Hàng Việt sẽ chịu nhiều áp lực

CHIÊU THỤC ANH 16/05/2016 09:11

Thông tin hệ thống siêu thị Big C được tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua với mức giá 920 triệu euro (tương đương 1,05 tỷ USD) khiến nhiều người tiếc nuối và âu lo. Bởi, nguy cơ đánh mất “sân nhà” đối với hàng Việt là điều dư luận đang nói đến...

 Dòng chảy hàng ngoại

Không đợi đến khi thương vụ mua bán lịch sử giữa cuộc chạy đua của Saigon Co.op và tập đoàn Central Group (Thái Lan) kết thúc với kết quả là chuỗi bán lẻ lớn Big C rơi vào tay người Thái, người ta mới lo ngại cho thị trường của hàng Việt. Bởi, từ vài năm nay, tại các hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm lớn, dù các ông chủ đều khẳng định hàng Việt chiếm ưu thế với thị phần 85% - 90% trong hàng hóa trưng bày nhưng hàng ngoại có xuất xứ từ các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Nhật Bản, Mỹ... cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều trên kệ siêu thị, cửa hàng tạp hóa. “Chân tay tôi vào mùa khô hay bị nứt nẻ, cách đây vài năm tôi có dùng gel Lana bôi nứt gót chân của Công ty hóa mỹ phẩm Lana sản xuất (TP.Hồ Chí Minh), rất hiệu quả. Trước, tôi tìm mua khá dễ dàng vì để ở vị trí dễ tìm trên kệ siêu thị, mua lúc vài hộp để dành dùng dần. Vài ba năm nay, tìm mua khó hơn cả mua hàng có nguồn gốc Pháp, Mỹ nên tôi bỏ hẳn Lana dùng sang thương hiệu khác” - chị Nguyễn Hương Linh (thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân, huyện Núi Thành), chia sẻ.

Hàng Việt có nguy cơ thua ngay trên sân nhà.Ảnh: C.T.A
Hàng Việt có nguy cơ thua ngay trên sân nhà.Ảnh: C.T.A

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được các cấp, đoàn thể, ban ngành đánh giá là thành công khi lượng hàng hóa có xuất xứ trong nước được nhiều người tin dùng ở cả thành phố lẫn vùng sâu, vùng xa, miền núi. Thế nhưng, những mặt hàng có xuất xứ từ các nước ASEAN đang có xu hướng lấn sân thị trường Việt. “Gia đình hai anh em chúng tôi vừa thay tủ lạnh mới. Tủ lạnh Sharp tôi mua và Panasonic của anh trai đều có xuất xứ từ Thái Lan. Khi khảo sát mua hàng mới thấy, các sản phẩm này hàng Việt cũng có nhưng không nhiều. Ngoài ra, giá cả cũng không mềm bằng giá của mặt hàng có xuất xứ từ Thái Lan” - chị Lê Thị Thắm (đường Hoàng Diệu, TP.Tam Kỳ), nói. Anh Huỳnh Văn Tứ (quản lý cửa hàng điện máy Đức Lâm, đường Phan Châu Trinh, TP.Tam Kỳ) cho hay: “Thuế của các mặt hàng điện máy nhập khẩu từ Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức giảm sâu, hàng trong nước mẫu mã không đa dạng bằng nên đa số các công ty điện máy nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”.

Tìm cách giữ sân nhà

Không riêng các mặt hàng điện máy, nhiều mặt hàng như hóa mỹ phẩm, quần áo, nước giải khát, trái cây... cũng đang có xu hướng bị hàng ngoại lấn sân. Khi trái cây Trung Quốc bị tẩy chay, người tiêu dùng tìm đến hàng Việt và hàng có xuất xứ từ Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan nhiều hơn. Không khó để nhận thấy, trên kệ siêu thị Co.opmart Tam Kỳ hay bất cứ siêu thị có kinh doanh trái cây, trái cây ngoại nhập được bố trí một kệ lớn, dễ nhìn, bắt mắt và luôn có khách hàng tìm mua. Đó là chưa kể đến những nguồn hàng nhập khẩu bằng đường tiểu ngạch, không chính thức. Ở địa bàn Quảng Nam, hàng tiêu dùng hóa mỹ phẩm của Thái Lan cũng đã bắt đầu có một vài cửa hàng nhỏ nhập bán với giá cả dễ chịu. Thường các cửa hàng này chỉ treo bảng nhỏ, ít phô trương hoặc ở trong các hẻm, ngõ. Trong khi đó, tại TP.Đà Nẵng, ngay mặt tiền đường Hùng Vương, Phan Châu Trinh, Hoàng Diệu... đã dần mọc lên các siêu thị mini chuyên bán đồ Thái Lan từ bàn chải, bột giặt, nước xả vải đến bánh kẹo, nước giải khát, quần áo. “Nói hàng Việt nhưng những mặt hàng hóa mỹ phẩm của Unilever, P&G hay thực phẩm của Ajinomoto sản xuất ở Việt Nam nhưng đều do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất thì việc dùng hàng Thái hay hàng Nhật, đều không phải do chính công ty Việt sản xuất. Vậy nên chất lượng, giá cả vẫn quan trọng hơn hết” - chị Lê Thị Thắm nói.

Rõ ràng, hàng thuần Việt tại các kênh phân phối không nhiều, hầu hết là các sản phẩm cá, thịt, rau, dầu ăn, gạo. Còn các sản phẩm khác tuy “mang tiếng” là hàng Việt nhưng đều do người nước ngoài đầu tư. Các hệ thống phân phối như siêu thị, trung tâm thương mại tuy cổ động cho hàng Việt, sẵn sàng ưu tiên cho hàng Việt nhưng người sản xuất không đáp ứng nhanh chóng, kịp thời các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cạnh tranh. “Chúng tôi sẵn sàng và luôn muốn người tiêu dùng được sử dụng hàng Việt ngay trên mảnh đất của mình. Các món đặc sản của Quảng Nam - Đà Nẵng như mắm dì Cẩn, bánh Quế Sơn, bánh tráng Đại Lộc, rau theo tiêu chuẩn VietGAP cũng được bố trí ở vị trí tốt trên kệ nhưng hầu hết nhà sản xuất đều yếu về khâu đáp ứng an toàn vệ sinh thực phẩm, lâu dài”, bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc siêu thị Co.opmart Tam Kỳ, cho hay.

CHIÊU THỤC ANH

CHIÊU THỤC ANH