Tạo mặt bằng sạch cho dự án

TRẦN HỮU 01/05/2016 12:15

Năm 2016, nhiều dự án, công trình trọng điểm vùng đông khởi động, đã gây áp lực không nhỏ trong cuộc đua hoàn thành tiến độ giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư. Cùng với đó là quy hoạch đô thị, sắp xếp dân cư, giải quyết nơi ăn chốn ở ổn định cho người bị thu hồi đất.

Hình thành nhiều dự án đầu tư chiến lược với diện tích giao đất “khủng” cho doanh nghiệp, nhưng thời gian qua giải phóng mặt bằng ở vùng đông kéo dài từ huyện Duy Xuyên vào Núi Thành cơ bản thuận buồm xuôi gió. Để quản lý chặt chẽ hiện trạng, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đã điều chỉnh, cắt giảm hàng nghìn héc ta đất so với quy hoạch ban đầu đã phê duyệt. Tại vùng đông Duy Xuyên, Thăng Bình, hàng loạt dự án xây dựng đường giao thông quy mô lớn, hơn 10 dự án tái định cư, sắp xếp dân cư ven biển dù phát sinh không ít hệ lụy về an sinh, bất cập tái định cư nhưng không tạo ra “điểm nóng” về khiếu nại, khiếu kiện đền bù đất đai như các dự án mở rộng quốc lộ 1, hay đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Có mặt bằng sạch ở vùng đông, các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư làm ăn lâu dài.
Có mặt bằng sạch ở vùng đông, các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư làm ăn lâu dài.

Gỡ rối đất đai

Hiện nay, các cơ quan làm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng lớn của tỉnh như Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà Chu Lai, Tổ công tác của UBND tỉnh về thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng tập trung nhân lực cho dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An. Theo chủ đầu tư, dự án được chia thành 7 giai đoạn và khởi công vào ngày 24.4 này. Dự án có tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD với diện tích 985ha, thuộc các xã Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) và xã Bình Dương (huyện Thăng Bình). Ước tính có 1.800 hộ dân (hơn 8.000 nhân khẩu) buộc phải di dời đến nơi khác để nhường đất cho dự án.

Từ các dự án động lực vùng đông, việc sắp xếp dân cư ven biển sẽ trở nên bài bản hơn. TRONG ẢNH:  Một góc khu tái định cư ở xã Bình Dương (Thăng Bình).
Từ các dự án động lực vùng đông, việc sắp xếp dân cư ven biển sẽ trở nên bài bản hơn. TRONG ẢNH: Một góc khu tái định cư ở xã Bình Dương (Thăng Bình).

Vào thời điểm trước Tết Bính Thân 2016, khi nghe tin dự án rục rịch, người dân ồ ạt xây nhà trái phép để “chạy” chính sách bồi thường. Tuy nhiên, Tổ công tác của UBND tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời chấn chỉnh, xử lý 44 trường hợp xây dựng, cơi nới nhà cửa, làm tường rào, cổng ngõ trái phép trong vùng đã công bố quy hoạch thuộc địa bàn thôn Tây Sơn Tây và Tây Sơn Đông (xã Duy Hải, Duy Xuyên). Thời điểm này, có 48ha mặt bằng sạch ở xã Duy Hải đã được giao cho đơn vị thi công đúng tiến độ. Chỉ cần chính quyền lơ là trong quản lý hiện trạng, một số đối tượng có thể lợi dụng cơi nới xây dựng để trục lợi chính sách. Hiện nay Tổ công tác của UBND tỉnh đang xem xét, đề xuất hướng giải quyết từng trường hợp đất đai của người dân. Tại xã Duy Hải, có nhiều hộ thực tế sử dụng đất ở lớn hơn diện tích ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Với các trường hợp đất ở có vườn ao đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là loại đất thổ cư, được cộng đồng dân cư và hội đồng tư vấn xã xác nhận thửa đất trên do hộ gia đình sử dụng có thời điểm trước ngày 18.12.1980. Khi thực hiện trích đo địa chính, thu hồi đất thì diện tích thửa đất lớn hơn diện tích được công nhận, không xảy ra tranh chấp thì sẽ giải quyết công nhận toàn bộ diện tích thửa đất như nêu trên là đất ở.

