết, tổng kinh phí khuyến công theo kế hoạch của huyện năm 2016 gần 236 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Tấn Tuân - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Đông Giang, dù nguồn lực từ khuyến công khá hạn chế, nhưng huyện luôn sử dụng có hiệu quả để tiếp sức các đề án phát triển công nghiệp nông thôn, cơ sở sản xuất. Đơn cử là hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư trang thiết bị, xây dựng và đăng ký thương hiệu sản phẩm. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, huyện triển khai khuyến công cho 3 đề án, gồm hỗ trợ cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm, hỗ trợ máy móc trang thiết bị bảo quản sản phẩm ớt A Riêu cho Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Ma Cooih, hỗ trợ xây dựng và đăng ký thương hiệu sản phẩm cho các cơ sở sản xuất kinh doanh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Về đề án hỗ trợ cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, ngành chức năng đã đồng hành với doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở kinh doanh cá thể, làng nghề tham gia hội chợ tại TP.Tam Kỳ và trung tâm huyện Nam Trà My. Qua đó, các cơ sở có cơ hội nâng cao khả năng tìm kiếm thị trường, tăng doanh thu và giới thiệu các sản phẩm mới như ớt muối A Riêu, chè xanh dạng hạt viên, rượu Ka Kun (Cơ sở sản xuất Hoàng Oanh, thị trấn Prao), đan lát (Tổ hợp tác Quản lý du lịch cộng đồng thôn Bhơ Hôồng 1, xã Sông Kôn), chè dây Ra Zéh (Tổ hợp tác chè dây Ra Zéh, xã Tư)...

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Hồ Quang Minh đánh giá, việc thúc đẩy hoạt động khuyến công, phát triển công nghiệp nông thôn trong 6 tháng qua ở địa phương đã mang lại một số kết quả tích cực, điển hình là hỗ trợ xúc tiến thương mại. Kế hoạch vốn được giao cho cả năm hiện giải ngân đạt 61,9%. Tuy nhiên, việc vận động các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đầu tư ngành nghề mới còn hạn chế. Số lượng cơ sở tham gia xúc tiến chưa nhiều, sản phẩm chưa thật sự đa dạng. Từ nay đến cuối năm 2016, Đông Giang sẽ tiếp tục triển khai thực hiện việc hỗ trợ thiết kế, in nhãn và cung cấp bình mẫu đựng rượu truyền thống cho Tổ hợp tác Quản lý du lịch cộng đồng thôn Bhơ Hôồng 1 và Cơ sở sản xuất Hoàng Oanh, tạo đòn bẩy phát triển cho các sản phẩm mang tính đặc trưng và có tiềm năng của địa phương. Cạnh đó, khâu đào tạo nghề làm sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch cũng sẽ tiến hành đồng thời. Chính quyền Đông Giang kỳ vọng, mẫu mã sản phẩm mây tre đan phục vụ du khách tại 2 làng nghề du lịch cộng đồng thuộc địa bàn thôn Đhrôồng và thôn Bhơ Hôồng1 sẽ ngày càng đa dạng thông qua khóa học được tổ chức lần này.

CÔNG TÚ

CÔNG TÚ