Thiếu không gian du lịch bình dân
Thời gian qua, việc quy hoạch, xây dựng điểm đến phục vụ đối tượng khách du lịch bình dân dường như vẫn chưa được các doanh nghiệp và địa phương quan tâm đúng mức.
Khoảng trống
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 10 điểm khách có thể tham quan du lịch. Tuy nhiên, ngoại trừ đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn lượng khách luôn đông đảo, các điểm còn lại số lượng thường rất ít do chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí của khách, nhất là với khách đoàn tự tổ chức có số lượng lớn. Điều này khiến việc tìm địa điểm cho các hoạt động dã ngoại của những đoàn khách như gia đình, cơ quan, trường học vào dịp lễ tết luôn trong tình trạng thiếu hụt. Chỉ trong dịp 8.3 vừa qua, những điểm có thể đón được khách đoàn đến vui chơi sinh hoạt cộng đồng như hồ Phú Ninh, Hội An Discovery đều kín chỗ. Thậm chí, tại Hội An Discovery, khách phải đặt tour trước đó vài ngày. Đại diện một trường học ở Điện Bàn cho biết, họ không thể tìm đâu ra địa điểm phù hợp để tổ chức cho giáo viên đi chơi dịp này vì số lượng đoàn lên đến 80 người. “Cái khó là nơi đó phải vừa có không gian rộng rãi để thầy cô sinh hoạt vui chơi, vừa phải có dịch vụ ăn, nghỉ qua trưa giá cả phù hợp, nhưng nhìn quanh rất ít nơi nào đáp ứng, nếu có thì ở xa quá nên cuối cùng các thầy cô đành xuống biển An Bàng vui chơi, tắm biển” - một giáo viên kể.
Khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh đang hướng đến xây dựng các sản phẩm dịch vụ phục vụ đối tượng khách nhóm, đoàn nội địa. |
Khảo sát các điểm danh thắng, du lịch trên địa bàn tỉnh cho thấy, nơi đáp ứng về yêu cầu không gian thì hạn chế dịch vụ, hạ tầng hoặc giá cả quá cao, chưa phù hợp với đối tượng khách bình dân. Thực tế, những năm qua việc quy hoạch, xây dựng sản phẩm dịch vụ trên địa bàn chủ yếu tập trung vào 2 trung tâm du lịch chính là đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn với đối tượng khách quốc tế và khách đi theo chương trình tour cố định. Tại những điểm du lịch mới nổi như Cù Lao Chàm hay Triêm Tây, Vinahouse…, tuy diện tích rộng rãi nhưng cũng rất khó tổ chức hoạt động sinh hoạt cộng đồng hoặc nhóm lớn do quá trình quy hoạch không gian giải trí, vui chơi chưa tính tới. Ông Trần Quý Tấn - Trưởng phòng Quản lý lữ hành (Sở VH-TT&DL) cho rằng, nhiệm vụ của ngành chỉ phân tích, rà soát các tiềm năng du lịch mang tính dự báo cho địa phương, giúp địa phương xây dựng chương trình quảng bá chứ không thể can thiệp vào kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. “Nhà nước chỉ xác định tiềm năng, tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư còn quy mô thế nào, sản phẩm ra sao, thị trường khách hướng đến là ai… là quyền quyết định của mỗi doanh nghiệp” - ông Tấn nói.
Hướng đến khách bình dân
Phát triển du lịch Quảng Nam thời gian qua cho thấy tỷ lệ khách nội địa và quốc tế luôn tương đương nhau. Thậm chí, ở một số thời điểm, khách Việt chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng cơ cấu khách tham quan. Tuy vậy, câu chuyện xây dựng sản phẩm dịch vụ trước hay chờ có khách đến mới đầu tư vẫn là vòng luẩn quẩn, nhất là tại những điểm do chính quyền địa phương hoặc doanh nghiệp nhỏ quản lý. Ông Nguyễn Tấn Liên - Giám đốc Khu du lịch Hoi An Discovery (khu du lịch Tuấn Liên) cho rằng, việc phân khúc thị trường khách là cần thiết, từ đó mới có thể xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm dịch vụ phù hợp. Kể từ khi đi vào hoạt động (năm 2012), đối tượng mà doanh nghiệp tập trung hướng đến vẫn là khách nhóm, gia đình, đoàn thể, cơ quan… sống trên địa bàn tỉnh và TP.Đà Nẵng, nên đa số sản phẩm đều mang tính cộng đồng, phục vụ khách nhóm và tập thể. “Tất nhiên, khách nào chúng tôi cũng chào đón cả nhưng đối tượng khách nhóm bạn, đoàn thể, cơ quan vẫn chiếm số lượng lớn trong cơ cấu khách tham quan nơi đây” - ông Liên nói.
Có thể nói, Hội An Discovery là một trong số ít điểm đáp ứng được yêu cầu hạ tầng dịch vụ, vui chơi, giải trí cho khách đoàn nội địa. Đây đang là hướng đi của vài điểm du lịch hiện nay. Tại Khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh, trong chiến lược phát triển của mình cũng đã hướng đến quy hoạch, đầu tư xây dựng các sản phẩm tương thích với từng nhóm đối tượng khách dựa trên thế mạnh khai thác về tài nguyên thiên nhiên. Trong đó, việc phân chia khu du lịch thành các phân khu với chức năng khác nhau nhằm phục vụ nhiều đối tượng khách tham quan như khu đón tiếp, phục vụ du lịch thư giãn, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; khu trung tâm dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp với các công trình biệt thự ven hồ, sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế; khu bảo tồn văn hóa cộng đồng; khu tổ chức các dịch vụ tham quan, trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, cắm trại, giáo dục kỹ năng.... Tất cả khu chức năng này được quy hoạch theo hướng phát triển bền vững trên cơ sở bảo vệ môi trường, cảnh quan với hai yếu tố trọng tâm là phát triển vốn rừng và bảo vệ tài nguyên nước.
Theo ông Huỳnh Tấn Quốc - Giám đốc điều hành Khu du lịch sinh thái Phú Ninh, việc phân chia những khu chức năng với các dịch vụ đa dạng sẽ đáp ứng được nhu cầu của nhiều đối tượng khách từ nhóm, đoàn đi tự do đến tour cố định hoặc theo gói tùy chọn phổ thông đến cao cấp. “Hiện nay, khách đến khu du lịch chủ yếu là nội địa như nhóm bạn, gia đình, cơ quan… nên chúng tôi đang tập trung phát triển các sản phẩm dịch vụ từ trò chơi mạo hiểm ngoài trời, game trong nhà, tắm khoáng, tắm bùn, khu vui chơi trẻ em đến tham quan cảnh quan, động vật hoang dã, cắm trại hoặc nghỉ dưỡng trong các khu lưu trú sinh thái…” - ông Quốc cho biết.
KHÁNH LINH