Festival di sản - Cơ hội quảng bá du lịch

KHÁNH LINH 20/06/2016 09:14

Với chủ đề “Quảng Nam - Hành trình kết nối di sản hướng đến phát triển bền vững”, Festival di sản Quảng Nam lần thứ VI năm 2017 hứa hẹn mang đến cho du khách và bạn bè thế giới thưởng lãm những giá trị văn hóa đặc trưng của Quảng Nam và Việt Nam, góp phần thúc đẩy du lịch địa phương trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Phong phú chương trình

Festival di sản Quảng Nam lần thứ 6.2017 dự kiến diễn ra trong tháng 6.2017 với rất nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Có thể kể đến như: Giao lưu giữa Quảng Nam với các thành phố di sản trên thế giới và giữa Quảng Nam với các thành phố di sản ở Việt Nam; Giao lưu với các tỉnh, thành phố nước ngoài kết nghĩa, có quan hệ hợp tác với tỉnh Quảng Nam và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; Hội thi hợp xướng quốc tế; Liên hoan hô hát bài chòi; Ngày hội cây Nêu các dân tộc Việt Nam; Giao lưu, trưng bày, giới thiệu, triển lãm chuỗi di sản văn hóa tháp Chăm các tỉnh miền Trung; Triển lãm “Di sản văn hóa biển, đảo Việt Nam”. Các số hoạt động thể thao, du lịch cũng được tổ chức như: Giải đua thuyền buồm Việt Nam mở rộng; đua thuyền Kayak; Giải golf; Giải bóng chuyền bãi biển toàn quốc; Diễn đàn du lịch miền Trung - Tây Nguyên; Tổ chức đoàn famtrip và fresstrip về các huyện trong tỉnh; khai trương các sản phẩm du lịch mới. Ngoài ra, trong khuôn khổ festival cũng diễn ra nhiều hoạt động chuyên ngành như: Hội thảo xúc tiến đầu tư Quảng Nam và tổ chức gặp gỡ ngoại giao đoàn; Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam; Chương trình “415 năm dấu ấn Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ”; Festival tơ lụa và thổ cẩm Việt Nam và thế giới; Hành trình xe cổ…

Festival lần thứ 6 là cơ hội giới thiệu di sản Quảng Nam, từ di sản đô thị, di sản của các dân tộc thiểu số đến di sản văn hóa biển đảo…
Festival lần thứ 6 là cơ hội giới thiệu di sản Quảng Nam, từ di sản đô thị, di sản của các dân tộc thiểu số đến di sản văn hóa biển đảo…

Nét mới của festival lần này bên cạnh nhiều hoạt động diễn ra cùng lúc trên một không gian rộng và kéo dài từ đồng bằng đến miền núi, điểm nhấn của lễ hội chính là chương trình Giao lưu với các thành phố di sản trên thế giới, ước tính sẽ có 10 - 12 thành phố tham gia. Bao gồm: Luang Prabang (Lào); Siem Reap (Campuchia); Di sản Malacca và George Town (Malaysia); cố đô Kyoto (Nhật Bản); làng dân gian Hahoe và Yangdong (Hàn Quốc);  cố đô Ayutthaya (Thái Lan); Nhà hát Opera Sydney (Nhà hát Con Sò, Úc); Di sản Trung tâm lịch sử của Saint-Peterburg và nhóm các di tích liên quan (Liên bang Nga); phố cổ Regensburg và Stadtamhof (Cộng hòa Liên bang Đức); Di sản Quận At-Turaif tại thành phố Dir’iyah (Ả Rập Xê Út); thành phố cổ Québec (Canada); Di sản Thành phố hội chợ thời Trung cổ ở Provins (Pháp); Hoàn Nam cổ thôn (Trung Quốc)… Ngoài ra, khoảng 8 - 10 địa phương có di sản thế giới của Việt Nam là Hà Nội, Hà Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Cần Thơ... cũng sẽ tham gia trưng bày, giới thiệu hình ảnh, hiện vật, phim ảnh và trình diễn, giao lưu văn hóa đặc sắc cũng như trình diễn trang phục dân tộc, biểu diễn nghệ thuật của địa phương và dân tộc mình trên đường phố Hội An.

Bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch

Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL, Quảng Nam là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, nơi hội tụ các di sản văn hóa và thiên nhiên được UNESCO ghi danh. Vì vậy, mục đích festival hướng đến không ngoài quảng bá những di sản có giá trị toàn cầu và những nét văn hóa đặc trưng của địa phương. Đặc biệt, quá trình giao lưu cũng sẽ giúp trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa giữa các địa phương trong nước, giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, qua đó thúc đẩy phát triển du lịch và thu hút đầu tư vào Quảng Nam. “Có thể nói, qua 5 kỳ tổ chức, Festival Di sản Quảng Nam đã trở thành cầu nối đưa hình ảnh Quảng Nam đến gần hơn với du khách và các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, mở rộng giao lưu văn hóa trong nước và quốc tế, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới” - ông Hài cho biết.

Trọng tâm của festival lần này là giới thiệu di sản đô thị, di sản của các dân tộc thiểu số đến di sản văn hóa biển đảo… hướng đến bảo tồn văn hóa và phục vụ du lịch. Thực tế qua nhiều kỳ lễ hội cho thấy, festival luôn là cơ hội giới thiệu tiềm năng, lợi thế của địa phương đến du khách gần xa. Tại TP.Hội An, nơi diễn ra nhiều hoạt động chính, lễ hội sẽ giúp khuếch trương hình ảnh của địa phương với những giá trị văn hóa tiêu biểu. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nhìn nhận, dù đến nay công tác chuẩn bị mới chỉ bắt đầu nhưng thành phố sẽ làm hết sức mình để góp phần vào sự thành công chung của lễ hội. “Thông qua festival lần này, với các chương trình tọa đàm về bảo tồn, phát huy giá trị di sản các đô thị cổ cũng như việc ký kết văn kiện hợp tác thành lập Câu lạc bộ các thành phố di sản sẽ giúp Hội An có thêm kinh nghiệm để làm tốt hơn công tác bảo tồn cũng như phát triển du lịch trong tương lai” - ông Sơn kỳ vọng.

KHÁNH LINH

KHÁNH LINH