Xử lý dứt điểm kiến nghị của doanh nghiệp

TRỊNH DŨNG 08/06/2016 08:38

Kiến nghị của 2 nhà đầu tư tham dự cuộc tiếp xúc định kỳ tháng 6.2016 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng chủ trì chiều 6.6 đã được giải quyết nhanh, gọn, hợp lý.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng điều hành phiên họp tiếp xúc doanh nghiệp thường kỳ tháng 6.2016. Ảnh: T.D
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng điều hành phiên họp tiếp xúc doanh nghiệp thường kỳ tháng 6.2016. Ảnh: T.D

Kiến nghị gỡ khó

Năm năm dài không thể đưa dự án vào sản xuất là câu chuyện được Công ty CP Đầu tư Toàn Phát nêu tại cuộc gặp gỡ này. Ông Trịnh Anh Toàn - Giám đốc Công ty CP Đầu tư Toàn Phát cho hay, năm 2010 công ty triển khai đầu tư dự án nhà máy sản xuất cao su tái sinh và băng tải tại Cụm công nghiệp Đại Đồng 2 (Đại Lộc). Doanh nghiệp đã tiến hành lập các thủ tục đầu tư khác về bồi thường, giải phóng mặt bằng, đồng thời ứng kinh phí bồi thường cho Đại Lộc năm 2011. Tuy nhiên, cho đến cuối năm 2014, Trung tâm Phát triển quỹ đất Đại Lộc mới bàn giao khoảng 70% mặt bằng. Đầu năm 2015, trong quá trình thi công, san lấp mặt bằng giai đoạn 1, vẫn còn tồn tại nhiều mồ mả chưa được kiểm kê, đưa vào phương án bồi thường nên đến cuối năm 2015, vẫn chưa thể quyết toán kinh phí bồi thường để lập hồ sơ thuê đất đầu tư dự án theo đúng quy định. Sự chậm trễ này kéo theo việc đầu tư cấp điện dở dang, không đáp ứng được nhu cầu điện cho xây dựng cũng như điện sản xuất của nhà máy. Không thể chờ đợi hơn nữa, đầu năm 2016, doanh nghiệp này quyết định đề nghị quyết toán kinh phí bồi thường, lập hồ sơ thuê đất đầu tư, nhưng “quyết định” này của doanh nghiệp đã bị bác bỏ vì tất cả văn bản pháp lý liên quan đến đầu tư dự án đều đã quá hạn. Lỗi chậm trễ này không thuộc về chủ đầu tư, nhưng dự án không thể triển khai được đã buộc doanh nghiệp không còn cách nào khác là đề nghị lên UBND tỉnh xem xét cho phép gia hạn giấy chứng nhận đầu tư, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án và gia hạn một số thủ tục khác có liên quan để công ty triển khai nhanh dự án, sớm đi vào hoạt động sản xuất. “Gặp quá nhiều vướng mắc kéo dài nhiều năm. Nhiều lúc công ty đã có ý bỏ cuộc, không thực hiện dự án vì thời gian chậm trễ đã làm mất đi cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp…” - ông Trịnh Anh Toàn nói

Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nam Đà Thành đang thực hiện dự án khu dân cư Thống Nhất tại phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn). Dự án có diện tích 20,8ha (giai đoạn 1 khoảng 9ha) do công ty này làm chủ đầu tư với mục đích phục vụ nhu cầu tái định cư, nhưng không thể thực hiện được nên đã chuyển dự án sang phát triển bất động sản, cung cấp 226 lô đất thương mại để chuyển nhượng quyền sử dụng đất và 72 lô phục vụ tái định cư với tổng vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, và dự án cũng đang vướng mắc về chi phí của các chủ đầu tư cũ. Ông Trần Văn Cường - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nam Đà Thành kiến nghị UBND tỉnh xem xét xác định cụ thể số tiền của Sở GTVT và UBND thị xã Điện Bàn bỏ ra chi phí đầu tư để công ty có đủ cơ sở chi trả và đưa vào chi phí để tính giá đất, triển khai dự án.

Cam kết giải quyết cho doanh nghiệp

Ông Đoàn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc nói việc chậm tiến độ thực hiện dự án của Công ty CP Đầu tư Toàn Phát, dẫn đến các văn bản pháp lý của dự án hết hiệu lực là do sự thiếu hợp tác của các hộ dân trong vùng dự án và sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các cơ quan công quyền địa phương. “Thủ tục đất đai (thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất…) đều đã được đảm bảo để lập hồ sơ trình UBND tỉnh cho thuê đất, thực hiện dự án, tiến độ chậm là do trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, nên đề nghị UBND tỉnh cho phép gia hạn dự án đầu tư này” - ông Quang nói. Các cơ quan quản lý (Sở KH&ĐT, Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài chính) đều cho rằng sẽ nhanh chóng hướng dẫn cho Toàn Phát. Chỉ cần nộp đủ hồ sơ thì sau 3 ngày làm việc, nhà đầu tư sẽ có ngay các giấy tờ pháp lý mới để triển khai các hoạt động đầu tư. Thậm chí Toàn Phát không cần phải làm lại đánh giá tác động môi trường cũng có thể triển khai dự án. Riêng Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nam Đà Thành, những cơ quan liên quan cho rằng nhà đầu tư cần nộp tiền vào tài khoản tạm giữ. Không thể chờ quyết toán số tiền gần 8 tỷ đồng của hai chủ đầu tư trước vẫn có thể tạm tính để xác định giá đất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng lên tiếng chê trách việc thiếu trách nhiệm của địa phương đã dẫn đến dự án đầu tư của Toàn Phát bị “đứng bánh” nhiều năm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng nói đây là sự cố khách quan, nhưng nếu địa phương có sự quan tâm thì đã không để xảy ra chuyện này. Vì vậy cần tháo gỡ ngay cho doanh nghiệp. Đây là trường hợp duy nhất. UBND tỉnh không muốn thấy thêm bất kỳ trường hợp dự án đầu tư nào bị tình trạng tương tự xảy ra. Đừng để doanh nghiệp phải nản lòng vì chờ đợi trách nhiệm từ các cơ quan công quyền. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng, những cơ quan liên quan giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp cần một cam kết bằng văn bản, không thể nói miệng, kiểu “lời nói gió bay”, để doanh nghiệp yên tâm tiếp tục triển khai dự án đầu tư. Nhà đầu tư Đà Thành cũng không cần phải nộp tiền vào tài khoản tạm giữ. Nhà đầu tư thực hiện song song việc căn cứ trên số chi phí tạm tính ấy để đưa vào chi phí tính giá đất và chờ thanh quyết toán.

Hai nhà đầu tư Trịnh Anh Toàn và Trần Văn Cường cho rằng cách giải quyết của chính quyền thật sự nhanh, gọn và hợp lý. Đây là thực chứng rõ nhất trong việc xác định doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải là quản lý như đã từng tuyên bố trong các cuộc họp gần đây. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục chờ hiệu lực từ các văn bản thông báo và cách giải quyết cụ thể từ các cơ quan công quyền như đã cam kết.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG