Động lực vùng đông nam
Dải đất ven biển Quảng Nam đang chuyển động với những dự án được xem là động lực mới tạo bước đột phá phát triển công nghiệp. Sự khởi đầu của nhiều dự án động lực đã mang đến niềm hy vọng về bước chuyển mình của vùng đông nam và cũng đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý, xây dựng hạ tầng, xúc tiến đầu tư...
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đã đề ra mục tiêu là xây dựng và phát triển vùng đông trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh. Để thực hiện mục tiêu này, cần phải xây dựng chiến lược phát triển vùng đông nam một cách bài bản, lâu dài với nòng cốt là những nhóm chương trình, dự án trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển lan tỏa.
Cơ hội cho Chu Lai
Nhân dịp khởi công các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế mở Chu Lai vào ngày 24.4 tới, ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai đã dành cho Báo Quảng Nam cuộc trao đổi xung quanh cơ hội và những giải pháp tháo gỡ khó khăn để thu hút đầu tư, phát triển bền vững vùng đông nam của tỉnh.
PV: Thưa ông, Tỉnh ủy vừa ban hành kết luận về lãnh đạo thực hiện các nhóm dự án trọng điểm vùng đông nam của tỉnh. Ông đánh giá như thế nào về cơ hội mới đối với sự phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai?
Vùng đông nam của tỉnh nói chung và Khu kinh tế mở Chu Lai nói riêng được Tỉnh ủy quan tâm chọn là một trong những lĩnh vực trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo ngay từ đầu nhiệm kỳ và ra kết luận để làm cơ sở triển khai thực hiện. Điều đó thể hiện sự quyết tâm của hệ thống chính trị trong việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển hơn nữa vùng đông nam, sớm đưa Quảng Nam trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại như các nghị quyết đại hội XX, XXI của tỉnh đã đề ra.
Cảng Tam Hiệp - Trường Hải. Ảnh: HẢI HOÀNG |
Lần này, Tỉnh ủy ra kết luận với mục tiêu quan trọng chính là định hình lại mô hình phát triển của vùng đông nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới có những thay đổi sâu sắc, bên cạnh đó vùng đông nam cũng đã có những thành tựu, bước đi ban đầu khá khởi sắc. Đến nay, qua 13 năm vận động, tìm tòi, vùng đông nam và Khu kinh tế mở Chu Lai đã hình thành con đường phát triển riêng của mình. Tỉnh ủy đã kết luận chỉ đạo xây dựng 6 nhóm dự án trọng điểm để tập trung đầu tư dựa trên các tiền đề, thế mạnh sẵn có của từng khu vực trong vùng. Sáu nhóm dự án trọng điểm này với tổng quy mô sử dụng đất khoảng hơn 10.000ha, trải dài trên vùng đông của 4 huyện, thành phố: Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành sẽ là động lực lan tỏa phát triển kinh tế cho các địa phương nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
PV:Việc triển khai đồng bộ 6 nhóm dự án trọng điểm, với sự hình dung của ông, trong 5 - 10 năm tới, diện mạo vùng kinh tế động lực Quảng Nam sẽ như thế nào? Hay nói cách khác, từ bây giờ, có thể định hình tương lai của Khu kinh tế mở Chu Lai ra sao, với những nét cơ bản nhất?
Sáu nhóm dự án trọng điểm Theo kết luận của Tỉnh ủy, vùng đông nam của tỉnh được định hướng 6 nhóm dự án trọng điểm nhằm tạo ra bước đột phá, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Quảng Nam thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020 và sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại như mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI đề ra. Cụ thể: |
Thực tiễn tương lai sẽ có câu trả lời, nhưng chúng ta có quyền kỳ vọng trên cơ sở khá vững chắc từ sự đúc kết hoạt động của quá khứ và đánh giá các thành quả đã đạt được cũng như thời cơ, thuận lợi mà vùng đông nam và Khu kinh tế mở Chu Lai đang có.
