Cải cách chất lượng điều hành kinh tế

NHẬT PHONG 29/04/2016 09:34

Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trở thành tiêu chí truyền tải tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp tới các nhà hoạch định chính sách. PCI đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Doanh nghiệp tìm đến PCI như là công cụ hỗ trợ quan trọng để quyết định lựa chọn địa điểm, mở rộng sản xuất kinh doanh. Chính quyền dựa vào đó để cải cách, thay đổi, nâng cao năng lực điều hành.

Hội nhập kinh tế sâu rộng đang gõ cửa, Quảng Nam đang tiếp tục cải cách, đổi mới chất lượng điều hành, gấp rút cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa để thu hút doanh nghiệp.

Bứt phá PCI

PCI năm 2015 của Quảng Nam thể hiện sự bứt phá khi xếp thứ 8 (tăng 6 bậc so năm 2014), lần đầu tiên lọt vào top 10, cho thấy những cam kết cải thiện môi trường kinh doanh của chính quyền đã bắt đầu phát huy tác dụng.

Thăng hạng

Chỉ số PCI năm 2015 được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 31.3.2016 đã ghi nhận Quảng Nam có sự cải thiện đáng kể, bứt phá từ việc tăng cả điểm số và thứ hạng. Với tổng điểm số tích hợp 61,06 điểm (tăng 1,09), xếp thứ 8/63 tỉnh, thành cả nước (tăng 6 bậc so năm 2014) và xếp thứ 2 vùng duyên hải miền Trung (sau Đà Nẵng). Chất lượng điều hành đã chuyển từ nhóm khá lên tốt, trở thành gương mặt mới trong top 10 tỉnh, thành dẫn đầu chỉ số PCI, có năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư cao nhất nước. Kết quả phân tích cụ thể cho thấy 6 chỉ số thành phần có những dấu hiệu tiến bộ khả quan, đã được cộng đồng doanh nghiệp “cho điểm”. Đó là tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động và đào tạo lao động. Đây là sự khác biệt khá rõ nét khi tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động giảm năm 2014 đã gia tăng điểm số rõ rệt. Đáng kể nhất là chỉ số lao động nhiều năm qua vẫn bị xem là điểm yếu nhất của Quảng Nam đã được cải thiện nhanh chóng trong vòng hai năm gần đây. Tuy nhiên, có điều đáng lo lắng là chỉ số cạnh tranh bình đẳng liên tục bị mất điểm trong mắt doanh nghiệp qua các năm và những chỉ số mang tính chiều sâu như hỗ trợ doanh nghiệp, gia nhập thị trường, thiết chế pháp lý vốn được điểm số cao các năm lại bị sụt điểm khá nhiều trong năm 2015.

Sự năng động của lãnh đạo tỉnh cũng là điểm sáng trong việc thăng hạng của các chỉ số PCI Quảng Nam. Ảnh: N.PHONG
Sự năng động của lãnh đạo tỉnh cũng là điểm sáng trong việc thăng hạng của các chỉ số PCI Quảng Nam. Ảnh: N.PHONG

Kết quả thăng hạng hay sự tăng, giảm điểm 10 chỉ số thành phần của PCI năm 2015 không làm nhiều người bất ngờ hay ngạc nhiên. Theo nhận định của nhiều cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nếu 6 chỉ số (nêu trên) tăng điểm là kết quả, nỗ lực hiện thực hóa các nghị quyết, quy định, chỉ thị cải thiện môi trường đầu tư hay các “sáng kiến” “một cửa liên thông”, đối thoại doanh nghiệp thường kỳ đã bắt đầu phát huy hiệu lực. Song 4 chỉ số giảm điểm lại cho thấy sự vận hành cơ chế, chính sách, môi trường kinh doanh vẫn nằm trong giai đoạn thử nghiệm. “Một cửa liên thông” hay “đối thoại”, “mở cổng thông tin điện tử doanh nghiệp”, đã mang lại nhiều thiện cảm, nhưng sự vận hành suôn sẻ đến mức thông thoáng cao nhất vẫn là chuyện không dễ dàng.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng phòng Pháp chế VCCI (thành viên nhóm nghiên cứu), Quảng Nam là gương mặt mới khi lần đầu tiên xuất hiện trong nhóm 10 tỉnh, thành dẫn đầu PCI. Tuy nhiên, Quảng Nam cũng đã có 6/11 lần từng xuất hiện trong nhóm 15 tỉnh, thành đứng đầu PCI. Kết quả đánh giá tích cực của doanh nghiệp đối với chính quyền Quảng Nam có thể xuất phát từ việc địa phương đã chú trọng vào cải cách thủ tục hành chính với việc triển khai Quy chế phối hợp thực hiện “một cửa liên thông”... Qua đó, giải quyết thủ tục đầu tư rút gọn cho 9 loại thủ tục tại Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Nam; đồng thời việc tiếp doanh nghiệp định kỳ hàng tháng (triển khai từ tháng 10.2014).

