Áp lực du lịch lên di sản
Đầu tư hạ tầng, mở rộng không gian du lịch, tăng cường ý thức của người dân và du khách… là những giải pháp bước đầu nhằm giảm thiểu áp lực du lịch tại Hội An.
Du lịch tác động lên di sản là điều không hề mới mẻ ở Hội An, tuy vậy để giải quyết triệt để vấn đề này dường như không hề đơn giản, đòi hỏi cần nhiều thời gian và nguồn lực.
Quá tải di sản
Kể từ khi đô thị cổ Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1999), thương hiệu du lịch Hội An đã được du khách trong nước và quốc tế biết đến khá nhiều. Cùng với đó lượng khách đổ về đây tăng cao, bình quân 15 - 20%/năm, riêng năm 2015 Hội An đã đón 2,152 triệu lượt khách đến tham quan lưu trú, giúp tạo ra nhiều sinh kế và thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy các ngành thương mại dịch vụ phát triển.
Tính đến hết năm 2015 ngành thương mại dịch vụ đã chiếm gần 68% trong cơ cấu kinh tế Hội An, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Tuy vậy, không phủ nhận du lịch phát triển cũng gây nhiều áp lực lên di sản, tác động mạnh mẽ đến môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Tình trạng gia tăng rác thải, nước thải từ dân sinh và hoạt động du lịch khiến vấn đề ô nhiễm môi trường trong phố và khu vực chùa Cầu, sông Hoài… ngày càng nghiêm trọng. Cùng với đó, sự chuyển dịch lao động từ các ngành nghề và từ các vùng miền khác đổ về Hội An làm tăng áp lực trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống.
Lượng du khách tăng cao gây áp lực lên phố cổ. |
Theo ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VHTT TP.Hội An, hiện Di sản Hội An đang đối mặt với 2 áp lực. Đó là lượng người vào phố cổ quá đông, nhất là thời điểm buổi chiều và tối, trong khi sức chứa của phố cổ có hạn. Áp lực thứ hai chính là sự thay đổi chủ sở hữu trong phố cổ dẫn đến một số giá trị văn hóa không phải của Hội An du nhập vào gây tác động ít nhiều đến nếp sống, lối sống, làm mất dần “chất Hội An”. “Bây giờ Hội An đã trở thành tên tuổi được cả thế giới biết đến. Chính vì vậy, phải đặt bài toán dự lường cho những năm tới về các áp lực của di sản để biết cách ứng phó, hạn chế những bất cập làm phá vỡ kiến trúc, văn hóa của phố cổ” - ông Phùng nói.
Đồng tình với nhận xét trên, ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, quá trình phát triển bao giờ cũng có 2 mặt, bên cạnh cái được là phát huy giá trị tài nguyên để phục vụ cho phát triển, trùng tu di sản, cộng đồng có nhu nhập, nâng cao mức sống người dân thì tác động lên di sản là không tránh khỏi. Khách đông, không gian di sản không còn yên tĩnh, sự phục vụ cũng không tốt, tài nguyên có nguy cơ cạn kiệt, rác thải, tiếng ồn… cũng nhiều hơn. “Đây là câu chuyện UNESCO thường xuyên khuyến cáo. Việc phát triển du lịch dẫn đến áp lực về môi trường là khó tránh khỏi, vấn đề ở chỗ làm sao giảm thiểu, nâng cao nhận thức và cách ứng xử trong doanh nghiệp, người dân và cả du khách đối với môi trường và các giá trị di sản” - ông Cường phân tích.