Diện mạo vùng đông nam trong những năm đến có thể định hình khái lược như sau: Về cơ sở hạ tầng, tiếp tục hoàn chỉnh tuyến đường bộ ven biển kết nối từ Đà Nẵng, Hội An đến nam Hội An, sân bay Chu Lai và xây dựng các tuyến đường ngang nối vùng ven biển với quốc lộ 1, đường cao tốc để cơ bản hoàn thiện hạ tầng khung giao thông liên vùng trong khu vực. Đây là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu để làm điều kiện tiên quyết cho phát triển. Về không gian phát triển, sẽ tập trung cho 2 khu vực chính: đô thị Nam Hội An gồm phía đông sông Trường Giang tập trung phát triển du lịch dịch vụ với tiêu chuẩn đẳng cấp quốc tế, phía tây Trường Giang sẽ là khu vực năng động, tập trung phát triển đô thị công nghiệp ưu tiên phục vụ xuất khẩu. Đô thị Núi Thành - Chu Lai: tiếp tục phát triển Chu Lai thành khu kinh tế tổng hợp đô thị Núi Thành - Chu Lai, sẽ hình thành các trung tâm công nghiệp sản xuất hàng đầu trong nước, được phát triển nhanh các ngành công nghiệp như trung tâm công nghiệp cơ khí ô tô, trung tâm khí điện với quy mô lớn, khai thác nhanh sân bay Chu Lai gắn với trung chuyển hàng hóa quốc tế với giá trị xuất khẩu cao.
PV:Khu công nghiệp Tam Thăng đang triển khai xây dựng rất nhanh với định hướng hình thành trung tâm dệt may quy mô lớn. Đây có thể xem là sự nhạy bén của các nhà đầu tư Hàn Quốc trong việc nắm bắt cơ hội từ Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vậy theo ông, trung tâm dệt may Tam Thăng có gì khác biệt so với hoạt động sản xuất - kinh doanh của ngành dệt may Quảng Nam hiện nay? Và Quảng Nam được lợi gì từ trung tâm dệt may Tam Thăng?
Có 3 sự khác biệt lớn trong việc hình thành trung tâm dệt may quy mô lớn tại Khu công nghiệp Tam Thăng so với hoạt động sản xuất - kinh doanh của ngành dệt may Quảng Nam hiện nay. Thứ nhất, hiện nay hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành dệt may Quảng Nam chỉ là hình thức may gia công xuất khẩu, phải nhập khẩu nguyên, phụ liệu tới 60 - 70% hàng năm. Sự hình thành trung tâm dệt may, trong đó có ngành công nghiệp hỗ trợ bao gồm sản xuất linh kiện, phụ tùng thiết bị, nguyên phụ liệu… đủ điều kiện ưu đãi thuế của TPP, đây là yếu tố quan trọng để sản xuất nhiều mặt hàng xuất khẩu. Thứ hai, trung tâm công nghiệp dệt may Tam Thăng với sự tập trung cao về hạ tầng kỹ thuật sẽ thuận lợi cho công tác quản lý đầu tư, xây dựng, sử dụng hạ tầng dùng chung, đảm bảo xử lý môi trường. Việc tập trung số lượng lớn nhà máy ngành dệt may sẽ thuận lợi cho việc tổ chức dịch vụ logistics quốc tế, giúp giảm giá thành sản phẩm, cạnh tranh được với thị trường quốc tế. Thứ ba, trung tâm công nghiệp dệt may sẽ gắn việc hình thành khu đô thị, nhà ở, dịch vụ xã hội và các điều kiện sống khác phục vụ cho công nhân. Đây là điều kiện quan trọng nhất để thu hút nguồn nhân lực đảm bảo lượng lao động lớn cung ứng cho sản xuất. Đây là điều mà các cơ sở sản xuất của ngành dệt may của tỉnh chưa làm được.
Quảng Nam được lợi nhiều từ Khu công nghiệp dệt may Tam Thăng. Trước tiên, về mặt chiến lược, đây là động lực đầu tiên phát triển kinh tế vùng đông gắn với phát triển đô thị đông Tam Kỳ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sớm đưa Quảng Nam trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Bên cạnh đó, sự hình thành Khu công nghiệp dệt may Tam Thăng sẽ nâng cao giá trị xuất khẩu, giải quyết 40 - 50 nghìn lao động cho địa phương…
PV: Để triển khai các dự án vùng đông, trong thời gian ngắn, Quảng Nam sẽ phải giải tỏa, bồi thường hàng nghìn héc ta đất và chuẩn bị nguồn nhân lực rất lớn phục vụ các doanh nghiệp đầu tư tại khu vực này. Theo ông, đâu là những thách thức lớn nhất đang đặt ra? Và ông có những kiến nghị nào để giải quyết những thách thức đó?
