Quản lý chất lượng thực phẩm: Nhiều lỗ hổng
Những thống kê của cơ quan chức năng đã khiến nhiều người giật mình, lo ngại về tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh. Bởi vậy, khi họp bàn về các giải pháp để quản lý chất lượng thực phẩm, nhiều đại biểu đã tập trung mổ xẻ và nhận diện những lỗ hổng cần nhanh chóng khắc phục.
“Bức tranh khủng khiếp”!
Kết quả giám định chất lượng vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh thời gian qua do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT) công bố tại cuộc họp ngày 24.5 khiến nhiều đại biểu giật mình. Cụ thể, tất cả cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh được kiểm tra thì hầu hết chưa đủ điều kiện vệ sinh thú y và ATTP. Chỉ có 16/147 cơ sở giết mổ được cấp giấy chứng nhận vệ sinh thú y (chiếm 10,88%) và 4/147 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP trong giết mổ (chiếm 2,27%). Kết quả giám định 195 mẫu thịt heo chưa phát hiện chất tạo nạc, chất kích thích tăng trưởng trong sản phẩm thịt. Tuy nhiên đã có 48/195 mẫu thịt nhiễm vi sinh vật vượt mức giới hạn cho phép (chiếm 24,6%); có khoảng 10% mẫu chả có sử dụng các chất cấm như hàn the.
Tổ hợp tác chăn nuôi gà Mười Tín (xã Tam Thăng, Tam Kỳ) đăng ký chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn thịt gà và trứng gà. Ảnh: H.S |
Về sản phẩm thủy sản, kiểm tra 135 mẫu tại các chợ và cơ sở thu mua, chế biến thì có 11 mẫu thủy sản nhiễm vi sinh vật gây bệnh, 3 mẫu nhiễm Chloramphenicol, 3 mẫu nhiễm kim loại nặng (Cadimi). Về rau củ quả, gửi đi kiểm tra, kết quả phân tích cho thấy 7/329 mẫu phát hiện dư lượng các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật (trong đó 3 mẫu vượt giới hạn), 1 mẫu phát hiện có dư lượng kim loại nặng (Cd) vượt quá ngưỡng theo quy định, 49 mẫu rau quả nhiễm vi sinh vật, 3 mẫu rau có hàm lượng nitrat, 5/26 mẫu nhiễm chất cấm Auramine (vàng ô). Về quy trình sản suất nông nghiệp, chỉ có 34/13.605ha rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP (chiếm 0,25%); 11/5.600ha nuôi trồng thủy sản áp dụng VietGAP (chiếm 2,27%).
Lực lượng thú y kiểm tra chất lượng sản phẩm thịt heo sau khi giết mổ. Ảnh: H.S |
Chủ trì cuộc họp bàn phương án triển khai thí điểm chuỗi sản phẩm nông nghiệp an toàn và góp ý xây dựng đề án “Nâng cao năng lực quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản và muối giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030” hôm 24.5 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, những con số trên cho thấy một “bức tranh khủng khiếp” về ATTP. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, thực phẩm không an toàn tràn lan ngoài yếu tố chạy theo lợi nhuận của người sản xuất, còn bộc lộ lỗ hổng trong cách thức quản lý nhà nước.
Kiện toàn bộ máy quản lý
“Những con số trên cho thấy một bức tranh khủng khiếp về ATTP. Thực phẩm không an toàn tràn lan ngoài yếu tố chạy theo lợi nhuận của người sản xuất, ở đây còn bộc lộ lỗ hổng trong cách thức quản lý nhà nước”. (Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh) |
Thời gian gần đây, tỉnh tổ chức nhiều cuộc họp, diễn đàn dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng sự tham gia đông đảo của các ngành, địa phương, doanh nghiệp nhằm đề ra các giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp sạch, kiểm soát thực phẩm bẩn. Đây là sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ các cấp và được xem là “mệnh lệnh cuộc sống”.
Với những con số thống kê cụ thể về chất lượng thực phẩm được kiểm tra và thông báo tại cuộc họp ngày 24.5, ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết rất bất ngờ, cảm thấy lo lắng và cấp thiết kiện toàn bộ máy nhân lực, vật lực cơ quan quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản để nâng cao năng lực quản lý, giám sát. Theo ông Nam, phải có lộ trình từng giai đoạn cụ thể nhằm kiểm soát thực phẩm bẩn, thúc đẩy hàng hóa sạch và đặc biệt chú ý đến hàng hóa vật tư nông nghiệp. Còn theo ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ công tác kiểm định, xét nghiệm thực phẩm, hàng hóa ở Quảng Nam còn nhiều yếu kém. Ông Văn dẫn chứng, để xét nghiệm những sản phẩm có chứa kim loại nặng, tỉnh không thực hiện được mà phải gửi mẫu đi Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh và tốn thời gian chờ đợi kết quả.
Ngày 9.5.2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP. Theo đó, yêu cầu UBND các cấp chịu trách nhiệm về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn; xác định việc đảm bảo vệ sinh ATTP là nhiệm vụ cấp thiết cần tập trung chỉ đạo, điều hành… Tại Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh cũng vừa ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP. Chỉ thị nêu rõ, giám đốc các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện quản lý ATTP theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đúng quy định của Luật ATTP, quy định của Chính phủ và Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9.5.2016 của Thủ tướng Chính phủ. |
Vấn đề đầu tư cho hoạt động quản lý chất lượng, ATTP được nhiều đơn vị, địa phương đặc biệt quan tâm. Đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh nêu lên thực trạng, tại cấp tỉnh hiện nay còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất kỹ thuật. Còn ở cấp huyện và xã chưa có cán bộ chuyên trách công tác quản lý chất lượng và ATTP sản phẩm nông lâm thủy sản nên khó khăn trong việc nâng cao hiệu quả kiểm soát thực phẩm, hàng hóa. Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, bộ máy quản lý ATTP còn nhiều bất cập và để đi vào nền nếp cần có cơ chế phù hợp. “Nếu đi riêng quản lý từng ngành thì không giải quyết hết vấn đề. Phải phân công lại, giao trách nhiệm lại. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh không thể giải quyết được hết mà các ngành, địa phương từ tỉnh đến cấp xã phải cùng phối hợp, vào cuộc đồng bộ. Máy móc hiện đại cần được đầu tư để nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm thì test kiểm tra nhanh, xét nghiệm và xử lý ngay” - ông Thịnh nói.
Để nâng cao năng lực quản lý chất lượng, ATTP, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, thời gian tới đầu tư trang thiết bị hỗ trợ, từng bước hiện đại; kiện toàn lại đội ngũ nhân lực và có thể xã hội hóa một số đơn vị sự nghiệp. “Việc đầu tư phải đến nơi đến chốn để công tác quản lý mang lại hiệu quả, tạo được hiệu ứng. Từ đó sẽ chuyển đổi hành vi của người sản xuất và người tiêu dùng. Nông nghiệp và y tế là hai ngành dọc chủ lực, phối hợp triển khai đồng bộ, quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở. Đối với các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn (gồm thịt heo, tôm, rau củ quả, thịt gà, trứng gà và nước mắm), đến năm 2017 phải mở rộng sang các chuỗi sản phẩm khác, có thể là cá nước ngọt và thịt bò” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
Đẩy mạnh công tác truyền thông Đại diện các ngành, địa phương đều cho rằng, công tác truyền thông về ATTP đóng một vai trò quan trọng để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi con người trong việc sản xuất, tiêu dùng thực phẩm. Theo đó, tuyên dương kịp thời những cơ sở, cá nhân thực hiện tốt ATTP; phản ánh những địa chỉ sản xuất chạy theo lợi thuận mà bất chấp đến sức khỏe người tiêu dùng; phổ biến tuyên truyền luật về ATTP… Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, trên tinh thần vào cuộc quyết liệt nhưng tùy tình huống cần mềm dẻo, linh hoạt trong cách xử lý để từng bước tạo chuyển biến từ nhận thức bên trong chứ không phải cưỡng bức từ bên ngoài. |
VĂN HÀO - NGUYỄN SỰ