Tiếp tục đột phá

Ông Võ Văn Hùng - Trưởng ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh cho rằng, có thể nhìn nhận một cách công tâm, chính những nỗ lực, giải pháp của Quảng Nam vừa qua bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần thăng hạng PCI. Tuy nhiên, lọt vào nhóm tốt và top 10 chưa phải là đỉnh cao. Giá trị thực của PCI không nằm ở bản thân xếp hạng, nhưng nó được xem là tấm giấy chứng nhận về năng lực điều hành kinh tế của chính quyền địa phương, bởi khá nhiều nhà đầu tư đã tham khảo, xác định chỉ số PCI để cân nhắc, chọn lựa đầu tư trước những địa phương có điều kiện giống nhau. PCI tụt hạng hay thăng hạng là thứ yếu. Quan trọng là phải xem xét các chỉ số thành phần có được cải thiện như thế nào để đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục cải thiện.

Theo quan sát của nhóm nghiên cứu, PCI đã trở nên quen thuộc với nhiều địa phương và trở thành con số phản ánh khách quan chất lượng điều hành cấp tỉnh. Thay vì những nghi ngại, chỉ trích ban đầu, các địa phương giờ đã tích cực triển khai hành động để cải thiện môi trường kinh doanh thông qua kết quả PCI. Cải thiện PCI giờ đây cũng không còn là nỗ lực riêng của các địa phương, mà chính thức trở thành yêu cầu từ chính quyền trung ương. Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ năm 2014 đã coi cải thiện PCI là một trong những giải pháp mà chính quyền các địa phương cần thực hiện để góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho hay, những chỉ thị về cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao chỉ số cạnh tranh để cùng doanh nghiệp thực hiện đã được ban hành. Nhiều tồn tại đã được mổ xẻ, phân tích, thay đổi tư duy phục vụ với trách nhiệm mang lại sự thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và nâng cao mức sống người dân. Địa phương đã xác định doanh nghiệp chính là đối tác của chính quyền. Tư duy chuyển hướng này thực sự đã mang đến cái nhìn mới cho doanh nghiệp nâng cao chất lượng đầu tư, hoạt động vì Quảng Nam phát triển là mục tiêu hàng đầu để cải thiện hình ảnh địa phương.

Tuyên bố của người đứng đầu chính quyền Quảng Nam đã chứng tỏ lãnh đạo tỉnh, hệ thống ngành đã biết rõ, nhìn thấy vấn đề của mình để cải cách hành chính triệt để, toàn diện và thực chất nhằm tạo nên những thay đổi đáng kể. Đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp sẽ thường xuyên hơn bằng những hình thức khác nhau để hiểu rõ hơn khó khăn doanh nghiệp nhằm có thể nhanh chóng giải quyết. Sự chuyển tải một cách thông suốt tư tưởng cải cách từ lãnh đạo tỉnh đến cán bộ nhà nước các cấp là mức chuyển quan trọng của Quảng Nam. Với những nỗ lực cải thiện không ngừng, kỳ vọng Quảng Nam sẽ nâng cao điểm số, thứ hạng PCI, luôn thuộc nhóm tỉnh, thành có chỉ số tốt, góp phần thu hút đầu tư.

