Kiến thiết cơ chế, chính sách cho Hội An
Hội An vừa kiến nghị cơ chế, chính sách mới để tạo động lực phát triển thành phố trong tương lai.
Thiếu nguồn lực đầu tư phát triển
Hội An đã xây dựng thành công hình ảnh một trung tâm du lịch thanh bình, an toàn, sạch sẽ nổi bật trên bản đồ Việt Nam. “Cơn bão” du lịch đã làm thay đổi đời sống nhân dân địa phương trong vòng hai thập kỷ qua. Lượng du khách đạt đến mức kỷ lục, gây ra sự đảo lộn hoặc đẩy áp lực lên di sản và phần nào ảnh hưởng đến giá trị văn hóa. Các chuyên gia bảo tồn, du lịch cảnh báo rằng mật độ bán buôn dày đặc, mỗi ngôi nhà mặt tiền ở phố cổ là một cửa hàng, cửa hiệu, đa số nhà cổ sử dụng buôn bán thương mại… đã dần làm phai nhạt bản sắc Hội An. Căn nhà cũ vẫn mang dáng dấp xưa nhưng không gian bên trong đã thay đổi. Việc tu bổ nhà cổ Hội An đang mất đi tính chân xác.
Dự báo, giá trị sản xuất toàn thành phố năm 2016 sẽ tăng 11%, nâng thu nhập bình quân đầu người trên 36,5 triệu đồng với tổng lượt khách tăng 9,47% (khoảng gần 2,3 triệu lượt khách đến). Khó có thể lượng hóa được con số tăng trưởng chính xác trong tương lai, nhưng người Hội An hiểu nếu chỉ là những show diễn nhất thời, sớm muộn gì cũng sẽ bị quên lãng. Kế hoạch của Hội An là nâng cao chất lượng ngành kinh tế du lịch, mở rộng không gian phát triển. Tuy nhiên, chính quyền Hội An công bố đầu tư công hàng năm chỉ đạt trên 80%. Nguồn thu để chi xây dựng cơ bản ngân sách thành phố chủ yếu từ phí tham quan, yến sào và khai thác quỹ đất, nhưng số thu này bấp bênh, nhất là nguồn khai thác quỹ đất nên không thể bảo đảm chi cho đầu tư xây dựng cơ bản. Dự kiến giai đoạn 2016 - 2020 sẽ đầu tư 112 công trình với tổng mức đầu tư hơn 5.204 tỷ đồng.
Hội An kiến nghị cần có cơ chế thông thoáng để thành phố có thêm nguồn lực đầu tư, phát triển du lịch. TRONG ẢNH: Du khách đến Hội An. Ảnh: NAM KHA |
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, tất cả dự án đang, sẽ được đầu tư là những dự án cấp thiết nhằm kiến thiết thị chính, gia tăng giá trị cho ngành du lịch, dịch vụ và thương mại. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn lực đầu tư đang là rào cản lớn cho các dự án triển khai. Liệu thành phố có đủ nguồn lực khi phải bảo đảm dành khoảng 70% kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản và bố trí trả nợ khối lượng trước kết quả thu ngân sách không thể tăng cao? Khả năng nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn sẽ buộc phải dừng lại vì không đủ vốn để đầu tư khi chính quyền tỉnh cũng không có khả năng hỗ trợ.
Chờ cơ chế, chính sách mới
Ngày 7.4.2016, ông Nguyễn Văn Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP.Hội An đã đề xuất cơ chế, chính sách mới cho Hội An lên Thường trực HĐND tỉnh. Hội An đề nghị tỉnh nghiên cứu, có chủ trương riêng về tổ chức bộ máy, bổ sung thêm biên chế quản lý hành chính, sự nghiệp. Tiếp tục phân cấp mạnh hoặc ủy quyền cho thành phố quản lý một số lĩnh vực mà thành phố có khả năng thực hiện tốt như cấp phép tu bổ di tích, phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 trở xuống, cấp phép xây dựng trên các tuyến đường chính, phân cấp về các quyết định đầu tư các công trình xây dựng cơ bản và ưu tiên hỗ trợ mọi nguồn lực để Hội An có điều kiện phát triển trong tương lai. Đó là chưa kể đến môi trường du lịch đang bị bào mòn bởi an ninh, quản lý xây dựng, văn minh đô thị, vệ sinh môi trường, cò mồi, bu bám, ăn xin… đang trong tình trạng báo động. Cù Lao Chàm có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh đang quá tải. Địa phương cần đầu tư, mở rộng không gian phát triển và đầu tư cơ sở hạ tầng vùng ven nhằm giãn mật độ, giảm áp lực cho khu vực trung tâm đang là yêu cầu cấp bách cần được ưu tiên giải quyết.
Ông Vinh cho rằng hiện tại một số cơ chế, chính sách không thể thực hiện được do bị ràng buộc bởi các văn bản pháp luật của trung ương, các quy định cấp trên chưa thể điều chỉnh bao quát, phù hợp với tính chất đặc thù của thành phố. Cơ chế, chính sách còn mang tính ngắn hạn, chỉ xử lý một số bất cập từ thực tiễn, chưa phải là chính sách mang tính dài hạn, tổng thể để tạo sự phát triển nhanh và bền vững cho thành phố. Hội An chưa đủ nguồn lực để có thể đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng 40 năm qua đã xuống cấp, kiến thiết đô thị mỹ quan… khi nguồn đầu tư quá lớn. Thành phố đang rất cần sự quan tâm ủng hộ của tỉnh, nhất là việc ban hành những cơ chế, chính sách tạo động lực mới cho Hội An.
Kiến nghị của Hội An đã nhận được khá nhiều ý kiến. Ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay sẽ làm việc cụ thể với Hội An vì phải biết cơ chế đầu vào thì mới tính được cơ chế đầu ra. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho rằng hiện có hai cái vướng khi việc này lại đem ra bàn ở cuối nhiệm kỳ và năm 2016 đã ổn định ngân sách, khó có thể thay đổi. Cơ chế cũ chỉ có 2 nguồn thu để lại 100%. Kiến thiết thị chính sẽ dựa theo cơ chế Tam Kỳ để tính toán. Không thể áp dụng luật chơi riêng. Niên độ ngân sách 2017 - 2020 mới có thể tính toán được cơ chế hay chính sách vì cơ chế tài chính năm 2016 như 2010 - 2015 thì không cần giải quyết cũng có. Nếu luật mới buộc phải đưa vào ngân sách thì sẽ hòa vào cân đối. Cách phân bổ, cơ chế sẽ không khác. Chỉ là gắn chi với gắn nhiệm vụ. Tài chính ước định thu ngân sách và giao lại cho Hội An. Thu được bao nhiêu chi bấy nhiêu. Cơ chế phân cấp nguồn thu cho Hội An thế nào phải tính toán cụ thể. Cơ quan quản lý cần suy nghĩ thêm để tham mưu một cách hợp lý và chuẩn xác về những đề xuất của Hội An.
Những đề xuất cơ chế, chính sách mới này của Hội An có được thông qua hay không thì vẫn phải chờ HĐND tỉnh trong các kỳ họp sắp tới.
NAM KHA