Giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản
Ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở KH&ĐT khẳng định, chậm nhất đến năm 2019, tất cả khoản nợ đọng xây dựng cơ bản từ năm 2014 trở về trước sẽ được thanh toán dứt điểm.
Xác định nợ
Cam kết năm 2015 sẽ giải quyết hết nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB), không đẩy nợ về tương lai của tỉnh đã không thể thực hiện được. Sở KH&ĐT cho hay sau nhiều lần rà soát nợ đọng có biên bản nghiệm thu khối lượng, con số nợ đọng theo tổng hợp báo cáo của các chủ đầu tư tính đến ngày 31.12.2014 từ 3.535 tỷ đồng đã liên tục giảm xuống, chỉ còn khoảng 2.964 tỷ đồng. Số nợ được phân chia cụ thể, gồm: nguồn hỗ trợ ngân sách trung ương 517 tỷ đồng, nguồn vốn trái phiếu chính phủ 248 tỷ đồng, nguồn ngân sách địa phương 2.199 tỷ đồng (khối tỉnh quản lý nợ 2.123 tỷ đồng, khối địa phương quản lý nợ 1.076 tỷ đồng).
Cầu Cửa Đại là một trong những dự án đầu tư còn nợ nhiều cần được bố trí thanh toán trả nợ.Ảnh: T.D |
Theo ông Lê Phước Hoài Bảo, Quảng Nam đã tích cực bố trí vốn thanh toán nợ đọng nên nợ đã giảm rất nhanh. Kế hoạch vốn đầu năm 2015 chỉ bố trí 1.309 tỷ đồng trả nợ đã được bổ sung thêm 244 tỷ đồng. Riêng năm 2016, các nguồn ngân sách đã bố trí 366 tỷ đồng, đạt 22% trên tổng nợ 2016 - 2020 để thanh toán nợ đọng XDCB. Hiện Hội An, Quế Sơn đã hoàn tất việc thanh toán nợ đọng XDCB, 4 địa phương khác (Điện Bàn, Nông Sơn, Phước Sơn và Đông Giang) và 13 sở, ban, ngành chỉ còn dưới 1 tỷ đồng/mỗi đơn vị, địa phương. “Kể từ năm 2015, thực hiện Luật Đầu tư công thì các dự án đầu tư không còn xảy ra nợ đọng XDCB. Sở KH&ĐT đã làm việc với từng chủ đầu tư cụ thể có hồ sơ nghiệm thu, rà soát rất kỹ, thực hiện quy nợ khối lượng thanh toán, nên con số nợ được công bố ấy là tương đối chính xác” - ông Bảo nói.
Theo kế hoạch, tổng số nợ được xác định phải bố trí thanh toán giai đoạn 2017 - 2020 là 1.046 tỷ đồng. Nguồn ngân sách trung ương phải bố trí 76 tỷ đồng, nguồn trái phiếu chính phủ phải bố trí 15 tỷ đồng, nguồn ngân sách địa phương phải bố trí 955 tỷ đồng. Khối tỉnh quản lý phải bố trí 649 tỷ đồng (chiếm 68% tổng nợ ngân sách địa phương), khối địa phương quản lý phải bố trí 306 tỷ đồng (chiếm 32% tổng nợ ngân sách địa phương). Chiếm số nợ nhiều nhất là Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai nợ 582 tỷ đồng (cầu Cửa Đại nợ 495 tỷ đồng, chiếm 85% tổng nợ của ban quản lý), chiếm 76% tổng nợ khối tỉnh quản lý ngân sách địa phương, chiếm 52% tổng nợ ngân sách địa phương và chiếm 46% tổng nợ toàn Quảng Nam.
Xử lý nợ dứt điểm
Cần nhanh chóng thực hiện phương án và lộ trình thanh toán nợ Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu cần nhanh chóng thực hiện phương án và lộ trình thanh toán nợ đọng XDCB. Ưu tiên bố trí vốn thanh toán nợ trước khi bố trí vốn cho các dự án khởi công mới. Chủ động lồng ghép các nguồn để tập trung thanh toán nợ, nhất là các nguồn vượt thu, tăng thu và nguồn để lại. Rà soát chặt chẽ khối lượng đã được nghiệm thu đảm bảo đúng quy định. Tạm dừng hoặc cắt giảm quy mô đầu tư đối với các hạng mục công trình chưa thực sự cấp bách, sớm tổ chức nghiệm thu và quyết toán đối với các hạng mục, công trình hoàn thành để làm cơ sở thanh toán nợ. Nếu để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản sau ngày 31.12.2014 sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định pháp luật về đầu tư công và các quy định pháp luật hiện hành. Nếu hết năm 2018, các dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng vẫn chưa phê duyệt quyết toán sẽ không bố trí thanh toán nợ đọng, nhất là các dự án nhóm C (nhóm dự án có thời hạn bố trí vốn trong 3 năm). |
Ông Lê Phước Hoài Bảo khẳng định, sở đã lên kế hoạch trả nợ chi tiết căn cứ vào các báo cáo của từng địa phương, sở, ban, ngành… Quan điểm của chính quyền và cơ quan quản lý là xử lý dứt điểm các khoản nợ đọng XDCB phát sinh trước ngày 31.12.2014, chậm nhất đến hết năm 2018 với các ngành và hết năm 2019 cho tất cả địa phương. Theo ông Võ Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, không đầu tư sẽ khó có cơ hội phát triển. Nhưng tất cả dự án đầu tư đều phải được tính toán trên cơ sở nguồn lực tài chính địa phương, cần đánh giá về hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, dự báo tiến độ thi công, thẩm tra các dự án đầu tư để có thể xem xét tiếp tục đầu tư hay dừng, khống chế nợ và thời hạn hoàn tất việc trả nợ. “Không sợ nợ. Nợ dưới 30% không lớn. Vấn đề là kiểm soát nguồn, phân định rõ loại nợ. Ưu tiên dùng nguồn vượt thu để phân bố trả nợ. Xác định rõ số nợ của doanh nghiệp và xử lý thanh toán theo cam kết, không để doanh nghiệp ta thán bởi để nợ kéo dài, doanh nghiệp sẽ “chết” hết” - ông Hồng nói
Một động thái quan trọng được chính quyền đưa ra hay nói đúng hơn là siết chặt việc phân bổ nguồn lực trả nợ từ ngân sách nhà nước. UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan quản lý khi phân bổ kế hoạch vốn hàng năm cho các đơn vị, sẽ phải tham mưu phân bổ riêng cho các dự án thuộc danh mục nợ đọng XDCB phát sinh trước 31.12.2014, đảm bảo sẽ thanh toán dứt điểm trong thời gian đó. UBND các huyện, thị xã, thành phố sớm xây dựng phương án xử lý nợ phát sinh trước ngày 31.12.2014, trình HĐND cùng cấp thông báo và gửi về UBND tỉnh, Sở KH&ĐT, Sở Tài chính trước ngày 31.5.2016 để theo dõi, trên cơ sở sử dụng tối thiểu 60% ngân sách địa phương theo phân cấp phân bổ hàng năm và các nguồn thu để lại cho địa phương bố trí thanh toán dứt điểm nợ vào năm 2019 và không để phát sinh thêm nợ mới. Việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và kế hoạch vốn đầu tư phát triển hàng năm ưu tiên cho thanh toán nợ đọng XDCB phát sinh trước ngày 31.12.2014, với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước do UBND tỉnh trực tiếp phân bổ chi tiết kế hoạch vốn hàng năm, xây dựng phương án và lộ trình thanh toán nợ, bảo đảm thanh toán dứt điểm đến hết năm 2018.
Theo phân tích của các nhà đầu tư tài chính, với khả năng tăng trưởng ngân sách của Quảng Nam và kết quả trả nợ trong hai năm gần đây hơn 1.900 tỷ đồng trên tổng số nợ đã được xác định thì khả năng tất toán các khoản nợ ấy theo đúng kế hoạch là điều có thể.
TRỊNH DŨNG