Xây dựng niềm tin doanh nghiệp

“Một cửa liên thông”, tiếp doanh nghiệp định kỳ hàng tháng hay mở cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp được xem là những “sáng kiến” cải thiện môi trường kinh doanh, nâng thứ hạng và chất lượng PCI. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cần một đánh giá cụ thể để hiểu rõ hơn hiệu lực từ những cải cách này trên thực tế.

Sáng kiến

Giới doanh nghiệp đánh giá quy trình “một cửa liên thông” khá thông thoáng khi nhà đầu tư chỉ nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết các thủ tục tại một đầu mối là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Nam (IPA). Ngoài ra, những cuộc đối thoại định kỳ, cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp… đã mang lại khá nhiều thiện cảm. Doanh nghiệp không còn phải phân vân, khó xử trước một rừng văn bản. Không còn lâm vào cảnh loay hoay “lội qua” nhiều cửa mà chưa biết đâu là cánh cửa cuối cùng hoặc những uẩn khúc đã tìm thấy câu trả lời từ những cuộc đối thoại… Những tiếng “kêu” của doanh nghiệp đã có người phản hồi nhanh chóng. Ông Trương Đình Hiền - Giám đốc Công ty CP Đầu tư sản xuất và xuất nhập khẩu Sao Mộc “hạnh phúc” khi cơ quan thuế sẵn sàng gỡ bỏ lệnh phong tỏa hóa đơn cho doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Hay Công ty TNHH Hải Đăng được cam kết hỗ trợ thỏa đáng khi di dời và cấp ngay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc Công ty TNHH Kính Phước Toàn đã được giới thiệu tới ngân hàng để vay tiền xây nhà xưởng và mở L/C... Đây là kết quả sau các cuộc đối thoại thường kỳ với lãnh đạo tỉnh. Khá nhiều doanh nghiệp đã tỏ ra phấn khích khi các kiến nghị về vay vốn, mở rộng nhà xưởng, thuê đất, xin cấp điện, đầu tư hạ tầng… đã được chính quyền giải quyết kịp thời, nhanh gọn.

Đối thoại thường kỳ, các cuộc hội nghị phân tích chỉ số PCI tổ chức thường xuyên đã làm nhiều doanh nghiệp hài lòng.
Đối thoại thường kỳ, các cuộc hội nghị phân tích chỉ số PCI tổ chức thường xuyên đã làm nhiều doanh nghiệp hài lòng.

Ông Võ Văn Hùng - Trưởng ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Nam cho hay, mỗi quý thường có một bản tổng hợp kết quả giải đáp kiến nghị của doanh nghiệp định kỳ hàng tháng. Khá nhiều kiến nghị của doanh nghiệp đã được thực thi theo kết luận chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh. Tuy nhiên, cũng còn không ít kiến nghị, khó khăn chính đáng của doanh nghiệp vẫn chưa được cơ sở hay các cơ quan quản lý quan tâm giải quyết triệt để, nên cũng sẽ không thể nào giải quyết hết các yêu cầu của doanh nghiệp. Có phải đó là lý do các chỉ số gia nhập thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp, cạnh tranh thiếu bình đẳng, thiết chế pháp lý đã mất điểm trong mắt doanh nghiệp. Đó là thực tế, bởi dù chịu trách nhiệm đầu mối nhưng cơ quan này không thể toàn quyền quyết định. Họ cũng chỉ là nơi tiếp nhận và “trung chuyển” hồ sơ, thủ tục đầu tư đến sở, ban, ngành chủ trì giải quyết thủ tục và trả kết quả cho nhà đầu tư. Còn sự hợp tác giữa các cơ quan công quyền đến đâu chưa thể phân định được!

Nâng cao chất lượng hoạt động

Theo ông Võ Văn Hùng, Quảng Nam sẽ “nâng chất” môi trường đầu tư, kinh doanh, tiếp tục thực hiện chỉ thị cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chỉ số PCI, tháo gỡ vướng mắc của nhà đầu tư liên quan đến công tác bồi thường, tái định cư để sớm bàn giao mặt bằng cho dự án. Quy chế phối hợp thực hiện cơ chế “một cửa liên thông”, các hoạt động đối thoại doanh nghiệp thông qua các hội nghị chuyên đề theo ngành hay lĩnh vực, các buổi tiếp doanh nghiệp định kỳ hàng tháng, cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, chương trình “Cà phê doanh nhân”, hay hoạt động của các tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư… sẽ được tiếp tục nâng cao chất lượng. Một cầu nối hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và cung cấp các thông tin về nhu cầu cần mua bán, cơ hội giao thương để giúp các doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm… sẽ là những hoạt động thường xuyên.