Tăng cường quản lý hiện trạng, tập trung ưu tiên giải phóng mặt bằng
Để triển khai thực hiện các dự án trọng điểm tại vùng đông nam, Tỉnh ủy đã đưa ra các nhóm giải pháp, trong đó cần tăng cường quản lý hiện trạng, tập trung ưu tiên giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để kêu gọi thu hút đầu tư. Cụ thể, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, ý nghĩa của việc triển khai xây dựng các dự án trọng điểm để tạo sự đồng thuận, ủng hộ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là trong công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để triển khai dự án.
Huy động cả hệ thống chính trị tham gia công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể trong công tác vận động nhân dân thực hiện tốt các chính sách liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, chây ỳ, cản trở việc triển khai các dự án, giữ vững trật tự an toàn xã hội, không để kẻ xấu kích động, lợi dụng; không để xảy ra điểm nóng, dân khiếu kiện đông người. M.Đ

Ông Huỳnh Bửu - Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà Chu Lai cho biết, cách tính giá thành của đất tái định cư như hiện nay là khá cao, thậm chí có chênh lệch lớn so với giá đất ở được bồi thường. Những trường hợp nhận đất tái định cư nhưng không thuộc diện được hỗ trợ theo Quyết định số 02 của UBND tỉnh (ngày 15.1.2016), sau khi được bồi thường, buộc phải nộp tiền mua đất tái định cư, nhưng các hộ này không thống nhất dẫn đến chậm tiến độ giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, hiện UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Tài nguyên - môi trường xem xét, tính toán giá phù hợp với thực tế.

Giải quyết nguyện vọng người dân

Theo ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải, trên địa bàn xã có nhiều trường hợp gia đình có các cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất. Trước khi Nhà nước công bố quy hoạch, chủ hộ đã lập hồ sơ xin tách thửa, chuyển mục đích, tặng quyền sử dụng đất cho 2 người con nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết (hiện đã xây dựng nhà ở riêng). Vì vậy, chính quyền đề nghị cho phép thực hiện việc công nhận đất ở cho các hộ trên, đồng thời lập thủ tục thực hiện nghĩa vụ tài chính theo đúng quy định. Còn tại xã Duy Nghĩa, cơ quan bồi thường hiện nay gặp lúng túng về giải quyết bồi thường loại đất rừng do UBND huyện Duy Xuyên chưa ban hành quyết định công nhận hạn mức với các trường hợp cụ thể.

Ông Huỳnh Bửu - Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà Chu Lai thông tin, hiện cơ quan bồi thường đã chi gần 50 tỷ đồng cho hơn 400 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An. Giai đoạn 1, gần 1.700 ngôi mộ ở xã Duy Hải đã giải tỏa, di dời dứt điểm.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, chủ đầu tư cùng với chính quyền địa phương sẽ ưu tiên giải quyết nguyện vọng chính đáng, hợp pháp cho người dân vùng giải tỏa. Với các trường hợp hộ gia đình hiện có nhà ở trong phạm vi của dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An quy mô diện tích 1.017ha, nếu có nguyện vọng muốn thực hiện việc bồi thường giải tỏa trước thời hạn theo kế hoạch giải phóng mặt bằng chung của dự án thì giao cho chủ đầu tư (Công ty CP Đầu tư và phát triển Kỳ Hà Chu Lai) phối hợp với xã, các cơ quan liên quan thực hiện bồi thường theo quy định mà không phải áp dụng việc phải đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm theo quy định. Đây là cơ chế linh hoạt, vận dụng phù hợp với thực tiễn và đảm bảo pháp luật. Tại cuộc họp với Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu lai, các sở, ngành liên quan giải quyết vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu lưu ý, phải bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư sớm nhất. Cho nên, các cơ quan quản lý, địa phương cần quản lý hiện trạng mặt bằng, nhanh chóng đo đạc, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tập trung mọi nguồn lực, nhân lực đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu tái định cư, sắp xếp dân cư vùng ảnh hưởng dự án. Trước mắt, giải quyết dứt điểm các vướng mắc về bồi thường, tạo sự đồng thuận cao từ phía người dân. Về dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cũng đề nghị các đơn vị liên quan sớm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đôn đốc chủ đầu tư dự án hoàn chỉnh điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng (1/2000) và quy hoạch chi tiết (1/500) giai đoạn 1.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU