Cải thiện môi trường đầu tư: Khó hay dễ?
Cải thiện môi trường đầu tư khó hay dễ là câu hỏi đặt ra trên bàn nghị sự về phát triển Quảng Nam nhiều năm. Tất cả đều cho rằng cải thiện môi trường đầu tư không phải là chuyện “bấm nút” là xong. Lại càng không thể là những lời hô hào hay kêu gọi suông! Tất cả kỳ vọng vào năng lực điều hành, đưa ra các giải pháp kích thích thực sự phát huy hiệu quả của chính quyền, thiện chí của các cơ quan quản lý và cả sự hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp.
TỰ SOI MÌNH…
Kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư cụ thể, không “hô hào cải cách hay cam kết chung chung” sẽ là cơ hội mở toang cửa đón nhà đầu tư, tạo cú hích cho doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất.
Doanh nghiệp tiếp tục mở rộng dự án đầu tư, thể hiện môi trường đầu tư đã bắt đầu thông thoáng hơn. Ảnh: T.D |
Môi trường đầu tư chưa thoáng
“Một cửa liên thông”, đối thoại hay mở cổng thông tin điện tử hỗ trợ doanh nghiệp được xem như một sáng kiến nhằm cải thiện, xác lập môi trường đầu tư Quảng Nam đã nhận được nhiều thiện cảm từ giới đầu tư và tạo hiệu ứng lan tỏa.
Tuy nhiên, ông Võ Văn Hùng – Trưởng ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp thừa nhận sự vận hành các “sáng kiến” ấy vẫn “chưa thông”. Cơ quan này chịu trách nhiệm làm đầu mối thực hiện cơ chế, nhưng lại không thể toàn quyền quyết định. Hồ sơ vẫn cứ đi lòng vòng vì thiếu sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý, địa phương. Không chỉ vậy, sự thiếu hụt mặt bằng hay việc không thống nhất giá đất ở các địa phương đã khiến khá nhiều nhà đầu tư đến khảo sát rồi.. .bỏ đi. Thiếu mặt bằng, quỹ đất sạch dành cho nhà đầu tư, thiếu một chiến lược thu hút đầu tư dài hạn (từ nhân lực, hạ tầng, dịch vụ…) đã làm chậm tốc độ thu hút đầu tư vào Quảng Nam. Ông Hùng cho hay, kết quả khảo sát cho thấy phần lớn dự án đầu tư, nhất là các dự án trong cụm công nghiệp và dự án du lịch ven biển gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng. Doanh nghiệp đã ứng kinh phí giải phóng mặt bằng nhiều năm nhưng vẫn không thể nhận được đất. Thiếu thông tin về giá đất khiến doanh nghiệp khó quyết định đầu tư hoặc địa phương có mặt bằng sạch trên thực tế nhưng khi triển khai dự án đã phát sinh các vấn đề pháp lý, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Thiếu quy hoạch khiến nhiều doanh nghiệp quay lưng với nông thôn dù đã có chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư. Kế hoạch cải cách hành chính hàng năm đều có mục tiêu giảm thời gian giải quyết hồ sơ (30%) nhưng trên thực tế mục tiêu này chưa đạt.
Theo thống kê của Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, tổng số hồ sơ đã tiếp nhận và luân chuyển đến các sở, ngành khoảng 240 hồ sơ, nhưng chỉ mới giải quyết 174 hồ sơ. Số hồ sơ trả kết quả đúng và sớm hơn thời hạn theo phiếu hẹn 102 hồ sơ, chỉ chiếm khoảng 58,62%. Số hồ sơ trễ hạn chiếm đến hơn 41%. “Nhiều thủ tục đã công khai nhưng lại đòi bổ sung thêm rất nhiều. Ban chẳng biết hướng dẫn như thế nào cho đúng. Còn năm nào cải cách hành chính cũng nói giảm 30% thủ tục, nhưng không nhiều, thậm chí còn gia tăng thêm. Năm 2014 có đến 45% và năm 2015 có trên 41% hồ sơ quá hạn không được giải quyết” - ông Hùng nói.
