Khó kiểm soát các cơ sở giết mổ

MAI NHI - GIANG BIÊN 24/06/2016 08:02

Đưa gia súc, gia cầm vào những điểm giết mổ tập trung được xem là yêu cầu bức thiết nhằm hạn chế tình trạng kinh doanh và sử dụng thực phẩm bẩn, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thực tế tại huyện Thăng Bình cho thấy, việc triển khai thực hiện trong thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập…

Ế ẩm khu giết mổ tập trung

Cách đây hơn 2 năm, Hợp tác xã Nông nghiệp Bình An 2 (xã Bình An, huyện Thăng Bình) tiến hành xây dựng khu giết mổ tập trung. Theo phương án sắp xếp của địa phương, cơ sở này là đầu mối chính để đưa những điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ nằm rải rác trong các khu dân cư thuộc địa bàn 3 xã Bình An, Bình Nam, Bình Quế thường gây ô nhiễm môi trường và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào hoạt động. Thế nhưng, có một thực tế là thời gian qua khu giết mổ tập trung này không phát huy hiệu quả khiến chủ đầu tư thua lỗ nặng.

Ông Võ Văn Hòa - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bình An 2 cho biết, theo Quyết định số 189/QĐ-UBND (ngày 2.2.2015) của UBND huyện Thăng Bình, khu giết mổ tập trung do đơn vị quản lý sẽ đảm nhận việc phục vụ giết mổ gia súc cho các chủ cơ sở nhỏ lẻ ở 3 địa phương nêu trên. Tuy nhiên, sổ theo dõi chi tiết việc nhập - xuất động vật hằng ngày của hợp tác xã này, không hề có thông tin về việc các chủ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ ở xã Bình Nam và Bình Quế đưa gia súc vào giết mổ. Theo lời ông Hòa, bình quân mỗi đêm khu giết mổ tập trung của hợp tác xã chỉ giết thịt khoảng 2 - 3 con heo của vài chủ cơ sở nhỏ lẻ ở địa phương, còn lại các nơi khác thì hầu như không có. “Nếu tính mức cao nhất là mỗi đêm đơn vị chúng tôi giết mổ 4 con heo thì tổng số tiền thu về từ phí dịch vụ chỉ có 108 nghìn đồng. Trong khi đó, chi phí điện nước, than củi và nhân lực đã tốn 127 nghìn đồng. Thu không đủ chi nên lâu nay hợp tác xã phải bù lỗ. Trước tình hình đó, chúng tôi đã nhiều lần gửi tờ trình đề nghị các đơn vị liên quan cho khu giết mổ tập trung này tạm ngừng hoạt động nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết” - ông Hòa nói.

Thịt bày bán ở các chợ khó đảm bảo chất lượng khi việc kiểm soát giết mổ chưa chặt chẽ.Ảnh: B.N
Thịt bày bán ở các chợ khó đảm bảo chất lượng khi việc kiểm soát giết mổ chưa chặt chẽ.Ảnh: B.N

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây toàn xã Bình An có 5 cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ. Khi có chủ trương của UBND tỉnh và huyện Thăng Bình, chính quyền địa phương nhiều lần tổ chức gặp mặt các chủ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ để tuyên truyền, vận động đưa gia súc vào giết thịt tại khu tập trung của Hợp tác xã Nông nghiệp Bình An 2. Ông Hòa cho hay, trong số 5 cơ sở nhỏ lẻ vừa nêu, đến nay đã có 4 cơ sở đưa gia súc vào giết mổ tại khu tập trung của hợp tác xã. Tuy nhiên, mỗi đêm 4 chủ cơ sở nhỏ lẻ đó đưa vào khu tập trung của đơn vị mình giết thịt 2 - 4 con heo là quá ít, vì thực tế cho thấy lượng thịt heo tiêu thụ hằng ngày tại chợ Quán Gò của xã Bình An là khá lớn. Từ vấn đề ông Hòa nói, liệu rằng có xảy ra chuyện các chủ cơ sở nhỏ lẻ này đưa heo vào giết thịt tại khu tập trung chỉ nhằm mục đích đối phó, còn họ vẫn giết mổ tại nhà để đỡ tốn công vận chuyển và giảm bớt một phần chi phí?

Chế tài không đủ sức răn đe

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết trên địa bàn xã Bình Quế có tổng cộng 10 điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ. Theo phương án quy hoạch, sắp xếp của UBND huyện Thăng Bình thì tất cả những điểm giết mổ này phải di dời vào khu tập trung của Hợp tác xã Nông nghiệp Bình An 2 hoạt động. Tuy nhiên, hầu hết các chủ cơ sở vẫn không chấp hành chủ trương trên. Điều đáng nói nữa là, mặc dù hơn 2 năm nay con dấu kiểm dịch của địa phương này đã được các cơ quan chức năng thu hồi nhưng hằng ngày tại chợ Đo Đo thuộc xã Bình Quế vẫn bày bán tràn lan thịt heo. Bà Phạm Thị Ân - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Quế thừa nhận, việc các hộ giết mổ nhỏ lẻ ở địa phương không đưa gia súc vào giết mổ tại khu tập trung của Hợp tác xã Nông nghiệp Bình An 2 là có thật. Theo bà Ân, thời gian qua UBND xã Bình Quế đã nhiều lần mời các hộ giết mổ nhỏ lẻ đến để vận động thực hiện nghiêm chủ trương của cấp trên nhưng phần lớn đều kiên quyết phản đối với lý do là khu giết mổ tập trung nằm quá xa nhà họ, cách khoảng 6 - 7km. Trước đó, UBND xã Bình Quế cũng đã có ý định xây dựng khu giết mổ tập trung ngay tại địa phương nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai vì thiếu nguồn lực tài chính. Bà Ân nói: “Những năm qua, UBND xã Bình Quế cũng thường xuyên phối hợp với đội liên ngành của huyện tiến hành kiểm tra các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ và việc buôn bán thịt gia súc tại chợ. Tuy nhiên, khi phát hiện vi phạm thì chỉ xử phạt hành chính chứ không có chế tài mạnh như tịch thu sản phẩm thịt hoặc cấm giết mổ, buôn bán để đủ sức răn đe”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Thanh Việt - Trưởng trạm Thú y Thăng Bình cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, mấy năm gần đây, ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương ở huyện đã nỗ lực sắp xếp lại những cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm theo hướng tập trung. Thực tế cho thấy, có nhiều chủ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chấp hành tốt chủ trương này nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ chẳng chịu đưa gia súc vào các khu giết mổ tập trung hoặc có tham gia nhưng chỉ mang tính đối phó để qua mặt cơ quan chức năng rồi tiến hành mổ “chui” tại nhà. Ông Việt cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân khiến thời gian qua việc đưa những điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trên địa bàn huyện Thăng Bình vào các khu giết mổ tập trung đã được xây dựng gặp khó khăn. Trong đó, lý do cơ bản là sự vào cuộc của các đơn vị liên quan, nhất là chính quyền cơ sở chưa thực sự quyết liệt; công tác quản lý địa bàn, quản lý khâu giết mổ và kinh doanh sản phẩm thịt gia súc, gia cầm ở các chợ không chặt chẽ. Đặc biệt, việc xử lý vi phạm hành chính thiếu tính kiên quyết, thậm chí có nhiều địa phương khi đội kiểm tra liên ngành của huyện bàn giao hồ sơ vi phạm hành chính thì không xử lý hoặc có xử lý nhưng không đạt yêu cầu, không đúng quy định...

MAI NHI - GIANG BIÊN

MAI NHI - GIANG BIÊN