Có thể nói trong cơ hội phát triển luôn tiềm tàng những thách thức. Có thể tóm tắt những nội dung chính của các khó khăn thách thức như sau: Thách thức đầu tiên là ở chính mình, chúng ta có đủ quyết tâm và kiên định để chọn và đi đúng con đường mình đã chọn, điều lo ngại nhất là lệch về định hướng theo quy hoạch và sai về lựa chọn nhà đầu tư để “chọn mặt gửi vàng” sẽ để lại những hậu quả rất phức tạp sau này phải giải quyết, xử lý. Thứ hai là vốn cho công tác giải phóng mặt bằng, sắp xếp dân cư hiện nay. Để đủ vốn thực hiện công tác sắp xếp dân cư, tạo quỹ đất sạch, sớm ổn định đời sống nhân dân, không thể trông chờ vào ngân sách nhà nước cấp phát, cần phải huy động nhiều nguồn vốn hợp pháp để thực hiện như vốn vay, ứng của nhà đầu tư hay thực hiện đầu tư theo các hình thức đối tác công tư (PPP) để huy động nguồn vốn xã hội cho thực hiện. Thứ ba là nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng lao động có kỹ thuật tay nghề phục vụ cho các nhà máy sản xuất và hoạt động dịch vụ trong các khu du lịch. Phải tập trung xây dựng nhà ở công nhân và các thiết chế văn hóa - xã hội để thu hút nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, xem đây là lợi thế cạnh tranh quan trọng để thu hút nguồn nhân lực cho các dự án dịch vụ, sản xuất. Tập trung triển khai các cơ chế của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20.10.2015. Ngoài ra, triển khai đúng và đủ theo các quy định hỗ trợ, khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân của tỉnh. Thứ tư là vấn đề phát triển phải quan tâm bảo vệ môi trường, đây là việc làm không chỉ có ý nghĩa hiện tại, mà còn cho tương lai. Hiện nay trong công tác cấp phép đầu tư, chúng tôi luôn chú trọng ưu tiên hàng đầu cho các dự án công nghệ đảm bảo môi trường, hạn chế và không cấp phép cho những dự án có nguy cơ ảnh hưởng môi trường.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
MINH ĐỨC (thực hiện)
Những dự án chiến lược
Làn sóng đầu tư vừa đã “bùng nổ” ở miệt đông nam của tỉnh, bám theo cầu Cửa Đại bắc qua sông Thu Bồn, nối thông đến Tam Kỳ và dự kiến vài năm nữa sẽ tới tận Chu Lai. Cơ hội vùng đông nay đang “đặt cược” vào các dự án động lực...
Hấp lực…
Ông Nguyễn Văn Chúng - Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Chu Lai cho rằng, Khu công nghiệp (KCN) Tam Thăng đã đạt khá nhiều “kỷ lục” của các KCN Quảng Nam khi chỉ trong vòng 1 năm (24.3.2015 - 24.3.2016), tiến độ đầu tư đường, điện, xử lý nước thải, giải phóng mặt bằng, san nền… đã kịp để thu hút đầu tư. Hiện có 10 doanh nghiệp đầu tư vào KCN (90% doanh nghiệp FDI) với tỷ lệ lấp đầy 60%. Dòng đầu tư vào nhanh đã khiến chủ đầu tư buộc phải hãm tốc độ thu hút, từ chối nhiều dự án ngành may của các nhà đầu tư khác, chỉ nhận các dự án nguyên phụ liệu, chờ ổn định cho các nhà đầu tư hiện tại mới tính tiếp. “Khoảng 30 doanh nghiệp may Hàn Quốc bị đóng cửa ở Triều Tiên hay nhiều doanh nghiệp khác đến đăng ký, nhưng chúng tôi buộc lòng phải từ chối, hẹn họ đến tháng 3.2017 mới có thể tính toán được. Hạ tầng đường, điện, nước… chỉ vừa đủ để phục vụ cho các nhà đầu tư hiện tại” - ông Chúng nói.