Đó là chưa kể đến một thực tế đáng buồn là phần lớn doanh nghiệp FDI đều sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh vì các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tại Quảng Nam không nhiều, nhất là dịch vụ tư vấn pháp lý, đầu tư, thuế và chất lượng không thể đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp phải tự đi tuyển dụng lao động, chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ của các cơ quan, địa phương…
Khả năng cải thiện
Chính quyền Quảng Nam hiểu nhà đầu tư rất muốn nhìn thấy sự thay đổi về cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, công khai, minh bạch các thủ tục đầu tư và chính thái độ của địa phương sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của thương giới khi mọi cơ chế ưu đãi đã gần như ngang nhau giữa các địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu phải nhìn thẳng vào sự thật yếu kém của nội tại Quảng Nam để đưa ra kế hoạch, dựng một môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch, góp phần giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói, phải xác định cho được yếu tố cốt lõi việc cải thiện môi trường đầu tư. Không thể nói chung chung trong các báo cáo. Cải cách hành chính, thủ tục đầu tư chỉ là một phần. Tăng cường môi trường đầu tư cần một chiến lược dài hạn để đào tạo lao động có tay nghề cao hơn, một khuôn khổ pháp lý ổn định và đáng tin cậy cho hoạt động kinh doanh và cam kết để cải thiện cơ sở hạ tầng. Chìa khóa để tạo môi trường đầu tư tốt hơn cần chính quyền lắng nghe và đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp bằng các chính sách thích hợp (nếu có thể).
Ông Võ Văn Hùng - Trưởng ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp cho rằng cần tiếp tục thực hiện các “sáng kiến” thành công như: cơ chế “một cửa liên thông”, tiếp doanh nghiệp, cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, cà phê doanh nhân và các tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư... Tuy nhiên, theo ông Hùng, không nên quy định một cách chung chung mà phải cụ thể mỗi thủ tục giảm thời gian giải quyết bao nhiêu ngày. Các loại giấy tờ, tài liệu nào có thể giảm bớt? Và phải có kiểm tra, đánh giá. Nếu chưa giảm được thì thực hiện đúng thời hạn giải quyết đã được niêm yết công khai, đồng thời cần giảm thời gian thanh tra, kiểm tra DN; tạo điều kiện để DN thực hiện đồng thời nhiều thủ tục, sớm đưa dự án vào hoạt động trên thực tế. Mẫu hóa các loại giấy tờ, hồ sơ, biểu mẫu. Không được yêu cầu doanh nghiệp nộp thêm bất kỳ giấy tờ nào ngoài những thủ tục đã công bố và hướng dẫn đầy đủ một lần với mọi thủ tục...Ngoài ra, việc khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thủ tục đầu tư, kinh doanh cần nắm thêm các kiến nghị, đề xuất, xây dựng quy chế theo dõi tình hình và kết quả giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp để giải quyết dứt điểm, chấm dứt việc tốn thời gian đi lại nhiều lần của doanh nghiệp…
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu nói sự quan liêu của công chức đã gây phiền hà doanh nghiệp. Những yêu cầu trái khoáy, vô lý của cơ quan công quyền không một nhà đầu tư nào chịu nổi. Không thể để mỗi sở, ngành quy định mỗi bộ thủ tục cải cách hành chính khiến nhà đầu tư ngán ngẩm… Sẽ thí điểm việc tiếp nhận, thẩm tra, trả kết quả tại chỗ các thủ tục hành chính, đầu tư, tăng cường sự giám sát của người đứng đầu cơ quan… thông qua các dịch vụ công nghệ… Tất cả để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, xác lập môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn. (NHẬT PHONG)
CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG, CHỌN LỌC NHÀ ĐẦU TƯ
Thu hút đầu tư đã bị chững lại. Do môi trường đầu tư chưa tốt hay dự án mời gọi chưa hấp dẫn? Phóng viên Báo Quảng Nam đã trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chung quanh vấn đề này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh. |
PV: Quảng Nam đã từng mở hội nghị, diễn đàn mời gọi các nhà đầu tư, nhưng kết quả vẫn chưa sáng sủa, thưa ông?
Ông Lê Trí Thanh: Khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và Việt Nam đã khiến thu hút đầu tư chậm. Quảng Nam đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến ở Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… và nội địa. Nhưng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn dù khá mạnh vẫn phải cơ cấu lại danh mục đầu tư trên cả nước và trên toàn cầu. Họ ưu tiên dự án có tính khả thi cao nhất, ít mang lại rủi ro nhất và dễ sinh lời trong ngắn hạn. Không loại trừ cả hạn chế về năng lực tài chính và chuyên môn hóa lĩnh vực đầu tư của một số nhà đầu tư đã khiến dự án bị đình trệ kéo dài, làm ảnh hưởng đến tâm lý của một số nhà đầu tư mới. Tuy vậy, vẫn có những nhà đầu tư, nhất là Hàn Quốc và doanh nghiệp trong nước có những dự án đầu tư mới tại Quảng Nam. Đáng mừng nhất là có doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN, khu đô thị, hay đầu tư vào nông nghiệp. Đây là lĩnh vực khó khăn nhưng cũng có khá nhiều doanh nghiệp liên kết nông dân để trồng lúa giống, phát triển nông nghiệp.
PV: Thưa ông, vậy do năng lực nhà đầu tư, môi trường đầu tư hay chính các dự án đưa ra mời gọi chưa thực sự hấp dẫn?
Ông Lê Trí Thanh: Xét trong sự cạnh tranh sòng phẳng với các địa chỉ đầu tư khác trên cả nước và trong khu vực, môi trường đầu tư của Quảng Nam vẫn chưa thực sự hấp dẫn, có phần chịu tác động bởi các yếu tố về tự nhiên, văn hóa, xã hội nhưng cũng không loại trừ bởi yếu tố về cơ chế chính sách, hạ tầng kỹ thuật, năng lực con người. Phải thừa nhận là các dự án đầu tư của Quảng Nam đưa ra cũng chưa đầy đủ thông tin ở mức độ mà nhà đầu tư cần. Tức là thiếu thông tin chi tiết. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận Quảng Nam đã xây dựng được các danh mục dự án tương đối đầy đủ, bao quát trên mọi lĩnh vực, nhưng thực sự nhà đầu tư có cần hay không thì còn hạn chế. Ngoài ra, Quảng Nam cũng chưa thể tìm được nhà đầu tư chiến lược, những nhà đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Quan điểm cá nhân tôi là sẽ phải dần thay vì đi xúc tiến đầu tư đại trà, tổ chức các hội nghị, hội thảo, mời tất cả doanh nghiệp thuộc mọi đối tượng, lĩnh vực, quy mô khác nhau… về ngồi chung một chỗ, trong vài tiếng đồng hồ để nói về một câu chuyện Quảng Nam đủ thứ lĩnh vực thì e rằng hiệu quả sẽ rất kém và có lẽ không phù hợp. Bên cạnh việc xúc tiến đầu tư tham gia các chương trình của Trung ương, cấp vùng, nên xúc tiến theo một cách khác. Nghĩa là xác định những đối tác nước ngoài hay trong nước thấy phù hợp thì cử cán bộ cấp sở, ngành, địa phương… trực tiếp đến làm việc tại trụ sở chính của họ trước. Kết quả khảo sát cơ bản đáp ứng một bước thì chính quyền tỉnh sẽ làm việc với đối tác. Cách tương tác trực tiếp sẽ đi sâu, đặt thẳng vấn đề hiệu quả, đúng đối tượng hơn. Thà chọn được nhà đầu tư nào chắc nhà đầu tư nấy, mất nhà đầu tư này tìm nhà đầu tư khác, hơn là xúc tiến tràn lan mà không biết ai sẽ là nhà đầu tư thực thụ. Nếu làm cách này thì mất thời gian, cực hơn nhưng sẽ hiệu quả hơn vì thông tin cung cấp cho đối tác, nhà đầu tư sẽ nhiều hơn và họ cũng sẽ thấy mình được trọng thị hơn.
PV: Chìa khóa để khai thông việc thu hút nguồn vốn này, thưa ông?
Ông Lê Trí Thanh: Đầu tư năm 2016 khá tốt, nhất là những dự án động lực như dự án của Tập đoàn Tuần Châu, HB đang triển khai ở khu vực ven biển Điện Bàn, Hội An. Đây là những dự án mang tính ngòi nổ, kích thích các dự án chạy theo. Hay dự án nạo vét sông Cổ Cò, Nam Hội An… là những dự án tốt. Điện đã kéo ra đảo Cù Lao Chàm. Đường cao tốc năm này cũng sẽ xong. Đường ven biển thông suốt thì chắc chắn đầu tư sẽ tốt hơn cùng với sự nhộn nhịp của KCN Tam Thăng, Đông Quế Sơn hay Điện Nam – Điện Ngọc sẽ lấp đầy khi khá nhiều nhà đầu tư mong muốn xúc tiến đầu tư vào các khu vực này.
