Cần có cụm công nghiệp chuyên ngành
Việc phân bổ 60 tỷ đồng đầu tư các cụm công nghiệp (CCN) năm 2016 một lần nữa lại được xới lên tại cuộc họp đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 vào ngày 8.4. Thường trực HĐND tỉnh đã đặt câu hỏi tại sao lại phân bổ vốn cho các dự án không đồng đều? Tại sao không chọn lọc vài CCN thật sự hiệu quả, có những dự án khả thi để bơm vốn khởi động, hơn là rải đều vốn cho tất cả CCN?
Ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở KH&ĐT lý giải rằng tại đợt phân bổ vốn lần 3, đã bố trí 60 tỷ đồng cho CCN đã được thống nhất. Theo quy định của Quảng Nam, sẽ bố trí tối đa 20 tỷ đồng cho 1 CCN. Cơ quan quản lý đã căn cứ vào tổng mức đầu tư của CCN để phân bổ vốn. Số vốn tương ứng 70% so với yêu cầu đầu tư. Khi thanh quyết toán sẽ bố trí thêm. Lý giải này đã không thuyết phục được thành viên HĐND khi cho rằng không thể dựa trên cơ sở tổng mức đầu tư của CCN mà tiến độ đầu tư vào các CCN mới là điều cần xem xét. Bởi thực tế, không ít CCN chờ vốn hỗ trợ mới triển khai thì khi tiền rót xuống (dĩ nhiên là cách phân bổ như hiện tại), không bao giờ đủ vốn thì vẫn cứ chờ, không thực hiện hoặc thiếu hiệu quả không ai tính đến.
Mô hình CCN tăng về số lượng. Điều đó thực sự là cần thiết khi kế hoạch phát triển công nghiệp vẫn là ưu tiên hàng đầu để giải quyết lao động, tăng trưởng kinh tế địa phương. Nhưng không nên để huyện, thị nào cũng “đổ xô” lập CCN, bởi không phải địa phương nào cũng thu được kết quả khả quan. Thực chất, hiệu quả CCN không như kỳ vọng vì một điều dễ hiểu là CCN mở ra để thu hút, di dời các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể địa phương, nên chỉ phù hợp với năng lực quản lý và nguồn lực ít ỏi của địa phương, vì vậy tính cạnh tranh thấp. Tâm lý địa phương muốn quy hoạch cho đủ, mở CCN ra để “chờ thời”. CCN nào cũng gom vào đủ loại ngành nghề, lĩnh vực mà không có một sự phân công, phân bổ nguồn lực. Điều này đã dẫn đến sự thiếu, thừa lao động cục bộ tại các địa phương. Đó là lý do để Núi Thành không thu hút doanh nghiệp dăm gỗ và Duy Xuyên thì chấm dứt thu hút ngành dệt may về CCN, bởi không thể tìm đâu ra lực lượng lao động. Ông Nguyễn Văn Khánh - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng Duy Xuyên cho rằng địa phương phải hạn chế vì nếu thu hút thêm các dự án lĩnh vực này mà không cam kết đủ lao động thì chính quyền địa phương “hứa suông” với doanh nghiệp.
Nhu cầu phát triển vẫn không dừng lại. Nhưng nếu vẫn phát triển như cũ, sẽ khó mang lại hiệu quả. Khi số lượng và quỹ đất của các CCN hiện hữu còn nhiều, chưa khai thác hết thì nên tập trung vào khai thác chiều sâu để nâng cao chất lượng, tránh đầu tư tràn lan. Cần khai thác sao cho tốt nhất, trên cơ sở dự báo dài hạn và dựa vào nhu cầu chứ không thể theo cách nghĩ có CCN… là đã phát triển. Một điều cần tính đến là thành lập những CCN chuyên môn hóa theo ngành, gắn kết với vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất công nghiệp. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp trong cụm với quy mô vừa và nhỏ sẽ có mối liên kết cùng sản xuất nhưng cũng kết nối hợp tác để phát huy nội lực và tăng khả năng cạnh tranh. Cũng dễ hiểu vì sao những CCN đa ngành nghề tại Quảng Nam sẽ rất khó sắp xếp bởi việc này đòi hỏi phải tốn chi phí rất lớn để di dời doanh nghiệp phù hợp với ngành nghề. Điều này cần thời gian, lộ trình nhất định. Nhưng một khi đã chuyển hướng tư duy như vậy, thì những CCN mới sẽ hình thành trong tương lai hoặc tập trung vốn cho những CCN hiệu quả (như những gì thành viên HĐND tỉnh băn khoăn), có kế hoạch quy hoạch phân khu chuyên ngành trong CCN đa ngành. Những doanh nghiệp hoạt động phù hợp với ngành nghề nào thì sẽ được chuyển vào phân khu đó. Nếu không bám sát các mục tiêu và bước đi này thì hiệu quả CCN vốn đã yếu và nhỏ sẽ ngày càng tụt hậu.
TÙY PHONG