Thiệt hại do biến đổi khí hậu
Hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tác động xấu đến sản xuất và sinh hoạt của người dân, nhất là các địa phương gánh chịu hậu quả trực tiếp.
Hạn và nhiễm mặn
Nhiều cánh đồng chạy dọc sông Trường Giang, đoạn qua các xã Bình Giang, Bình Dương (Thăng Bình) mùa này đang ngắc ngoải chờ nước. Tại xã Bình Dương, vì phụ thuộc vào nước trời nên vụ hè thu năm nay hàng chục héc ta lúa đã chuyển sang cây trồng cạn. Trong khi đó, diện tích trồng các loại rau màu tiếp tục giảm như cây đậu phụng từ 160ha giảm còn 134ha, khoai lang từ 220ha giảm xuống dưới 180ha. Theo chính quyền địa phương, diện tích canh tác giảm được xác định do thiếu nước nghiêm trọng. Nhiều sào ruộng thanh toán tiền hóa đơn điện do bơm nước còn cao tương đương tiền bán nông sản. Xen lẫn với những vạt khoai lang chịu hạn là những đám ruộng bỏ hoang. Theo người dân, vụ hè thu này tại thôn 2, xã Bình Dương ít nhất có hàng chục héc ta đất canh tác bị bỏ hoang. Những cánh đồng lúa cho năng suất hơn 55 tạ/ha vụ đông xuân, hoàn toàn chuyển sang trồng khoai lang, mè vụ hè thu. Tại xã Tiên Lãnh (Tiên Phước), có ít nhất 100ha lúa không thể gieo sạ được vụ hè thu này. Hình thức đa canh, đa cây chưa phát huy hiệu quả vì hiện trạng nông nghiệp trên địa bàn phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên.
Biến đổi khí hậu đã tác động trực tiếp lên sản xuất trồng trọt. Ảnh: T.H |
Theo Sở NN&PTNT, mùa khô năm nay ngoài nỗi lo hạn hán cục bộ, nông dân còn gánh chịu thêm thiệt hại do tình trạng mặn xâm nhập. Chính quyền các huyện Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, TP.Tam Kỳ khẩn cấp công bố phương án phòng chống hạn mặn năm 2016. Trung ương và ngân sách địa phương phân bổ 36 tỷ đồng cho ứng phó hạn, mặn. Theo đó, nhiều nơi triển khai nạo vét các đoạn sông bị bồi lấp khơi thông dòng chảy, kênh dẫn bể hút các trạm bơm, nạo vét kênh mương các cấp. Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường TP.Hội An nhìn nhận, BĐKH tác động trực tiếp, làm suy giảm đa dạng sinh học, nhiều loài động thực vật biển có nguy cơ biến mất, báo động nhất là với Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm và rừng dừa nước ở Cẩm Thanh.
Trong khi đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định, tình hình khô hạn kéo dài bất thường ở các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Nam chủ yếu là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Từ nay đến đầu tháng 9, nền nhiệt phổ biến ở các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ cao hơn mọi năm. Ngược lại, lượng mưa ở các tỉnh Trung Bộ sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm, mùa mưa khả năng nửa đầu tháng 9 mới đến. Như vậy hạn hán, thiếu nước vụ hè thu sẽ còn gay gắt khi bước vào vụ đông xuân và nguy cơ xảy ra tại Trung Bộ nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài.
Ứng phó đồng bộ
Trên bình diện quốc tế, Tổ chức Khí tượng thế giới chọn thông điệp cho Ngày khí tượng thế giới năm 2016 là “Khí hậu: nhận thức để hành động” với mục đích nhấn mạnh kiến thức về khí hậu tích lũy trong các thập kỷ vừa qua, giúp các quốc gia đưa ra những quyết định đúng và kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH. Chương trình hành động của Liên hiệp quốc đến năm 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững đã đặt ra một cam kết mạnh mẽ nhằm chấm dứt tình trạng nghèo đói trên phạm vi toàn cầu. Trước bất lợi của thời tiết cực đoan, Bộ NN&PTNT đề xuất với Thủ tướng chỉ đạo Bộ TN-MT thường xuyên cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng chống hạn hán, đồng thời phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện điều tiết nước các hồ chứa thủy điện để bổ sung nước cho hạ du theo nhu cầu sản xuất nông nghiệp.
Còn tại Quảng Nam, Sở TN-MT, Sở NN&PTNT và Sở Thông tin - truyền thông đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, cổ động trực quan về ứng phó với BĐKH, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc mở rộng và nâng cấp các hồ chứa nước đa mục tiêu ở các thủy điện để tích nước; chủ động trong phát điện và sẵn sàng cho công tác phòng chống những tác động từ BĐKH. Từ đầu tháng 5 đến nay, nông dân vùng cát Thăng Bình, Tam Kỳ đồng loạt ra quân nạo vét kênh mương nội đồng, đắp bờ vùng bờ thửa, tận dụng lượng nước từ các ao hồ, sông suối để chống hạn. Sở NN&PTNT đã đề xuất nhiều giải pháp công trình và phi công trình kết hợp quản lý nhằm cung cấp nước vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn. Trong đó, giúp các vùng kiểm soát khai thác nước dưới đất và cải tạo, nâng công suất các nhà máy nước. Biện pháp phi công trình là chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất theo hướng giảm diện tích trồng lúa, phát triển cây công nghiệp và hoa màu. Giải pháp phi công trình còn quan tâm đến quản lý nước mặt ruộng, áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm, nâng cao độ che phủ rừng và áp dụng biện pháp giảm bốc thoát nước mặt đất canh tác.
TRẦN HỮU