Dich vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đầu tư hạ tầng công nghiệp đang chuyển biến tốt. Cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư cần thực chất, xuyên suốt các công đoạn (từ khảo sát, chọn địa điểm, hoàn thành và hoạt động) để thực hiện một dự án đầu tư. Bên cạnh xúc tiến thu hút các nhà đầu tư mới, không được quên chăm sóc và tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư đang triển khai dự án tại Quảng Nam. Việc đầu tư hanh thông, thuận lợi của các nhà đầu tư này là tấm gương phản chiếu rõ nhất về môi trường đầu tư của Quảng Nam và có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến sự quan tâm của các nhà đầu tư mới.
UBND tỉnh đã đặt ra 6 chương trình, dự án trọng điểm vùng đông nam và sắp bàn tới một câu chuyện nữa. Đó là động lực vùng tây, miền núi. Hoàn toàn có thể tin tưởng rằng các dự án vùng tây, miền núi cũng hấp dẫn không kém gì các dự án vùng đông nam.
PV: Xin cảm ơn ông! (TRỊNH DŨNG)
GÓC NHÌN DOANH NGHIỆP
Nhà đầu tư muốn thấy sự thay đổi cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư công khai, minh bạch, thông thoáng. Khi các cơ chế ưu đãi gần như ngang nhau giữa các địa phương thì thái độ, cách hành xử tốt của chính quyền, cơ quan quản lý sẽ ảnh hưởng đến quyết định chọn đất đầu tư của thương giới.
Sôi động đầu tư
Hai dự án trọng điểm vùng đông nam là khu nghỉ dưỡng Nam Hội An và khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai – Trường Hải mở rộng đã được khởi công ngày 24.4, tiếp thêm động lực tăng trưởng Quảng Nam. Không chỉ Thaco cam kết sẽ gia tăng năng lực sản xuất, mở rộng đầu tư, quyết tâm sẽ trở thành nhà sản xuất, lắp ráp ô tô không chỉ của Việt Nam mà cả khu vực hay Nam Hội An sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân dự án đúng như cam kết, nhiều doanh nghiệp khác cũng cho thấy “tham vọng” chuẩn bị cho một thời kỳ hội nhập mới với năng lực mạnh mẽ hơn. Không thể lượng hóa hết khả năng phát triển của doanh nghiệp hay năng lực hấp thụ đầu tư nhưng tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đến giữa tháng 5.2016 đã hơn 37.000 tỷ đồng (tăng 32%) phần nào cho thấy một lượng vốn lớn đã được đầu tư cho doanh nghiệp.
Con số 8 dự án đầu tư trong nước (957 tỷ đồng), 6 dự án FDI (84 triệu USD) được cấp phép và 347 doanh nghiệp mới tiếp tục gia nhập thị trường, nhưng chỉ có 39 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép, 23 doanh nghiệp giải thể, cho thấy năng lực nội sinh của doanh nghiệp đã ổn định, thị trường đã có dấu hiệu khởi sắc hơn. Theo một thống kê khác, Quảng Nam có khoảng 5.366 doanh nghiệp (371 doanh nghiệp nhà nước, 95 doanh nghiệp FDI và 4.900 doanh nghiệp tư nhân). Điều ấy đã chứng minh doanh nghiệp dân doanh có một sức sống dẻo dai, mãnh liệt. Không nhiều doanh nghiệp tư nhân phá sản như dự báo, chỉ khoảng 110 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (vào khoảng 19-20% - ở con số bình quân cả nước); trái lại, kinh tế tư nhân đã phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ doanh nghiệp tăng vốn đầu tư tăng 11%, quy mô đầu tư trung bình tăng 10,11%, tỷ lệ doanh nghiệp tăng quy mô lao động 12%, tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi 60% và tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ chỉ còn 25% và 44% doanh nghiệp nói sẽ mở rộng đầu tư. Số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh, sẵn sàng mở rộng sản xuất kinh doanh, với nhiều doanh nghiệp mang tầm khu vực và quốc tế, đã chứng tỏ môi trường đầu tư, các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư đã phát huy hiệu quả. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Môi trường đầu tư Quảng Nam đã thực sự hấp dẫn chưa vẫn là điều chưa thể khẳng định được!
Chờ sự thay đổi
Không phải Quảng Nam không có những chính sách thúc đẩy sự tăng trưởng khu vực kinh tế tư nhân. Kết quả của khu vực kinh tế này đều khởi phát từ các quy chế thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, những cuộc đối thoại, cổng thông tin điện tử và một cửa liên thông. Một nghị quyết về xây dựng, cải thiện môi trường đầu tư do Tỉnh ủy ban hành cũng đã khẳng định kinh tế tư nhân là bộ phận quan trọng cấu thành nền kinh tế Quảng Nam; yêu cầu các cấp chính quyền tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tư nhân được quyền tiếp cận vốn, được hỗ trợ về đào tạo, công nghệ… Tất cả những yêu cầu này, chỉ thị này, cho đến nay vẫn rất đúng đắn. Nếu được thực hiện tốt, chắc chắn sẽ tạo cho khu vực kinh tế tư nhân một khuôn mặt mới tốt hơn.
Song việc vận hành đến mức thông thoáng cao nhất của cơ chế này nhằm cải thiện, xác lập môi trường đầu tư hấp dẫn của riêng Quảng Nam vẫn là chuyện đáng bàn.
Từ chính sách đến thực tế vẫn còn khoảng cách. Kết quả khảo sát doanh nghiệp mới đây cho thấy xu hướng đáng quan ngại khi có đến 44% doanh nghiệp cho rằng tỉnh ưu ái tổng công ty, tập đoàn nhà nước, 49% cho biết chỉ ưu tiên thu hút FDI hơn là phát triển kinh tế tư nhân và 80% doanh nghiệp cho biết hợp đồng và các nguồn lực chủ yếu rơi vào tay doanh nghiệp thân hữu với chính quyền. Phó Tổng giám đốc Thaco Group Phạm Văn Tài cho rằng không thể nói Quảng Nam không có môi trường đầu tư tốt khi tập đoàn Thaco đã liên tục mở rộng đầu tư, thiết lập thêm nhiều nhà máy và gia tăng sản xuất. Nếu doanh nghiệp chỉ đòi hỏi mỗi khi gặp khó khăn thì không thể phát triển được. Cải thiện môi trường đầu tư không phải là chuyện của riêng chính quyền hay cơ quan quản lý mà cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư cũng là những nhân tố tích cực. Khó khăn chính là sự chồng chéo chính sách giữa các bộ, ngành Trung ương. Chính quyền cần xem xét, hài hòa lợi ích giữa dân - nhà đầu tư - nhà nước, xem xét lại hiệu lực hành chính từ tỉnh đã bị giảm dần ở cơ sở.
Không ít nhà đầu tư cho rằng một môi trường đầu tư thực sự hấp dẫn, có sức cạnh tranh chính là quy mô, tốc độ tăng trưởng thị trường, tính sẵn có của nhân công giá rẻ, khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chất lượng của môi trường kinh doanh. Quảng Nam thường được cho có lợi thế nhân công giá rẻ, dễ dàng tiếp cận nguồn tài nguyên. Tuy nhiên, một điều cần biết là chi phí lao động cuối cùng sẽ tăng lên và nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng sẽ cạn kiệt, nếu Quảng Nam không thay đổi các yếu tố khác, lợi thế cạnh tranh sẽ mất đi và sẽ bị mắc kẹt trong quá trình phát triển.
Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng phòng Pháp chế VCCI cho rằng các chính sách được xem là thành công nhất lại là những quyết định bớt những thủ tục, quy định gây phiền hà, rắc rối cho doanh nghiệp, chứ không phải là những chính sách trực tiếp thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Sự “đột phá” không ngoài việc chính quyền cần lắng nghe và đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp bằng các chính sách thích hợp (nếu có thể) để cung cấp môi trường đầu tư tốt. Phải chuyển từ tư duy tháo gỡ khó khăn sang tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. (TÙY PHONG)