Hành trình "Craft in Quảng Nam"

VĨNH LỘC 20/06/2016 12:57

Ba mươi bốn sản phẩm thủ công mỹ nghệ đầu tiên đã được Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ tỉnh lựa chọn dán “Con dấu xác thực - Craft in Quảng Nam” sau hơn 2 tháng tuyển chọn, mở ra triển vọng đưa sản phẩm làng nghề có được chỗ đứng trên thị trường.

Sản phẩm đặc thù

Năm 2012, trên cơ sở hoạt động của dự án “Hỗ trợ phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững miền Trung Việt Nam” với sự hỗ trợ của 2 tổ chức ILO và UNESCO, việc hình thành “Con dấu xác thực” cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã được Sở Công Thương, Sở VH-TT&DL, Liên minh Hợp tác xã và Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Quảng Nam phối hợp triển khai. Qua nhiều cuộc hội thảo, đóng góp ý kiến, đến năm 2013 mẫu thiết kế “Con dấu xác thực” với biểu tượng hình trái tim cách điệu đã ra đời. Đến tháng 5.2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1619 về Quy chế quản lý và sử dụng “Con dấu xác thực” với các tiêu chí cụ thể, chính thức mở đường cho việc ra đời của “Con dấu xác thực”. Theo ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương), việc ra đời “Con dấu xác thực” sẽ giúp các cơ sở làng nghề thủ công mỹ nghệ phát triển và củng cố vị thế của mình trên thị trường trước những cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập. “Phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ là rất cần thiết, không chỉ có ý nghĩa bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc mà còn là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương giai đoạn hiện nay. Vì vậy, “Con dấu xác thực” cũng chính là công cụ hỗ trợ cho sự phát triển của sản phẩm thủ công mỹ nghệ một cách khoa học và bền vững nhất” - ông Thông nói.

Dán “Con dấu xác thực” lên sản phẩm sẽ giúp du khách phân biệt được sản phẩm địa phương với các sản phẩm ngoại nhập. Ảnh: V.LỘC
Dán “Con dấu xác thực” lên sản phẩm sẽ giúp du khách phân biệt được sản phẩm địa phương với các sản phẩm ngoại nhập. Ảnh: V.LỘC


Việc ra đời “Con dấu xác thực” đã đưa Quảng Nam trở thành một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai dán tem trên sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Thông qua “Con dấu xác thực” sẽ chứng minh nguồn gốc của món quà lưu niệm, giúp khách lựa chọn đúng sản phẩm sản xuất tại địa phương, tránh nhầm lẫn với sản phẩm bên ngoài. Ông Nguyễn Văn Tiếp - Chủ tịch Hiệp hội thủ công mỹ nghệ Quảng Nam cho rằng, mỗi sản phẩm thủ công mỹ nghệ là kết tinh của quá trình lao động vật chất và tinh thần bởi đôi bàn tay tài hoa và khối óc sáng tạo của người thợ thủ công. Vì vậy mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật chứa đựng những nét văn hóa đặc sắc của vùng miền, địa phương và dân tộc, nên việc ra đời “Con dấu xác thực” không chỉ có ý nghĩa bảo tồn mà còn thúc đẩy các sản phẩm thủ công, làng nghề phát triển. “Với những đặc điểm đặc biệt ấy, chúng không chỉ là hàng hóa đơn thuần mà đã trở thành sản phẩm văn hóa có tính nghệ thuật cao và được coi là biểu tượng nghề truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng” - ông Tiếp khẳng định.      

Khởi đầu cho một thương hiệu

Các tiêu chí để sản phẩm được cấp “Con dấu xác thực”

* Tiêu chí số 1: Có ít nhất 50% chi phí lao động bằng thủ công; tổ chức, cá nhân tổ chức sản xuất tại Quảng Nam và có ít nhất 50% lao động là công dân Quảng Nam.
* Tiêu chí  số 2: Có ít nhất 50% chi phí cho mua nguyên liệu sản xuất được thanh toán cho tập thể, cá nhân, doanh nghiệp đang tổ chức sản xuất tại Quảng Nam; nguyên liệu được phép lưu hành trên thị trường hoặc có nguồn gốc xuất xứ; sản phẩm thủ công mỹ nghệ có nguồn gốc từ nông sản, sản xuất tại Quảng Nam được ưu tiên trong quá trình xét chọn.
* Tiêu chí số 3: Các sản phẩm không được gây ảnh hưởng đến tôn giáo, văn hóa, đạo đức và chính trị; sản phẩm thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống của Quảng Nam được ưu tiên trong quá trình xét chọn.
* Tiêu chí số 4: Người nộp đơn phải kê khai trung thực, tuân thủ đúng các yêu cầu đã ghi trong đơn và các yêu cầu của cơ quan quản lý con dấu về đạo đức và môi trường; có tinh thần, trách nhiệm tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; sản phẩm đạt giải công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh hoặc khu vực được ưu tiên trong quá trình xét chọn.

Có thể nhận thấy, 34 sản phẩm của 12 cơ sở sản xuất, làng nghề là quá ít trong tổng số gần 100 cơ sở, làng nghề ở Quảng Nam. Tuy nhiên, ông Tiếp cho rằng đây mới chỉ là vòng tuyển chọn đầu tiên nhằm “đánh động” sự quan tâm của du khách và các cơ sở sản xuất làng nghề về sự ra đời của “Con dấu xác thực”. Thực tế cho thấy, dù mới qua hai tháng phát động nhưng đã nhận được sự hưởng ứng của hơn 100 sản phẩm của hàng chục cơ sở làng nghề đăng ký gửi sản phẩm tham gia, điều đó cũng đã thể hiện sự nỗ lực và thành công lớn.

Tại hội thảo tổng kết vòng tuyển chọn đầu tiên các sản phẩm thủ công được trao quyền sử dụng “Con dấu xác thực” và gặp gỡ các công ty lữ hành, khách sạn trên địa bàn tỉnh, bên cạnh khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ban hành “Con dấu xác thực” thì nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn như: sự minh bạch trong quản lý con dấu, cơ chế kiểm soát việc dán dấu; chất lượng mẫu mã chưa đa dạng, kém sắc sảo; kích thước sản phẩm lớn khó vận chuyển; chưa mang tính hàng hóa, khó sản xuất hàng loạt… Ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc nhà hàng Phố Trăng (Hội An) đề xuất, cần đưa yếu tố thân thiện với môi trường của vật liệu sản xuất vào trong tiêu chí sản phẩm vì khách nước ngoài rất quan tâm đến điều này. Ngoài ra, đội ngũ thiết kế mẫu mã tại nhiều cơ sở cũng còn yếu nên khó đáp ứng được các yêu cầu về đơn đặt hàng của doanh nghiệp du lịch. “Trong số 34 sản phẩm được dán con dấu xác thực lần này, ngoài vài sản phẩm có thể làm quà tặng lưu niệm bán cho khách, hầu hết còn lại cần nghiên cứu thêm do không thể sản xuất hàng loạt nên khó đáp ứng về tiêu chí hàng hóa” - ông Thanh phân tích.   

Một số sản phẩm được chọn dán “Con dấu xác thực” trong đợt này.
Một số sản phẩm được chọn dán “Con dấu xác thực” trong đợt này.

Bà Trần Thị Thu Thủy, đại diện cho tổ chức UNESCO thừa nhận, hiện vẫn còn nhiều điều cần hoàn thiện thêm. Tuy vậy, không phủ nhận việc lần đầu tổ chức chọn lựa và dán nhãn “Con dấu xác thực” cho 34 sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã là sự thành công lớn. Kế hoạch tiếp theo, ngoài hoàn thiện bộ máy quản lý và cơ chế hoạt động; mở rộng sự tham gia của các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ tại Quảng Nam thì điều cấp thiết là phối hợp với các bên liên quan để quảng bá cho du khách biết “Con dấu xác thực” này. Trong đó, vai trò của các doanh nghiệp du lịch như nhà hàng, khách sạn và các cơ quan truyền thông báo chí là rất quan trọng nhằm giúp xây dựng thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Quảng Nam đến với du khách. “Dù mới chỉ là bước đầu nhưng thông qua các hoạt động tuyên truyền, quảng bá từ nhiều kênh khác nhau, chúng tôi kỳ vọng việc triển khai “Con dấu xác thực” này sẽ được đông đảo cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và du khách biết đến và hưởng ứng để góp phần xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ Quảng Nam trong thời gian tới” - bà Thủy nói.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC