Thất thu khoáng sản

NGUYỄN TRẦN 31/05/2016 11:36

Vì quản trị tài nguyên khoáng sản yếu kém nên các địa phương miền núi đã để thất thoát lớn các nguồn thu, doanh nghiệp nợ thuế ngày một chồng chất.

Hoạt động khai khoáng trên địa bàn tỉnh chưa đem lại nguồn thu lớn cho tỉnh. Ảnh: T.N
Hoạt động khai khoáng trên địa bàn tỉnh chưa đem lại nguồn thu lớn cho tỉnh. Ảnh: T.N

Với khai thác khoáng sản trái phép, UBND tỉnh ra nhiều văn bản để quản lý. Gần đây nhất, Chủ tịch UBND tỉnh ra Chỉ thị số 17 về tăng cường công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh, quy trách nhiệm cho người đứng đầu; quy định sử dụng nguyên vật liệu phải có nguồn gốc hợp pháp, đến năm 2017 cơ sở nào vi phạm sẽ phải dừng hoạt động. Hàng chục doanh nghiệp khai thác vàng được cấp phép nhưng nguồn thu quá nhỏ bé. Trữ lượng khoáng sản của tỉnh lớn nhưng nhiều doanh nghiệp không tuân thủ việc nộp thuế, khai thác có sản lượng nhưng nộp không xứng với tốc độ khai thác. Điển hình như hai nhà máy vàng Bồng Miêu và Phước Sơn, bắt đầu từ năm 2013, tỷ lệ nợ lớn dần, nhiều nhất là 2014. Hiện hai đơn vị này còn nợ hơn 290 tỷ đồng, chưa tính phát sinh do nộp thuế chậm (chiếm hơn 40% tổng nợ thuế của cả tỉnh). Dù các cơ quan chức năng của tỉnh đã áp dụng mọi biện pháp nhưng không thu được vì công ty chây ì.

Ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam thừa nhận, tài nguyên đang có nguy cơ thất thoát. Quảng Nam giàu tài nguyên nhưng thu thuế ít quá. Tình hình khai thác khoáng sản có nhiều bất lợi, khi cấp phép thì có thời hạn, các doanh nghiệp đến cuối thời hạn giấy phép thường tìm cách “xù nợ”.  Ít nhất 13 công ty khai khoáng đến giai đoạn gần hết phép hoạt động đều nợ, cơ quan thuế tìm chủ doanh nghiệp rất khó khăn. Một số loại khoáng sản nhà nước không quản lý được, giữa cái thực khai thác và báo cáo khác nhau nên nhà nước thất thu tương đối lớn. Ông Bốn nêu ví dụ, Quảng Nam còn cả chục công ty khai thác khoáng sản nhỏ lẻ, cấp phép thì nhiều nhưng khi khai thác không được 10% trữ lượng. Doanh nghiệp cho biết, khai thác không theo đúng số lượng cấp phép. Lạ là, doanh nghiệp đều khai báo làm ăn thua lỗ, nhưng hoạt động từ năm này qua năm nọ. “Chúng tôi kiến nghị với lãnh đạo tỉnh là đưa luôn thuế phí theo trữ lượng và đấu thầu mỏ, không phải là khoán thuế mà khoán trữ lượng. Để tránh thất thu thuế cần có cách quản lý được sản lượng khai thác của doanh nghiệp” - ông Bốn kiến nghị.

Năm 2013, nhà máy khai thác vàng Bồng Miêu nộp thuế đầu vào 24 tỷ đồng, hoàn thuế 28 tỷ đồng (lấy từ nguồn ngân sách quốc gia). Đến nay, 2 mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn nộp ngân sách 700 tỷ đồng nhưng được hoàn thuế hơn 300 tỷ đồng, tính ra nguồn thu còn lại không lớn. Theo ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TN&MT, về chính sách thuế, điều chỉnh thuế suất và phí bảo vệ môi trường tăng nhiều, biên độ quá lớn gây khó khăn cho doanh nghiệp. Sở đã báo cáo lên Bộ TN&MT nhưng không giải quyết. Mặt khác, năng lực quản lý khoáng sản còn hạn chế,  không loại trừ một số địa phương vì áp lực thu ngân sách nên làm ngơ cho các đối tượng khai thác bất chấp quy định. Về khai thác trái phép, ngành có đi kiểm tra theo chiến dịch nhưng đi xong thì đâu lại vào đấy, không làm dứt điểm được.

NGUYỄN TRẦN

NGUYỄN TRẦN