Kinh tế ổn định theo chiều hướng lạc quan
Nhiều cơ quan quản lý nhận định kinh tế Quảng Nam 4 tháng qua đã dần ổn định theo chiều hướng lạc quan. Tuy nhiên, để tiếp tục tăng trưởng đúng như kế hoạch thì việc đầu tiên là phải tháo gỡ ách tắc giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư, tạo đà mạnh mẽ cho việc triển khai các dự án đầu tư.
Chỉ số lao động công nghiệp tăng nhanh
Báo cáo tổng hợp của Sở KH&ĐT công bố ngày 25.4 có điểm đáng chú ý: chỉ số tồn kho tăng 39% so tháng trước và tăng mạnh so cùng kỳ năm trước, nhiều nhất là sản xuất xe có động cơ, chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, chỉ số này không đáng lo ngại khi các doanh nghiệp phải tích trữ cho các đơn hàng sắp được ký kết hay mở rộng sản xuất. Các con số thống kê còn lại cho thấy chỉ số công nghiệp vẫn gia tăng đến 32,3% và chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đều tăng hơn 3,7% so cùng kỳ năm trước và tăng gần 98% so với tháng trước, nhất là sản xuất đồ uống tăng đến 78% hoặc chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng hơn 72%. Chỉ dấu lạc quan dễ nhìn nhận là chỉ số sử dụng lao động toàn ngành công nghiệp dù tăng thấp hơn so tháng trước, nhưng vẫn tăng 9% so cùng kỳ năm ngoái. Nông nghiệp được cho bị ảnh hưởng do thời tiết thất thường, rét lạnh và mưa trái mùa bất ngờ nên năng suất chỉ ước đạt 51 tạ/ha, giảm 4,3 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước. Tuy nhiên, ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định năng suất lúa có giảm nhưng không hề mất mùa. Đó là chưa kể đến việc không loại trừ khả năng năng suất lúa giảm là do dân không nỗ lực canh tác mà chỉ giữ đất để chờ cơ hội đền bù khi có dự án đầu tư triển khai...
Năng lực đầu tư từ doanh nghiệp gia tăng. TRONG ẢNH: Lễ khởi công khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải mở rộng. Ảnh: N.P |
Sự kiện hai dự án trọng điểm vùng đông nam là khu nghỉ dưỡng Nam Hội An và khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải mở rộng đã được khởi công ngày 24.4 vừa qua đã tiếp thêm động lực tăng trưởng mới cho Quảng Nam. Giới ngân hàng công bố tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đã hơn 37.000 tỷ đồng (tăng 32%), phần nào cho thấy một lượng vốn lớn đầu tư cho doanh nghiệp, đổ vào nền kinh tế đã thực chất hơn. Đó là chưa kể 8 dự án đầu tư trong nước (957 tỷ đồng), 6 dự án FDI (84 triệu USD) được cấp phép và 347 doanh nghiệp mới tiếp tục gia nhập thị trường, nhưng chỉ 39 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép (giảm đến 80%) và 23 doanh nghiệp giải thể cho thấy năng lực nội sinh của doanh nghiệp đã trở lại con đường ổn định và thị trường đã có dấu hiệu khởi sắc hơn. Điều này đã dẫn đến số thu ngân sách đạt 5.195 tỷ đồng, tăng 25% và bằng 38% dự toán năm. Không chỉ Thaco cam kết sẽ gia tăng năng lực sản xuất, các doanh nghiệp khác cũng cho thấy “tham vọng” tiến hành đầu tư, chuẩn bị cho một thời kỳ hội nhập mới với năng lực mạnh mẽ hơn, cho phép lạc quan về số thu ngân sách năm 2016.
Đẩy mạnh giải ngân, triển khai các dự án đầu tư
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nhận định chỉ số sử dụng lao động toàn ngành công nghiệp tăng hơn 9% là con số tăng trưởng “đột biến” so với nhiều năm trước. Vốn huy động, cho vay tăng hay thu ngân sách tăng khá, có thể khẳng định doanh nghiệp đã vượt thoát khó khăn, ổn định sản xuất, đủ khả năng đầu tư, mở rộng sản xuất để thu hút thêm nhiều lao động... là dấu hiệu tốt của nền kinh tế. Tuy nhiên, mặc dù kinh tế ổn định theo chiều hướng lạc quan, thể hiện rõ nhất việc Quảng Nam đã được xếp vào nhóm tăng trưởng mạnh nhất trên bình diện cả nước, nhưng khẳng định năm 2016 có được chỉ số tăng trưởng như hiện tại hay không thì cần tiếp tục tháo gỡ những khó khăn.
Một trong những mối lo ngại là tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chỉ đạt 25% kế hoạch (hơn 978 tỷ đồng). Số vốn này chủ yếu cũng chỉ giải ngân ở các công trình chuyển tiếp, trong đó nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung giải ngân 26% kế hoạch, nguồn vốn trái phiếu chính phủ giải ngân 25% và nguồn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương chỉ mới đạt 23%. Ông Trương Quang Dũng - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng gần như các dự án đã được thẩm định nhưng phải chờ thông báo vốn. Sự ì ạch, vướng mắc này do trung ương khống chế danh mục. Phần lớn các chương trình, dự án đều quy mô nhỏ. Tất cả phải chờ trung ương thẩm định. Mà chờ không biết đến bao giờ mới thẩm định xong để có thể triển khai dự án. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu, không còn cách nào khác để đẩy mạnh tăng trưởng, hoàn thành kế hoạch là phải nhanh chóng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án lớn. Tất cả công trình đều phải được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong mùa nắng, bảo đảm theo đúng tiến độ và chất lượng công trình.
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu phân tích, hàng năm đến tháng 4, đã khởi công nhiều công trình, giải ngân vốn. Còn năm nay thì vẫn chưa phân bổ hay giao vốn được. Vì vậy, lẽ ra hai chuyên đề đầu tư công trung hạn và cơ chế chính sách phát triển mới cho Hội An sẽ được trình tại kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa VIII, đã bị buộc phải khất lại. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương rà soát ách tắc về vốn để tháo gỡ và cần linh hoạt trong việc phân bổ, cấp và giải ngân vốn. Không thể giữ vốn khi nhu cầu đầu tư phát triển đang khá bức thiết. “Không hoàn chỉnh hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Không tìm ra nguồn giải phóng 2.000ha đất sạch cho vùng đông nam hay không thể đưa ra được quy chế đấu thầu công khai, minh bạch thì đừng nói gì đến việc tạo động lực đầu tư phát triển, đừng nói gì đến cải thiện môi trường đầu tư hay thu hút đầu tư như mong muốn” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói.
NHẬT PHONG