Tìm cách thu hồi nợ tạm ứng

TÂM CA 20/04/2016 08:57

Chuyện thu hồi nợ đọng tạm ứng của các nhà thầu từ năm 2010 trở về trước một lần nữa lại đặt lên bàn nghị sự. Lịch làm việc UBND tỉnh sắp xếp ngày 21.4.2016, lãnh đạo tỉnh sẽ nghe Sở KH&ĐT và các ngành báo cáo việc thu hồi nợ của các nhà thầu từ năm 2010 trở về trước.

Nợ tạm ứng của các nhà thầu là câu chuyện luôn được nhắc tới trong các kỳ họp HĐND, các chương trình phát triển đầu tư. Số nợ tạm ứng tồn đọng dù đã được giảm dần qua các năm nhưng thực tế vẫn còn quá nhiều dự án nợ đọng không thể thu hồi. Sự giám sát chặt chẽ của chủ đầu tư hay sự kiên quyết của cơ quan cấp vốn hoặc tính lãi trên số dư chỉ tác động đến những nhà thầu “thiện chí”, còn các đơn vị khác cố tình lảng tránh hay chây ì cho đến bây giờ vẫn gây khó cho các cơ quan quản lý. Nhiều chủ đầu tư đã buộc phải chuyển hồ sơ nhà thầu về phía cơ quan thực thi pháp luật hoặc “xin” xóa nợ, nhưng vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Dư luận đã đặt khá nhiều câu hỏi tại sao các chủ đầu tư, nhà thầu không lập hồ sơ, thủ tục nghiệm thu, thanh toán vốn và lập hồ sơ, thủ tục hoàn ứng ngân sách theo đúng quy định gửi đến cơ quan chuyên môn theo dõi, kiểm soát? Dư luận ngạc nhiên rằng năm nào chính quyền và cơ quan quản lý cũng kêu gọi, thậm chí chế tài, tuyên bố ai để thất thoát vốn nhà nước phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, mà chưa thấy ai bị kỷ luật? Không thể không đặt câu hỏi và cần câu trả lời là có phải do cơ chế trách nhiệm tập thể, không ai chịu trách nhiệm cụ thể nên tình trạng này như một “con bệnh đã lờn thuốc”? Hiện vẫn còn nhiều công trình chưa có khối lượng để thanh toán, nhất là khoản nợ tạm ứng từ năm 2010 trở về trước (khoảng hơn 71 tỷ đồng) đến nay vẫn chưa thể thu hồi. Nhiều gói thầu đã ngừng triển khai thi công, tuy nhiên vẫn còn treo số dư tạm ứng chưa thu hồi như dự án nạo vét thoát lũ khẩn cấp sông Trường Giang, dự án đường ô tô đến trung tâm xã Trà Tập… Lời giải thích suốt mấy năm nay của chủ đầu tư hay ban quản lý là số nợ đọng không thể thu hồi này thuộc về các dự án, gói thầu đã ngừng thi công, một số đơn vị tư vấn, nhà thầu đã giải thể… không thể tìm ra địa chỉ. Ngay những bản án đã được thi hành vẫn không thể xác định được tài sản và không biết kêu ai tới tòa. Nhiều chủ đầu tư đã gửi đơn xin xóa nợ các nhà thầu, tư vấn đã giải thể, nhưng không ai đủ thẩm quyền để xử lý. “Sự cố” này thực sự là khoảng trống của việc buông lỏng quản lý ngân sách.

Chuyện đã quá lâu, có thể không xác định được trách nhiệm thuộc về ai. Khả năng số nợ tạm ứng này không thể thu hồi và nghiễm nhiên một khoản tiền ngân sách sẽ bị mất đi và mất luôn cả lòng tin của dân chúng. Không thể để treo mãi trên các báo cáo và cuộc họp nào cũng đem ra mổ xẻ mà không đi đến kết quả cuối cùng.

TÂM CA

TÂM CA