Đầu tư hạ tầng, mở rộng không gian du lịch
Thời gian qua bên cạnh xây dựng những dự án tổng thể, TP.Hội An cũng đề ra nhiều giải pháp mang tính cấp thiết như tăng thời gian tham quan phố cổ ban đêm từ 9 giờ lên 10 giờ nhằm dãn lượng người tham quan; di dời các phương tiện giao thông, kinh doanh buôn bán không phù hợp ra bên ngoài, hạn chế tối đa những hoạt động gây ồn trong phố cổ, để phố thật sự yên tĩnh. Cùng với đó, việc mở rộng không gian phố cổ về hướng đông, đưa chợ Hội An vào khu vực phố đi bộ và chợ ban đêm để tổ chức một số hoạt động ẩm thực, bán hàng lưu niệm cũng đang được tính toán. Đặc biệt, với việc mở rộng không gian du lịch ra bên ngoài đến các làng nghề, làng quê, biển đảo cũng đã mang lại những kết quả tích cực.
Cần mở rộng không gian du lịch ra vùng ven. |
Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND TP.Hội An, câu chuyện bảo tồn và phát triển luôn là vấn đề được thành phố quan tâm tại các cuộc hội nghị, hội thảo, các nhà nghiên cứu cũng như cơ quan làm công tác bảo tồn. “Hiện 95 nghìn dân của Hội An chờ những quyết sách của tỉnh của thành phố để vừa bảo tồn nhưng vừa đảm bảo được sự phát triển không chỉ trong khu vực trung tâm của thành phố mà ngay cả biển, hải đảo, vùng nông thôn” - ông Dũng chia sẻ.
Áp lực hiện nay của thành phố chủ yếu tập trung 3 vấn đề là hạ tầng, xã hội và môi trường. Để đảm bảo sự phát triển hài hòa bền vững giữa bảo tồn và phát triển, bên cạnh tăng cường công tác kiểm tra, quy hoạch lại các hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp thì thành phố cũng tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, trung ương và các tổ chức quốc tế để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Đến nay, một số dự án đã được xây dựng và đưa vào sử dụng tại Hội An như nhà máy xử lý rác công suất 55 tấn ngày; lò đốt rác thải ở Cẩm Hà công suất 4 tấn/giờ. nhà máy xử lý nước thải Cẩm Thanh 700m3 (chuẩn bị hoàn thành). Đặc biệt, tổ chức JICA (Nhật Bản) đã tài trợ cho Hội An khoảng 223 tỷ đồng để xử lý nước thải Chùa Cầu, công suất 2.000m3/ngày, đêm, dự kiến triển khai xây dựng đầu tháng 1.2017. Ngoài ra, thành phố cũng đang đặt ra vấn đề làm các nhà máy xử lý nước thải cụm tại các khu dân cư nhằm hạn chế tối đa nước thải ra môi trường.
“Chúng tôi cũng đang từng bước khắc phục những áp lực về môi trường xã hội thông qua việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, nâng cao ý thức người dân, du khách và doanh nghiệp nhằm hướng đến môi trường văn hóa du lịch Hội An an toàn trong sạch và đảm bảo” - ông Dũng nói.
Ông Huỳnh Tấn Bình – Giám đốc Công ty CP Hội An Focus:
Hội An đang “gặm nhấm” lịch sử
So với nhiều di sản khác trên thế giới thì Đô thị cổ Hội An mới chỉ được UNESCO công nhận mười mấy năm; quá trình phát triển du lịch cũng chỉ diễn ra chừng đó năm nên chúng ta cần đánh giá đúng vị trí của Hội An nằm ở đâu trên bản đồ du lịch thế giới. Tôi có cảm giác, hiện nay chúng ta đang “ngặm nhấm” vào giá trị lịch sử của phố cổ chứ chưa làm được điều gì để bồi đắp thêm cho các giá trị lịch sử văn hóa đó.
Hội An đã từng chứng kiến sự hiện diện của người Bồ Đồ Nha, Trung Hoa, Nhật Bản… nhưng thử hỏi khách Bồ Đồ Nha, Trung Hoa hay kể cả Nhật Bản đến đây sẽ cảm nhận được điều gì về mảnh đất nơi cha ông họ đã từng giao thương, sinh sống hay đúng hơn là nhìn lại lịch sử của họ, ngoại trừ một chùa Cầu của người Nhật Bản. Vì vậy, chúng ta phải “tái tạo” lịch sử để rồi 100 năm sau những công trình này cũng sẽ là một sản phẩm văn hóa, du lịch mang giá trị lịch sử, nếu không 10 năm, 20 năm sau Hội An cũng chỉ là một thoáng qua trong mắt khách mà thôi.
