Cơ hội dành cho mọi doanh nghiệp
Gỡ bỏ rào cản, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và mọi doanh nghiệp (DN) đều có cơ hội phát triển… là thông điệp phát đi từ Chính phủ tại hội nghị trực tiếp, trực tuyến “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hôm 29.4.2016.
Doanh nghiệp hiến kế
Khá nhiều doanh nhân đã lên tiếng kiến nghị, hiến kế giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng tại hội nghị trực tiếp, trực tuyến Chính phủ hôm 29.4.2016 với mong muốn củng cố niềm tin, vực dậy tinh thần, phục hồi và phát triển DN. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam nói cộng đồng DN kiến nghị giảm thiểu các rủi ro và chi phí về hành chính (giao dịch, gia nhập thị trường, tuân thủ luật pháp…), đẩy mạnh, xem xét cải cách theo hướng cắt giảm thuế và phí…, ngăn chặn việc đặt ra các loại phí sai quy định ở địa phương, quản lý chặt chẽ các khoản phí cầu đường, giao thông… Cộng đồng DN yêu cầu bên cạnh việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, ban hành các chương trình khởi nghiệp, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành DN và cần có chính sách thúc đẩy tăng cường kết nối DN Việt Nam với FDI, thay vì chỉ tập trung vận động thu hút đầu tư FDI như hiện tại…
Doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện, trao cơ hội phát triển. TRONG ẢNH: Xưởng sản xuất và lắp ráp ô tô của Trường Hải tại Chu Lai. Ảnh: T.D |
Cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh vai trò kiến tạo của nhà nước là vấn đề được DN quan tâm. Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị nên gom các đoàn thanh tra, kiểm tra của các ngành để mỗi năm chỉ kiểm tra tổng thể 1 - 2 lần, giảm bớt gánh nặng cho DN. Đại diện Hiệp hội DN Hoa Kỳ kiến nghị Việt Nam sớm phê chuẩn hiệp định TPP. Áp dụng các giải pháp giảm thiểu giấy tờ trong các giao dịch hành chính, tiền tệ. Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco cho rằng các địa phương cần lắng nghe cộng đồng DN để chia sẻ những khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, tạo môi trường bình đẳng, lành mạnh cho các DN phát triển. Ông Dương cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, tự DN phải đề cao đạo đức kinh doanh, mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ chủ động hội nhập. Nhà nước phải thực hiện tốt vai trò kiến tạo, người tiêu dùng phát huy vai trò giám sát để thúc đẩy kinh tế phát triển. Đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản mong muốn xem xét, điều chỉnh một số quy định về pháp luật đầu tư, quy định làm thêm giờ, nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, cấp giấy chứng nhận đầu tư… phù hợp với thông lệ quốc tế. Ông Diệp Dũng - Chủ nhiệm HTX Thương mại Saigon Co.op nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của thị trường bán lẻ, nên cần Chính phủ có giải pháp bảo vệ thị phần, thêm các chính sách bảo hộ, hỗ trợ phù hợp với các DN bán lẻ…
Không “sớm nắng, chiều mưa” các chính sách
Trước hàng trăm kiến nghị, hiến kế từ DN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng DN cần chủ động hội nhập, đừng để thua ngay trên sân nhà. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định Đảng, Nhà nước đã tập trung làm thể chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, nhìn chung là tốt, tạo điều kiện hơn trước rất nhiều, với nhiều quy định tiến bộ để phục vụ DN phát triển. Tuy nhiên, do nhiều trở ngại nên hiện môi trường đầu tư vẫn chưa thực sự tạo thuận lợi cho DN. Các luật không rõ ràng, khiến có nhiều cách hiểu khác nhau, việc bổ sung, chỉnh sửa chậm do vướng cơ chế, thông tin về luật không rõ ràng, tính tương thích chưa cao. Chưa có cơ chế hiệu quả cho DN đột phá, thiếu khoa học công nghệ và những DN mang thương hiệu Made in Việt Nam lớn không nhiều. Sức cạnh tranh DN giảm do thể chế chính sách, góp phần đưa chi phí cao, thiếu áp dụng khoa học công nghệ, thiếu DN mạnh, tình trạng phí không chính thức làm mất thời gian, tiền bạc của DN, cán bộ còn gây phiền hà cho DN. Những cải cách kinh tế chưa đạt mục tiêu cụ thể đề ra. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thể hiện rõ nét. Các chính sách kinh tế của Chính phủ bị cắt khúc, chưa thực sự tạo động lực cho cải thiện môi trường kinh doanh, thiếu cạnh tranh bình đẳng...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố Nhà nước bảo đảm quyền kinh doanh của DN mà pháp luật không cấm, đảm bảo hoạt động của DN, không “sớm nắng, chiều mưa” trong chính sách. Ổn định kinh tế vĩ mô. Tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Không để kẻ xấu phá hoại DN. Các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành chính sách sẽ rõ ràng. Người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm đến cùng quyết định của mình. Các quy định về điều kiện phải minh bạch, lượng hóa được, dễ hiểu để nhà đầu tư, DN tự đánh giá được để tuân thủ. Các quy định phải nhận khó khăn về cơ quan nhà nước, tạo ưu tiên cho người dân và DN, theo tinh thần “Nhà nước kiến tạo, cung cấp dịch vụ cho người dân và DN, lấy người dân và DN làm đối tượng phục vụ”. Coi DN tư nhân là động lực phát triển kinh tế. Không hình sự hóa các hoạt động kinh tế. Giảm dần và loại bỏ giấy phép con. Kiến tạo môi trường kinh doanh để DN yên tâm đầu tư vì Việt Nam sẽ bảo vệ lợi ích hợp pháp của DN. Sẽ sớm có nghị quyết chuyên đề về DN, sẽ xử lý kịp thời những kiến nghị của DN. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đặt câu hỏi: DN phải làm gì? Xây dựng năng lực phát triển hội nhập, văn hóa doanh nhân, DN, tiết kiệm chi phí và liêm chính trong sản xuất kinh doanh. Phải tự cứu mình trước khi trời cứu!
TRỊNH DŨNG
Cam kết phục vụ doanh nghiệp
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao việc các thành viên Chính phủ thể hiện cam kết phục vụ doanh nghiệp (DN). Sự cam kết của các bộ trưởng lần này là tư duy mới về chuyện tạo điều kiện hỗ trợ DN. Đây là một sự chuyển hướng không dễ trong tư duy và hành động.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam
Vấn đề cần làm ngay là nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh Việt Nam. Ai tiết kiệm chi phí, thời gian, tiền bạc, hiệu quả tốt nhất…thì được phân bổ nguồn lực. Tất cả thành viên Chính phủ đều phải vào cuộc, làm đến cùng và quy trách nhiệm. Tất cả vướng mắc, kiến nghị chính sách của DN sẽ được tiếp thu, giải quyết, không làm phiền DN. Chính phủ đề nghị DN đồng hành và cùng nhau tháo gỡ khó khăn. DN không chỉ kêu mà kiến nghị, đưa ra giải pháp sát cánh cùng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình
Luật Đầu tư và DN có hiệu lực từ ngày 1.7.2016, cụ thể hóa quyền tự do kinh doanh. Chính phủ đã chỉ đạo chuẩn bị nghị định hướng dẫn, không để đến khi luật có hiệu lực sẽ tạo ra khoảng không pháp lý. Các bộ, ngành nắm thật chắc các thông tư (có quy định điều kiện kinh doanh). Cái nào phù hợp, không phù hợp, cái nào cần nâng lên nghị định, cái nào cần tích hợp, cái nào cần sửa đổi cho kịp tiến độ. Tuyệt đối không đặt ra rào cản kinh doanh bất hợp lý.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng
Cần đánh giá đúng vai trò DN là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong nhiệm kỳ mới. Cam kết phục vụ DN là ưu tiên hàng đầu tạo điều kiện cho mọi DN phát triển. Sẽ kiến nghị Chính phủ giải pháp kinh tế thị trường. Tự do hóa thị trường. Phân bổ nguồn lực theo tín hiệu thị trường. DN đều tiếp cận minh bạch. Tất cả DN đều có cơ hội. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư. Thực thi cải cách mạnh mẽ, áp dụng nhất quán và người dân được tự do kinh doanh, bãi bỏ thủ tục hành chính không còn phù hợp. Xây dựng quỹ khởi nghiệp, hiện thực hóa hỗ trợ các cá nhân, hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Sẽ xóa bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho DN phát triển, thường xuyên mở những cuộc đối thoại. Luật có tuổi thọ quá ngắn, sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính thuế, hải quan. Qua ý kiến DN thì sẽ nghiên cứu tổng thể làm sao mọi mức độ thuế Việt Nam công bằng, bình đẳng, phù hợp với thông lệ quốc tế. Sẽ trình cơ quan thẩm quyền giải quyết vấn đề này để DN thụ hưởng. Tuy nhiên, nếu DN kêu về thuế thì liệu có ổn không? Thuế suất xuống 0% thì tại sao không xuất khẩu được? Cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh, bởi đã kinh doanh thì phải nộp thuế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
Ngày 1.7.2017, Luật Đầu tư và DN có hiệu lực. Đã cắt bỏ thêm 10 thủ tục hành chính và đơn giản hóa hơn các thủ tục. Sẽ điều chỉnh thông thoáng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh. Sẽ thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, mang lại hiệu quả cao hơn cho DN. Cộng đồng DN là đối tượng phục vụ, tạo mọi điều kiện phục vụ cho DN. Làm rõ các kiến nghị của DN để bổ sung các văn bản quy định. Kiến nghị xem xét xử lý một cách hợp lý khẩn trương, đặc biệt là hợp nhất các luật với nhau trên cơ sở thống nhất của liên bộ.
TRỊNH DŨNG (lược ghi)