Nỗ lực tạo ra “sáng kiến” để có môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hay việc công khai các hoạt động của cơ quan công quyền… bước đầu đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, thành công của các “sáng kiến” này nằm ở thái độ lắng nghe và chất lượng những câu trả lời với doanh nghiệp. Vì vậy, sự vận hành các “sáng kiến” không chỉ là giải đáp thắc mắc, kiến nghị chung chung, mà phải tạo ra cơ chế thích hợp để doanh nghiệp thực hiện quyền được biết. Một môi trường lập lờ sẽ không khuyến khích mà còn làm nản lòng các nhà đầu tư. Nếu điều này không thay đổi, ít khả năng thực hiện thì “một cửa liên thông”, đối thoại thường kỳ hay mở cổng thông tin điện tử 100%, vẫn chỉ mang tính hình thức, lấy điểm nhất thời và sẽ chẳng mang lại kết quả cải thiện bao nhiêu. Có thể xác định “gốc” của cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh hay dựng lại lòng tin doanh nghiệp sẽ phải mất nhiều thời gian và công sức. Nếu thực hiện được điều này thì cải thiện môi trường kinh doanh, tăng PCI sẽ là điều dễ thấy trong một ngày không xa.

Ông Trịnh Minh Vân - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư miền Trung (Bộ KH&ĐT) cho rằng cải thiện chỉ số PCI không của riêng ai. Để tiếp tục cải thiện năng lực cạnh tranh, chính quyền Quảng Nam cần xem xét, hài hòa lợi ích giữa dân - doanh nghiệp - Nhà nước, xem lại hiệu lực hành chính, tháo gỡ điểm nghẽn của các điểm số. Doanh nghiệp cần nắm vững, cập nhật chính sách thường xuyên và năng động tận dụng các cơ hội về cơ chế chính sách để đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.

Xây dựng chính quyền thân thiện

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, nếu liên tục thực hiện những cuộc cải cách chất lượng, xây dựng chính quyền thân thiện, bảo đảm cả hệ thống vận hành thông suốt… chắc chắn sẽ nhận được sự hài lòng, chấm điểm của doanh nghiệp về chất lượng điều hành của chính quyền.

- PV:Thưa ông, chính quyền Quảng Nam sẽ rút ra những điều gì từ sự ghi nhận của cơ quan chuyên môn trong việc cải thiện môi trường đầu tư và năng lực điều hành?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh.

- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Chỉ số PCI năm 2015 của Quảng Nam tăng từ 14 lên 8 và chỉ số đo lường hiệu quả quản trị cấp tỉnh (PAPI) xếp thứ 20, tăng 13 bậc. Đây là thứ hạng cao, nhất là PCI lần đầu tiên lọt vào top 10. Xét tổng thể, PCI năm 2015 là tín hiệu lạc quan. Các chỉ số thành phần như tính minh bạch, năng động, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, nhất là tiếp cận đất đai đã thay đổi lớn. Điều này cho thấy rằng Quảng Nam đã liên tục phấn đấu để đứng vào thứ hạng cao, giảm thiểu những tiêu cực trong thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, thể hiện năng lực điều hành của chính quyền. Đây là bước chuyển quan trọng từ nhà nước chủ yếu quản lý sang nhà nước phục vụ. Thông qua PCI, lãnh đạo địa phương có thể biết được những điểm mạnh, yếu của địa phương, đưa ra những giải pháp phù hợp để cải thiện.

Xu hướng cạnh tranh trong việc cải thiện môi trường đầu tư rất mạnh mẽ. Quảng Nam đã chủ động rà soát, đánh giá lại hệ thống, thủ tục hành chính, con người để đưa ra những giải pháp cải thiện chỉ số hữu hiệu. Điều quan trọng là chính quyền xem PCI như là một kênh đối thoại, thu thập thông tin, để biết doanh nghiệp nghĩ gì và đánh giá như thế nào về chất lượng điều hành, từ đó nâng cao năng lực chính quyền.