Không chỉ Tam Thăng sẽ lan tỏa với quy mô khoảng 1.200ha cho các dự án công nghiệp dệt may và các sản phẩm hỗ trợ ngành dệt may đầu tư tại đông Tam Kỳ - Thăng Bình mà dự án Nam Hội An với diện tích 985,6ha (Duy Hải, Duy Nghĩa - Duy Xuyên) và Bình Dương (Thăng Bình) với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD hy vọng sẽ biến khu vực khó khăn về kinh tế thành “đô thị” nghỉ dưỡng đẳng cấp. Nhóm dự án công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô thuộc KCN Tam Hiệp và Tam Anh (2.000ha) trên nền tảng sự lan tỏa, kết nối KCN cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải đã sẵn sàng phát động. Hai dự án này sẽ chính thức được khởi công xây dựng ngày 24.4.2016. Ba dự án, chương trình còn lại nằm trong chiến lược lâu dài cũng là hấp lực không kém. Đó là cảng hàng không quốc tế Chu Lai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển định hướng đến năm 2025 với quy mô trung chuyển 5 triệu tấn hàng hóa/năm, 4,1 triệu hành khách/năm trên diện tích 3.300ha. Công ty Parsons Brinckerhoff (Hoa Kỳ) tại Việt Nam đã chính thức ký kết hợp đồng với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam về nghiên cứu tính khả thi sân bay Chu Lai từ vốn tài trợ của chính phủ Hoa Kỳ để hình thành sân bay trung chuyển hàng hóa quốc tế. Dự án Trung tâm khí - điện do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam liên doanh với Tập đoàn ExxonMobil (Mỹ) làm chủ đầu tư với tổng số vốn đầu tư hơn 22 tỷ USD, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng cục Năng lượng và Tập đoàn ExxonMobil (Mỹ) đã thống nhất lựa chọn Tam Quang để xúc tiến dự án này trên diện tích 1.000ha.
Lựa chọn dự án đầu tư chất lượng
Lựa chọn nhà đầu tư chất lượng để rộng đường khai phóng vùng đông nam là một lựa chọn có tính quyết định của Quảng Nam. Đó là sự thay đổi lớn. Chính quyền Quảng Nam sẽ chủ động thu hút các nguồn vốn từ nguồn ngân sách trung ương, trái phiếu chính phủ, ngân sách địa phương, vốn ODA, vốn ADB và vốn của các nhà đầu tư. Tổng vốn dự kiến khoảng hơn 8.500 tỷ đồng. Nếu có được số vốn này, khả năng đến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành tuyến đường bộ ven biển nối Đà Nẵng - Tam Kỳ - sân bay Chu Lai, các tuyến đường ngang nối quốc lộ 1 với vùng ven biển. Một chiếc cầu vượt quốc lộ 1 tại Tam Hiệp, nạo vét luồng cảng Tam Hiệp để đón tàu 20.000DWT, phấn đấu đưa sản lượng hàng hóa qua cảng Kỳ Hà và cảng Tam Hiệp đạt 5 triệu tấn/năm và xúc tiến đầu tư sân bay Chu Lai… cũng sẽ được xây dựng. Ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, những dự án đầu tiên đặt cược trên vùng đất này là những nhà đầu tư chất lượng, mạnh về khả năng tài chính. Tiến độ giải phóng mặt bằng, cải thiện hạ tầng các dự án khu vực này sẽ dựa vào tiến độ đầu tư theo dạng cuốn chiếu. Ngân sách nhà nước đã tập trung cho các dự án trọng điểm vùng đông nam để đẩy nhanh tiến độ.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói chính quyền đang có một sự lựa chọn. Hiện tại cả trăm doanh nghiệp tìm đến xin cấp phép đầu tư, nhưng chỉ mới giải quyết cho chủ đầu tư Nam Hội An. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính làm đầu mối xây dựng phương án huy động tài chính, bồi thường, giải phóng mặt bằng, sắp xếp dân cư, đảm bảo có khoảng từ 1.000 đến 2.000ha mặt bằng đất sạch, thu hút các dự án có quy mô lớn. Sở TN-MT, địa phương quản lý tốt hiện trạng ven biển vùng đông nam, hoàn thành hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai. Toàn bộ đất đai vùng đông nam phải được đo đạc lại và đến cuối năm nay sẽ hoàn tất việc cấp sổ đỏ cho dân. Không thể đầu tư ồ ạt tràn lan. Chỉ lựa chọn những dự án đầu tư chất lượng, từ chối những dự án nhỏ lẻ và tổn hại đến môi trường, trên cơ sở hỗ trợ tài chính, sinh kế cho người dân có cuộc sống ổn định.
NAM KHA