Cấp điện cho Chu Lai
Thực hiện quy chế phối hợp giữa Công ty Điện lực Quảng Nam và Ban Quản lý Khu kinh tế mở (KTM) Chu Lai, ngành điện đã cung ứng kịp thời cho các dự án đầu tư, sản xuất tại đây, góp phần tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn trên địa bàn tỉnh.
Cấp điện bằng “cơ chế mở”
Với chủ trương chuẩn bị tốt nhất về hạ tầng, chủ động đón các doanh nghiệp đến đầu tư tại Khu KTM Chu Lai, từ nhiều năm qua, Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) luôn chú trọng đến việc đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện, cung ứng điện kịp thời cho các doanh nghiệp triển khai các dự án, bởi đây là yếu tố hết sức quan trọng để các nhà đầu tư sớm ổn định sản xuất kinh doanh. Đến nay, Khu KTM Chu Lai đã có 100 dự án được cấp phép đầu tư, trong đó có gần 70 dự án được đầu tư và đi vào sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động ở địa phương. Sự thành công này không thể không kể đến những đóng góp của ngành điện đối với việc cung ứng điện cho doanh nghiệp.
Với phương châm “điện đi trước một bước”, PC Quảng Nam sẽ ưu tiên cấp điện cho các dự án trọng điểm Khu KTM Chu Lai trong những năm đến. Ảnh: T.LỘ |
Ngay từ những năm đầu thành lập, Ban Quản lý Khu KTM Chu Lai và PC Quảng Nam đã ký cam kết cung ứng điện kịp thời thông qua “cơ chế mở” dành cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi triển khai các dự án tại đây. Theo ông Phạm Ân - Phó Trưởng ban Quản lý Khu KTM Chu Lai, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện quy chế đã mang lại hiệu quả cao. Theo đó, đã phân công trách nhiệm cụ thể ở mỗi bên, phương thức phối hợp, trao đổi thông tin giữa ngành điện, Ban Quản lý Khu KTM Chu Lai trong việc cung ứng điện năng kịp thời cho các dự án đầu tư. PC Quảng Nam chịu trách nhiệm bảo đảm cấp điện kịp thời đến chân “hàng rào” cho các nhà đầu tư khi chính thức được cấp phép triển khai dự án tại Khu KTM Chu Lai. Hằng tháng, Ban Quản lý Khu KTM Chu Lai cập nhật, cung cấp thông tin về quy mô, công suất sử dụng điện của các dự án đầu tư cho ngành điện; đồng thời làm đầu mối hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ đề nghị cung ứng điện của các nhà đầu tư với ngành điện để nắm bắt, chuẩn bị nguồn lưới đầu tư mở rộng cung ứng điện cho các nhà đầu tư kịp thời.
Cung ứng điện đảm bảo chất lượng, an toàn góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất ở Khu KTM Chu Lai. |
Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển Khu KTM Chu Lai, PC Quảng Nam đã thực hiện tốt cam kết với các nhà đầu tư bằng cơ chế “cấp điện đến chân hàng rào”, đã góp phần thực hiện chính sách thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế vùng. Một số dự án quy mô lớn đã đầu tư như tổ hợp Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải, các nhà máy ô tô tải, ô tô du lịch, ô tô khách, các nhà máy cơ khí, sản xuất phụ tùng và công nghiệp phụ trợ...., tổng vốn đầu tư 400 triệu USD; nhà máy kính nổi Chu Lai, nhà máy Sô đa Chu Lai, khu du lịch sinh thái Chu Lai, khu du lịch sinh thái Cát Vàng Chu Lai, Khu công nghiệp Tam Thăng... được cung ứng điện năng tương đối ổn định và kịp thời, tạo sự an tâm cho nhà đầu tư. Chỉ tính riêng nguồn vốn đầu tư hạ thế để cấp điện đến chân hàng rào của nhà máy từ trước đến nay đã lên đến hơn 100 tỷ đồng. Theo đó, đã lắp đặt gần 70 trạm biến áp với tổng dung lượng 43.390kVA và kéo mới 4.166km đường dây 35kV. Sản lượng điện tiêu thụ ở Khu KTM Chu Lai tăng nhanh ở mỗi năm, bình quân tăng trưởng hơn 20%. Cụ thể, năm 2013, tổng sản lượng điện tiêu thụ tại đây đạt 88 triệu kWh, năm 2014 đạt gần 100 triệu kWh và đến năm 2015 đã lên đến 138 triệu kWh. Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp tại Khu KTM Chu Lai không ngừng tăng trưởng nhanh, tạo ra nhiều sản phẩm chủ lực, đóng góp đến gần 60% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.
Nâng cao chất lượng điện
Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNPC) cho biết, giai đoạn 2016 -2020, EVNCP sẽ đầu tư xây dựng 10 dự án lưới điện 110kV trên địa bàn Quảng Nam với tổng vốn 1.132 tỷ đồng. Trong đó, dự án trạm biến áp (TBA) 110kV Thăng Bình 2 và nhánh rẽ có tổng mức đầu tư 136 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong tháng 6.2016 và hoàn thành đóng điện đưa vào sử dụng tháng 12.2016; dự án TBA 110kV Tam Thăng và đấu nối có tổng mức đầu tư 137 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong tháng 8.2016 và hoàn thành đóng điện đưa vào sử dụng tháng 3.2017; dự án TBA 110kV Phước Sơn và nhánh rẽ có tổng mức đầu tư 158 tỷ đồng; dự án mạch 2 đường dây 110kV Đại Lộc - Đà Nẵng có tổng mức đầu tư 78 tỷ đồng (cả 2 dự án dự kiến khởi công trong quý II.2017). Sáu dự án còn lại dự kiến khởi công trong năm 2018 - 2019. Hiện các đơn vị tư vấn thiết kế hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thỏa thuận địa điểm, hướng tuyến… |
Công ty CP Ô tô Trường Hải là một trong những nhà đầu tư tiên phong đến đặt chân “khởi nghiệp” trên mảnh đất Khu KTM Chu Lai. Theo ông Thái Huy Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Ô tô Trường Hải, sự lớn mạnh của Thaco như ngày hôm nay hội đủ nhiều yếu tố, trong đó sự hỗ trợ tích cực của chính quyền và các ngành chức năng, đặc biệt là PC Quảng Nam đã tạo những điều kiện thuận lợi nhất. Một trong những vấn đề các doanh nghiệp quan tâm khi đến đầu tư ở Khu KTM Chu Lai chính là hạ tầng kỹ thuật, nhất là điện. Ngay từ dự án đầu tiên đến hàng chục dự án kế tiếp ra đời, Thaco luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực của PC Quảng Nam, cấp điện trên tinh thần linh hoạt, thông thoáng, bằng “cơ chế mở” dành cho các nhà đầu tư.
Theo ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban Quản lý Khu KTM Chu Lai, để tiếp tục xây dựng Khu KTM Chu Lai trở thành khu kinh tế trọng điểm của quốc gia theo chủ trương của Chính phủ và tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, phát triển theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, đã đề ra, trong thời gian đến, Khu KTM Chu Lai cần chọn mô hình là khu kinh tế tổng hợp, lấy công nghiệp ô tô, may mặc và khí - điện làm trung tâm; kết hợp với phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, điện tử, công nghiệp có kỹ thuật cao. Đồng thời tập trung phát triển các ngành dịch vụ như du lịch, đô thị, vận tải hàng hóa và hành khách quốc tế, dịch vụ thương mại. Theo đó, Khu KTM Chu Lai cũng đã chủ động triển khai các giải pháp cụ thể và đề ra 5 chương trình phát triển sắp đến. Ngoài công nghiệp ô tô, còn có các khu phức hợp du lịch - dịch vụ Nam Hội An, tổ hợp dệt may và công nghiệp phụ trợ, phát triển sân bay Chu Lai gắn với công nghiệp hàng không và dự án đưa khí vào bờ để phát triển công nghiệp khí - điện. Chính vì vậy, Quảng Nam sẽ huy động nguồn lực rất lớn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu KTM Chu Lai, trong đó có hạ tầng điện.
ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc PC Quảng Nam cho rằng, với phương châm “điện đi trước một bước”, trong những năm đến, PC Quảng Nam sẽ chú trọng việc xây dựng hệ thống cung cấp điện cho các dự án trọng điểm Khu KTM Chu Lai. Cụ thể, ưu tiên đầu tư cung ứng điện cho các dự án nam Cửa Đại, các vùng ven biển Núi Thành, Tam Kỳ, Duy Xuyên, Thăng Bình, Hội An... dự báo có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, nên đòi hỏi phải sớm quy hoạch đầu tư các hệ thống trạm và lưới dự nguồn, đặc biệt mở rộng các trạm biến áp 110kV, 35kV... để chuẩn bị để đón đầu dòng vốn đầu tư.
TRUNG LỘ