Thanh niên liên kết làm ăn

LÊ THIÊN NGÂN 18/05/2016 10:23

Ở xã Bình Hải, huyện Thăng Bình hiện có hai mô hình hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) kiểu mới do thanh niên làm chủ hoạt động hiệu quả. Điểm thành công của các mô hình này là các thanh niên dám nghĩ, dám làm, khởi nghiệp bằng việc liên kết làm ăn.

Mô hình HTX Nông nghiệp Bình Hải do anh Trần Văn Nhẫn, 32 tuổi, làm chủ nhiệm được thành lập từ những cách làm nhỏ như thu gom rác thải, xây dựng các công trình thủy lợi kênh mương. Anh Nhẫn từng học kế toán, sau một thời gian làm việc tại Tam Kỳ, Quế Sơn… anh về lại quê cùng anh em trong làng thành lập HTX. Anh nói: “Sau nhiều cuộc họp trao đổi kinh nghiệm làm ăn giữa các bạn đoàn viên trên địa bàn xã, mọi người đều có chung quan điểm là loại hình chăn nuôi, trồng trọt ít mang lại hiệu quả. Do đó, muốn phát triển bền vững phải làm dịch vụ, thành lập HTX với mục đích trước mắt là giải quyết công ăn việc làm cho những bạn đoàn viên thất nghiệp”. Ban đầu, HTX chỉ nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của 5 - 6 thành viên, bởi hầu hết thanh niên đều bày tỏ sự lo ngại và chưa tin vào hình thức lao động kiểu “làm chung hưởng chung” này. Tuy nhiên, khi những cán bộ đoàn chủ chốt đi tiên phong thành lập HTX vận động thuyết phục, dần dần số lượng thanh niên tình nguyện tham gia và góp vốn “cổ phần” đã lên con số 15.

Các thành viên tổ “làm công không tiền” giúp nhau làm nhà.Ảnh: L.T.N
Các thành viên tổ “làm công không tiền” giúp nhau làm nhà.Ảnh: L.T.N

Hiện HTX cung ứng giống vật tư nông nghiệp cho người dân, thu gom rác, đầu tư xây dựng lò mổ tập trung với diện tích 500m2 cho các xã lân cận như Bình Sa, Bình Đào. Thu nhập của HTX được chia đều cho các thành viên tham gia trực tiếp, lãi ròng khoảng 40 triệu đồng/năm. Anh Nhẫn chia sẻ: “Tôn chỉ của HTX do Đoàn tổ chức là làm sao tạo việc làm cho tất cả thành viên và giúp họ nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình. Một khi mở rộng thêm loại hình sản xuất mới, dĩ nhiên mục đích chính không chỉ thúc đẩy sự phát triển chung mà còn giải bài toán việc làm của anh em, để mọi người thấy rằng ai cũng có đóng góp cho thành công chung của tập thể”.

Dù mới thành lập được hơn hai năm, nhưng THT thanh niên “làm công không tiền” (thôn Phước An 2, xã Bình Hải) cũng đã chứng minh tính hiệu quả, giúp không ít người sớm vượt qua khó khăn trong cuộc sống. “Mỗi căn nhà có thể giảm 15 - 20 triệu đồng tiền công xây dựng”. Đó là con số được anh Nguyễn Ngọc Danh (tổ trưởng) đưa ra khi nói về lợi ích của mô hình THT do anh khởi xướng. Anh Danh cùng với các anh Hoàng Kim Hoài, Lê Minh Trung và Nguyễn Ngọc Tụa (cùng trú thôn Phước An 2) được xem là những “người sáng lập”. Nói về quá trình thành lập THT, anh Danh cho hay: “Tháng 3.2014, gia đình anh Tụa tu sửa ngôi nhà đang xuống cấp nghiêm trọng. Nhận thấy hoàn cảnh anh khó khăn nên tôi cùng anh Hoài, anh Trung quyết định gác lại công trình đã nhận ngoài Đà Nẵng và tập trung giúp Tụa sửa sang lại nhà cửa. Chúng tôi làm không công nhằm giúp Tụa nhẹ đi gánh lo tiền công thợ. Sau khi công trình hoàn thành, bốn anh em đồng tâm nhất trí sẵn sàng san sẻ ngày công cho nhau nếu ai đó trong nhóm có nhu cầu xây dựng”. Sau công trình mang đậm tinh thần tương thân tương ái này, dần dần tổ nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của nhiều tay thợ khác trên địa bàn xã. Đến nay sau hơn một năm thành lập, số lượng thợ ghi danh vào THT đã lên đến 30 và tất cả làm việc dựa trên tinh thần tự nguyện theo đúng câu khẩu hiệu mà tổ đề ra: san sẻ ngày công, giúp nhau dựng nhà.

THT không họp thường xuyên, chỉ khi nào trong 30 thành viên hoặc các gia đình nghèo, gia đình chính sách làm nhà, các thành viên mới kết nối với nhau. Thành viên nào bận thì có thể tranh thủ tham gia trong các ngày nghỉ. Nhiều thành viên của tổ cũng nhờ tham gia chương trình này mà học hỏi được nhiều kinh nghiệm, nâng cao tay nghề. Anh Hoàng Kim Thuận (27 tuổi, thành viên trong THT) cho hay: “Lúc đầu tham gia, mình chỉ phụ việc chứ cũng chưa biết cầm bay, cầm thước. Nhưng rồi dần dà mình học hỏi mấy anh lớn hơn, giờ cũng thành thợ rồi. Hồi trước cũng có nghĩ tham gia tổ làm không công thì lấy gì mà sống. Nhưng sau khi gia nhập, được anh em trong tổ tạo điều kiện tham gia thi công các công trình nên công việc ổn định. Bây giờ mình vừa có thể kiếm tiền thi công các công trình ở ngoài, vừa có thể phụ giúp công xây dựng nhà cho các gia đình khó khăn trong tổ”. Tổng cộng đã có 15 căn nhà của các thành viên được xây dựng nhờ THT. “Mô hình này đã dễ dàng giải bài toán khó về mối lo tiền công thợ. Định kỳ hằng tháng anh em nhóm họp, lịch trình xây nhà cho nhau được đề ra cụ thể và phân bổ hợp lý để không ảnh hưởng đến công trình nhà cửa mà anh em đã nhận bên ngoài địa phương” - anh Hoài, thành viên trong tổ, nói.

LÊ THIÊN NGÂN

LÊ THIÊN NGÂN