- P.V:Theo ông, doanh nghiệp sẽ “tham khảo” các chỉ số này như thế nào trong việc lựa chọn, quyết định đầu tư và mở rộng sản xuất?

- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Không chỉ PCI, PAPI mà cả Par Index (chỉ số cải cách hành chính) là thước đo nhìn nhận từ ba góc độ khác nhau, từ cộng đồng doanh nghiệp, người dân và nội bộ hệ thống. Còn cầu thị, nhìn nhận tăng, giảm chỉ số này để khắc phục hay không thì đó là cách làm của từng địa phương.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Ảnh: V.DŨNG
Tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Ảnh: V.DŨNG

Chỉ số PCI giống như một cuộc khảo sát khách hàng, xem doanh nghiệp có hài lòng với chất lượng điều hành hay không. Nhà đầu tư có nhiều cách để tính toán chiến lược kinh doanh, phân khúc đầu tư theo tín hiệu thị trường. Nếu cùng một điều kiện như nhau giữa các tỉnh, thành thì họ sẽ cân nhắc về PCI. Họ nhìn vào cách ứng xử của chính quyền với dân, nhìn vào cải cách hành chính có bước tiến như thế nào để đưa ra quyết định có nên mở rộng sản xuất hay đầu tư vào tỉnh ấy hay không.

- P.V: Quảng Nam làm gì để tiếp tục thăng hạng PCI?

- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Nâng điểm số, thứ hạng cao đã khó. Duy trì lại càng khó hơn khi 63 tỉnh, thành đều nỗ lực để thăng hạng và gia tăng điểm số. Năm 2016, kinh tế bình ổn. Doanh nghiệp bắt đầu mở rộng đầu tư, nhiều doanh nghiệp tìm đến, triển khai nhiều dự án lớn. Tiếp cận đất đai, đào tạo lao động hay cải cách các thiết chế pháp lý lại càng trở nên áp lực hơn vì doanh nghiệp cần mặt bằng, cung ứng lao động chất lượng… Quảng Nam sẽ xem xét lại các hệ thống văn bản về ký quỹ đầu tư, trình tự thủ tục hành chính về đầu tư và một số quy định khác liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được nghiên cứu, ban hành đồng bộ ngay trong năm 2016 để lấy lại niềm tin doanh nghiệp. Quảng Nam lên kế hoạch, phương án cung ứng lao động chất lượng thông qua việc gắn kết doanh nghiệp với các trường dạy nghề. Không phân biệt loại hình trường, miễn là việc đào tạo này đáp ứng cung cấp lao động chất lượng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và đầu tư tại Quảng Nam.

Ngay từ năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Tỉnh ủy đã họp bàn, triển khai ngay cải cách hành chính, nhấn mạnh việc chủ động môi trường đầu tư. Một chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy đã được UBND tỉnh xây dựng, quy định rất rõ những nhiệm vụ phải được thực hiện trong từng năm cho các ngành, địa phương. Vấn đề cải cách hành chính triệt để, toàn diện, thực chất, vượt qua khỏi các báo cáo để giúp doanh nghiệp nhận biết được những thay đổi của thủ tục hành chính khi tiếp xúc và giải quyết tại từng cấp địa phương. Cải cách hành chính đi liền với việc bố trí cán bộ có những biện pháp theo xử lý kỷ luật kịp thời thích đáng, nhằm giảm thiểu được tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Mọi thông tin về cơ hội, chính sách về đầu tư rõ ràng, cụ thể sẽ giảm đi sự lấp lửng và không đẩy khó về doanh nghiệp. Ngoài ra, đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp sẽ được tăng cường thường xuyên hơn để có thể hiểu rõ hơn những khó khăn từ hai phía, cùng nhau giải quyết… Điều đó tác động trực tiếp đến đánh giá của doanh nghiệp qua chỉ số PCI cũng như hình ảnh của địa phương.

- P.V: Xin cảm ơn ông!

NHẬT PHONG

NHẬT PHONG