Ông Nguyễn Văn Thanh – Giám đốc Nhà hàng Phố Trăng:
Kiểm tra sức chứa di sản
Hiện nay môi trường hoạt động kinh doanh du lịch của Quảng Nam tập trung chủ yếu ở Hội An và Mỹ Sơn. Nhưng sức chứa của Hội An không thể đủ cho một lượng khách gia tăng quá nhanh, dẫn đến các dịch vụ du lịch cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu của khách được nên chúng ta phải chọn một dòng sản phẩm nào đó, đồng thời phải phân luồng thị trường ra, khách châu Âu phù hợp thị trường nào, khách châu Á phù hợp thị trường nào, khách Việt Nam phù hợp thị trường nào. Cách phân luồng này sẽ giảm được sức ép không cần thiết cho di sản hiện nay.
Riêng với môi trường xã hội, nếu muốn quản lý thì chúng ta phải hiểu được tất cả mô hình làm ăn của các doanh nghiệp du lịch. Tôi có cảm nhận rằng, quản lý nhà nước chúng ta chưa hiểu được doanh nghiệp. Chúng ta không biết những công ty khai thác khách thị trường châu Âu thì làm thế nào, khách thị trường châu Á thì làm thế nào, khách “ba lô” là như thế nào… Vì vậy, để phát triển bền vững chúng ta nên tham vấn tiếng nói từ chuyên gia và ý kiến của người dân địa phương. Đơn cử chỉ nhìn vào lượng khách trong phố cổ Hội An nhưng có người nói chưa đủ, có người nói quá nhiều thì chúng ta hãy thử hỏi người dân Hội An và lắng nghe ý kiến họ.
Chúng ta cần tổ chức một hội thảo về sức chứa của phố cổ Hội An, kể cả Cù Lao Chàm với sự tham dự của các chuyên gia và nhà quản lý, đưa ra các thông số kỹ thuật để biết xem sức chứa của các di sản này bao nhiêu là đủ.
Ông Trần Lực – Phó giám đốc Công ty du lịch Saigontourist, chi nhánh Đà Nẵng:
Mở rộng không gian ra vùng ven
Hiện nay, Hội An chịu 2 áp lực lớn trong phát triển du lịch là sạt lở tại các khu vực bờ biển Cửa Đại và phát triển nóng tại trung tâm phố. Phải thẳng thắn nhìn nhận là phố cổ đã quá tải, trong khi xu hướng khách hiện nay, nhất là khách châu Âu thích sự yên tĩnh. Do đó, sự gia tăng khách quá đông tại trung tâm phố về lâu dài sẽ tạo nên phản ứng ngược đối với đối tượng khách này.
Hãy tưởng tượng khách sẽ chán đến mức nào khi đến Hội An du lịch trong lúc bờ biển không còn, trong phố thì ồn ào bát nháo. Lúc đó, Hội An trong mắt khách chắc chắn sẽ không còn là điểm thú vị để nghỉ ngơi hoặc trải nghiệm các giá trị văn hóa, lịch sử mà là một sự xô bồ hỗn loạn. Có thể điều này bây giờ chưa diễn ra mạnh mẽ, nhưng hãy nghĩ đến 10 năm hoặc 20 năm nữa thì sẽ như thế nào.
Quan điểm của tôi là nên mở rộng không gian du lịch ra ngoài vùng ven đến các vùng quê để giãn khách và giải tỏa áp lực lên phố. Tất nhiên, thời gian qua điều này đã được thành phố làm rồi nhưng như vậy vẫn chưa đủ, vì quá trình mở rộng không gian phải gắn với phát triển dịch vụ, hạ tầng cũng như đảm bảo về an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường chứ không phải là sự mở rộng tự phát mạnh ai nấy làm như hiện nay. GIA KHANG (ghi)
VĨNH LỘC